Những cơn gió liu riu đầu Chạp dễ khiến lòng kẻ xa quê rung lên những khúc ngậm ngùi. Mới đó mà một năm cũng sắp sửa cạn cùng.
Bữa, ngừng tay nghỉ việc, ngó lên cuốn lịch đã hòm hòm về cuối, tôi bần thần mất một hồi lâu.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Nếu tôi nhớ không nhầm, mùa này, cây mít trong sân nhà cũ sau đợt thay lá đã xanh thẫm mướt mắt hơn. Mấy cây xoài bỗng thay áo tím non tơ trên đọt, hứa hẹn một mùa bông thơm, rợp vườn nhà. Vườn chuối của ba đang độ đẫy đà với những buồng trái đã vào kỳ chín bói, thỉnh thoảng sẽ ló ra mấy trái bị chim chóc, dơi ghé mỏ nhấp một vài chỗ ngọt lịm. Rồi ba sẽ hạ những buồng chuối chín bói đó xuống, lóc từng nải phơi sơ một nắng cho ráo mủ, rồi ủ trong lu đất, phủ mớ rơm sau vụ đông xuân. Chuối ủ theo cách này đủ độ ấm nóng sẽ nhanh chín mà lại để được lâu. Vườn chuối ba trồng là giống chuối chua, nay đã thành thứ “của hiếm” giữa nhiều giống chuối lai, chuối ngoại. Chuối chua với đặc tính giống như tên gọi. Những trái chuối thon dài gọn gàng, lúc chín vỏ ửng vàng, cơm chuối có vị chua dịu rất đặc biệt, không phải loại “ngọt một chiều” như các giống chuối khác. Khi chuối chín vàng cũng là lúc má chuẩn bị đem đi “ngồi chợ”. Công việc bán buôn của má như đi chơi, tháng đi vài ba bận, là những lúc vườn nhà ba có những thứ trái cây chín tới như vầy. Hoặc khi dây trầu ra lá xanh um, mấy cây cau trổ buồng đong đầy trái, hay khi mớ sả trong vườn đã lớn bộn rồi...
Chợ quê đúng nghĩa chợ quê. Nó chỉ quy tụ đâu hơn chục sạp hàng. Mấy cái mẹt tre kê trên mặt ghế đẩu, khoe mớ tôm khô cuối mùa đỏ au. Mấy xịa rau cải, hành hẹ vườn nhà, mấy bó rau kèo nèo, rau nhút, rau muống, dưa rau móp ngâm chua, bầu bí, khổ qua còn dính cánh bông tàn, lá cóc, lá chùm ruột ghém với mớ rau dấp cá, rau đắng mọc sau hè… Kế đó, vài ba thau cá tràu cửng, cá trê, lóc đồng, chạch, bống dừa, bống cát, cá phèn sông, tôm càng, cá sặc, tép bạc… Riêng khoản cá tôm, những ngày giáp Tết là dồi dào nhứt. Ở quê, nếu nhà nào còn ruộng thì chắc chắn cũng sẽ ráng quây một cái đìa, thả chà cây củi mục, dụ cá sông theo con nước vô ở, làm ổ, sinh sản đầy đàn. Đìa quê mỗi năm tháo hai lần, một lần giữa năm để sau đó be bờ bọng, vét sạch rong rêu, chờ một đợt cá mới dành ăn Tết. Dĩ nhiên, đợt cá cuối năm đều được đưa ra chợ Tết. Tôm cá rộng trong thau, thùng thiếc, xô; cứ búng quẫy tanh tách, con nào con nấy ú na ú nần. Nếu ngày thường chợ tan sớm, lưng chừng buổi sáng đã vắng hoe, thì những ngày tháng Chạp chợ chộn rộn hơn, hàng hóa nhiều hơn. Người mua kẻ bán xôn xao vừa ngả giá vừa kiếm cớ thăm hỏi để “cầm chân” nhau lâu hơn. Bởi ai cũng biết thời khắc của những ngày cuối năm này niềm vui về ngập lối.
Từ rằm tháng Chạp, ba ráng dưỡng mớ lá chuối thiệt đẹp, không tưa rách để dành cho những buổi chợ cuối năm. Cũng từ thời khắc này, chợ quê bắt đầu hực lên sắc vàng, cam rực rỡ của mớ bông vạn thọ tròn xoe, mập mạp được đánh từ mấy luống đất cao trên ruộng sau vụ lúa đông xuân. Mùi hăng nồng đặc trưng của mớ kiệu Tết cũng khiến các bà các mẹ phấn khởi nhẩm tính tới việc làm mấy keo kiệu cho nhà thì đủ. Tết quê nhất thiết phải có đòn bánh tét, dĩa củ kiệu thơm giòn, nhúm tôm khô đỏ au, xâu lạp xưởng mang màu may mắn cho năm mới.
Hồi nhỏ và ngay cả bây giờ, thứ tôi thích và ao ước được sắm ở chợ quê không phải váy áo lụa là, mà chính là những phong bánh in đậu xanh, sầu riêng béo thơm, những viên kẹo thèo lèo đậu phộng, mè đen giòn rụm. Những thứ quà quê bé mọn đó, ở thành phố tấp nập này, chúng nằm nép mình khiêm tốn trong mấy quầy tạp hóa nhưng lại là thứ khiến tôi rưng rưng mỗi khi Tết về.
Đặt phong bánh in lên bàn thờ gia tiên, lặng trong hương trầm những ngày đầu năm, thấm thía nỗi nhớ quê. Tôi nghe được cả mùi nhựa của lá chuối buổi chợ cuối năm, mùi vôi nồng nàn quệt bên trên mấy lá trầu xanh thẫm. Mới hay rằng bấy lâu nay cái mùi chợ Tết quê vẫn mãi thao thiết ngự trong lòng…
TRẦN HUYỀN TRANG