Ngày xưa, “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” vì đó là thời gian nông nhàn của cư dân nông nghiệp. Nhưng thời nay, sau những ngày “quy cố hương ăn” Tết, những người dân miền Trung lại tấp nập, hối hả chuẩn bị lên đường trở vào phương Nam, bắt đầu cho một mùa ly hương mới.
Thời nay, ở các tỉnh miền Trung, cố thủ ở quê chỉ đa số là người già; con cháu trẻ tuổi, lớp thì đi học, lớp thì đi tìm việc làm cứ thi nhau vào các tỉnh miền Nam bôn ba tìm cách học nghề lập nghiệp. Học cũng “hành phương Nam” vì chỉ vào trong đó mới có cơ hội đi làm thêm kiếm tiền trang trải học phí lúc học, và quan trọng hơn, còn là hy vọng tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.
Lớp trẻ đã trưởng thành thì dù có qua đào tạo hay không qua đào tạo vẫn “hành phương Nam” tìm nghề kiếm sống. Cho dù những năm gần đây, miền Trung đã và đang chuyển mình vươn vai, cân bằng với sự phát triển của hai đầu đất nước.
Nhưng có điều lạ, cứ như là một truyền thống xưa nay, người Việt mình, theo gót chim Lạc xưa, sãi cánh về nắng ấm phương Nam mở mang bờ cõi, gầy dựng cơ đồ. Nay, con cháu cứ muốn ăn nên làm ra cũng cứ hướng về Nam bắt đầu cho cuộc mưu sinh hoặc cho một khởi nghiệp làm giàu. Vì vậy, người miền Trung cứ mải miết “hành phương Nam” chứ ít có “Bắc hành”.
Vậy rồi, cứ như một chu kỳ tuần hoàn, cuối năm, họ trở về quê trong nỗi đợi chờ của cha mẹ già với niềm vui cháu con sẽ mang về đủ tiền sắm sanh cúng tổ tiên ba ngày Tết. Những đồng tiền thấm đẫm nước mắt, mồ hôi và chan chứa ân tình. Chứa đựng ở đó nghị lực của tuổi trẻ, niềm tin của cha mẹ già, ân tình với hàng xóm láng giềng, với quê kiểng cùng mồ mả tổ tiên, nơi chôn nhau cắt rốn. Tiền dành dụm mang về quê cùng cha mẹ già lo Tết dù ít dù nhiều vẫn được đón nhận bằng tình cảm nâng niu.
Cứ dựa vào đó, “liệu cơm gắp mắm”; việc sắm sanh, giỗ kỵ ba ngày Tết rồi cũng êm xuôi, trọn tình vẹn nghĩa. Ngày xuân đoàn tụ vui vầy bên gia đình, xóm giềng, họ tộc, quê hương, tất cả dường như bỏ quên nhọc nhằn, vất vả kiếm sống trọn một năm qua.
Và rồi, sau ba ngày Tết, con cháu lại rục rịch chuẩn bị lên đường để chuẩn bị cho cuộc mưu sinh trong năm mới. Trong lời khấn nguyện tạ ơn ân linh trời đất, tổ tiên, bất kỳ dịp cúng tất niên hay giao thừa năm mới, cúng rước ông bà chiều ba mươi hay đưa ông bà chiều mồng ba Tết, ai cũng lầm thầm trên môi mình, thành khẩn trong tâm ý mình lời nguyện cầu cho toàn gia mạnh khỏe bình yên, tai qua nạn khỏi, điều lành đem đến, điều dữ lánh xa; nguyện cầu ơn trên phù hộ độ trì cho cháu con sang năm mới an khang thịnh vượng, thượng lộ bình an trên hành trình trở lại phương Nam tiếp tục làm ăn kiếm sống.
Vậy là sang Xuân, con cháu lại khăn gói lên đường. Cha mẹ, người thân lại đưa tiễn. Người trẻ khoác hành trang từ biệt mẹ cha, cúi đầu bước qua bậu cửa nhà mình, hướng thẳng ra đầu ngõ không dám quay đầu nhìn lại. Họ rất sợ, hễ nhìn lại thấy dáng cha mẹ già đứng bên bậu cửa nhìn theo, họ lại lần khần trong giờ đưa tiễn. Cha mẹ cũng sợ con cháu sẽ buồn trước lúc ra đi nên cũng chỉ len lén ghé mắt qua khe cửa nhìn theo, chứ không dám cầm tay cháu con bước theo ra đầu ngõ.
Cứ như vậy, người ở lại tựa cửa ngóng theo, người ra đi ra tới đầu ngõ nhà mình là len lén ngoái đầu nhìn lại. Người đi kẻ ở đều buồn, nhưng tất cả đều giấu kín trong lòng để tự lòng nhủ lấy lòng rằng: “Cha mẹ ở nhà cố giữ gìn sức khỏe, con đi làm ăn rồi con lại sẽ về”, “Con lên đường bình an, cố gắng làm việc của mình cho tốt. Đừng cố quá mà ảnh hưởng sức khỏe nghe con, còn thân là còn tất cả mà”…
Miền Trung quê tôi vậy đó, dù cuộc sống hôm nay không còn khổ cực như xưa, nhưng vì manh áo miếng cơm, những chuyến “hành phương Nam” vẫn chưa dừng lại. Cận Tết, người ở quê tựa cửa ngóng chờ, ra Tết lại đứng bên bậc cửa âm thầm đưa tiễn. Cận Tết, người xa quê nô nức trở về với nụ cười đoàn viên rạng rỡ, để ra Tết lại ngậm ngùi giã biệt người thân, quê kiểng, cúi đầu bước đi, ra khỏi ngõ nhà mình mới len lén quay đầu ngoái lại…
MAI BÁ ẤN