Giữa không khí chộn rộn ngày cuối năm, những câu chuyện hóm hỉnh, nhân văn pha lẫn chút bi hài trong tập truyện ngắn “Bán một cành mai ăn Tết” (NXB Trẻ) của nhà văn trẻ Hoàng Công Danh dẫn người đọc đến gần hơn với tình đất, tình người, với văn hóa đón Tết của người miền Trung…
Tập truyện ngắn Bán một cành mai ăn Tết hiện có mặt ở nhiều nhà sách trong cả nước. Ảnh: T.Y |
Trong 20 truyện ngắn về Tết và mùa xuân, “Bán một cành mai ăn Tết” cũng là câu chuyện mở đầu tập sách vừa ra mắt bạn đọc của nhà văn trẻ gốc Quảng Trị. Câu chuyện bắt đầu khi chàng trai vừa nhét cặp vé số vào túi quần thì nhìn thấy một bà già giữa chợ hoa. Bà ngồi trên cái ghế nhựa nhỏ, tay giữ một cành mai gầy không một chồi lá lộc. Cành mai của bà chỉ liếc qua đã biết ngay vừa được cắt từ vườn nhà, không rành chăm cây kiểng. Giữa không gian nhộn nhịp chợ hoa, chàng trai mong mình trúng số độc đắc để “có tiền trả nợ, sắm sửa ngon lành chứ không phải lang thang ngoài đường trốn tránh mấy ngày Tết nhất” nhưng-chẳng-bao-giờ-trúng, trong khi bà già, ngồi từ hai bảy đến ba mươi tháng Chạp vẫn chưa có ai chịu mua cành mai, dù bà đã hạ giá cả chục lần, từ bốn triệu cho khách đầu tiên hỏi, rồi giảm mỗi lần hai, ba trăm. “Và cái đà xuống giá vẫn chưa dừng…”.
Xuyên suốt câu chuyện về một bà lão nghèo ngày cận Tết cắt vội cành mai đi bán, đã có lúc bạn đọc mừng thầm khi có vị khách hứa “cái này mà nở kịp Tết tui mua, một bông thôi cũng được”. Thế nhưng, suốt mấy ngày chờ đợi, vị khách không quay trở lại vì lỡ đánh rơi xấp tiền ở chợ hoa. Kết mở câu chuyện dừng lại ở tối ba mươi Tết, khi chàng trai giúp bà già cột cành mai vào xe đạp chở về, xong anh rút từ túi ra hai tờ vé số, cười mếu máo: “Bà một cái, cháu một cái. Vé này qua năm mùng bốn mới xổ. Thôi, chia nhau hy vọng ba ngày Tết”.
Đó còn là câu chuyện ứng xử xoay quanh nhân vật Mẫn và vợ chồng Lữ, Nho khi bị ghép chung giường trên chuyến tàu từ Sài Gòn về quê ăn Tết (Đường dài dai dẳng). Giữa không gian chật hẹp, mọi cuộc trò chuyện của họ đều dừng lại ở thái độ dè chừng bởi “không tin gì ba cái thứ dọc đường dọc sá, càng không tin thứ được trao bởi một người lạ”. Mọi giải tỏa về tâm lý chỉ diễn ra khi Mẫn và vợ chồng Lữ, Nho xách lộn túi hành lý của nhau và may mắn đổi được khi tàu dừng lại ở nhà ga Đông Hà. Hay như câu chuyện của hai ông già xa lạ tên Đào, Mai bán mai, đào cạnh nhau ở phiên chợ hoa ngày Tết, đang lúc ế ẩm thì vô tình lượm được xấp tiền ai đó đánh rơi và chia nhau lấy hên (Tiền rơi ở chợ hoa). Bằng thứ “bạc hên” này, cả hai ông sau đó đều buôn may, bán đắt khi ông Đào “đem vào ba trăm gốc đã bán hết chín phần, chưa năm nào bán nhanh như thế”, còn ông Mai đã bán đến hồi có lãi to.
Đọc từ đầu đến gần cuối câu chuyện, có lẽ ai cũng nghĩ tình huống nhặt được tiền rơi là có thật, nhưng vào phút chót, tác giả đã đưa người đọc đi đến bất ngờ khi “bật mí” đó chỉ là trò đùa của ông Mai: “Hôm trước hàng hoa bán ế, thấy ông bạn ỉu xìu nên ông tự lấy tiền trong túi mình ra giả vờ cho vui vậy thôi chứ chẳng có tiền nào rơi rớt đâu. Nhưng trò đùa đã đi quá trớn, giờ mà nói thật không khéo ông Đào lại trách ông Mai coi thường nhau, thử lòng tham”. Câu chuyện ngày cuối năm kết thúc có hậu khi ông Mai quyết định để ông Đào giữ lại phân nửa số “bạc hên”, đổi lại mình sẽ bán giúp 30 gốc đào để ông kịp lên xe về quê đón giao thừa.
Trong tập truyện ngắn "Bán một cành mai ăn Tết", xen lẫn giữa những câu chuyện về nhân tình thế thái, về phận người là tục chơi hoa, đi chợ Tết của người dân miền Trung. Chưa kể, cuốn sách cũng lấy đi không ít nước mắt của người đọc qua câu chuyện kể về những cuộc đoàn tụ, chia ly trước và sau kỳ nghỉ Tết. Và hơn hết, trên những buồn vui nỗi người là thông điệp nhân văn mà con người trao gửi cho nhau mỗi dịp xuân về, Tết đến. Có thể nói, từng câu chuyện trong tập sách này như chạm đến mọi ngóc ngách sâu xa của Tết. Nói như tác giả, ngày Tết trong văn hóa người Việt là khoảng thời gian thiêng liêng, nhiều cảm xúc khác ngày thường. Chính vì thế mà văn chương viết về Tết tất nhiên cũng khác. Bởi nếu chỉ lấy một câu chuyện ngày thường gắn thêm hoa lá, khung cảnh mùa xuân, thì không thể ra một câu chuyện Tết đúng nghĩa.
Như vậy, truyện Tết, trước hết phải là những câu chuyện xảy ra trong khoảng thời gian đặc biệt ấy, với những nhân vật, hành động mà ngày thường có thể chúng ta không bắt gặp và "Bán một cành mai ăn Tết" đã thể hiện đúng tinh thần đó. “Tôi là người thích Tết, thèm Tết và cũng tiếc nuối mỗi khi hết Tết. Vì thế, tôi thường hay tranh thủ tầm giữa tháng Chạp đến rằm tháng Giêng để cảm nhận sự thay đổi của cảnh sắc, con người hoặc lượn lờ mấy ngôi chợ xem người ta buôn bán… Nhờ đó tôi biết thêm vài điều xung quanh mình, như thấy người bán buôn trăn trở chuyện lãi lỗ, biết người dân quê nghèo khó rất lo lắng bạc tiền để trang trải một cái Tết ấm no. Gom những mẫu chuyện ấy vào một tập sách, tôi hy vọng bạn đọc sẽ có những phút giây thư giãn với bao nhiêu buồn vui, bi hài, ấm áp ngày Tết từ những nhân vật rất bình thường, rất quen thuộc. Và biết đâu, nhờ đó bạn đọc càng thêm yêu Tết và thói quen ăn Tết của người Việt”, nhà văn Hoàng Công Danh chia sẻ thêm.
Hoàng Công Danh sinh năm 1987, hiện sống và làm việc tại Quảng Trị. Ngoài “Bán một nhành mai ăn Tết”, anh từng xuất bản 4 tập truyện ngắn: “Cõng nhau trong một cõi người”, “Chuyến tàu vé ngắn”, “Trong cơn say níu sợi dây đứt”, “Con tin Stockholm” và tập tùy bút “Khói sẽ làm mắt tôi cay”, truyện dài “Bảy bảy bốn chín”. Với lối văn dung dị và kết thúc bất ngờ, những truyện ngắn của Hoàng Công Danh luôn khiến bạn đọc ấn tượng, thích thú dù khai thác những câu chuyện vốn dĩ khá quen thuộc và gần gũi với đời sống người dân. |
HUỲNH LÊ