Đọc sách - Nguồn cội tâm hồn và kiến thức

.

Mỗi người nhớ cuốn sách đầu tiên mình đọc với những cảm xúc khác nhau, nhưng chắc sẽ không biết cuốn sách cuối cùng mình đọc. Giữa hai “đầu” ấy là một khoảng rất dài nhưng không phải ai cũng dành thời gian cho việc đọc, càng không phải ai cũng có niềm vui khi ngồi bên trang sách. Ai đó nói rất đúng rằng: Tương lai chỉ đến với những ai đêm đêm thức dưới ngọn đèn.

Ảnh: M.Đ.L
Ảnh: M.Đ.L

Trong khoảng 10 năm gần đây thế giới có khoảng 15 triệu đầu sách được xuất bản với hàng ngàn tỷ bản, có nghĩa mỗi năm có 1,5 triệu đầu sách đến với bạn đọc. Trước số lượng sách khổng lồ như vậy, làm sao chọn và đọc hiệu quả? Ngày nay không có một chuyên gia nào có thể đọc hết sách (và cả tạp chí) thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình. Những công trình nghiên cứu, phát minh, khảo luận, những danh tác văn chương… trong nước và dịch thuật đã như một dòng sông bất tận, cung cấp phù sa kiến thức cho những ai tìm thấy niềm vui trong sách.

Đọc gì và đọc bao nhiêu?

Theo các chuyên gia mỗi người được coi là có đọc thì một đời phải đọc ít nhất 100 cuốn sách, còn học giả, nhà nghiên cứu phải nghiền ngẫm trên 1.000 cuốn. Đó là một con số không dễ thực hiện. Vừa rồi, cựu Tổng thống Mỹ B. Obama, “báo cáo” 5 cuốn sách đã đọc trong năm 2023, một công việc ông làm thường xuyên từ nhiều năm nay, kể cả hồi đương chức. Tạm lấy mức 5 cuốn/năm, hai tháng hơn một cuốn cũng là mức ít người làm được.

"Tầm vóc một dân tộc được đo bằng số lượng các hình tượng văn chương”

F. Mitterrand

Trong “Thú đọc sách”, Charles Doren lập một kế hoạch đọc sách cho mười năm đối với một người bình thường. Rất nhiều thể loại, bình quân 10 cuốn một năm. Nếu tính riêng văn chương thì những tác phẩm bắt buộc phải đọc có khoảng ba mươi tác giả quen thuộc như Tư Mã Thiên, W. Shakespeare, Cervantes, Goethe, Voltaire, Stendhal, C. Dickens…

Theo tôi, khi đã có tuổi thì nên dành thời gian đọc lại, và đọc thật tập trung mấy quyển sau: “Chiến tranh và hòa bình” (Lev Tolstoy), “Anh em nhà Karamazov” (F. Dostoevsky), “Sử ký” (Tư Mã Thiên), “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” (E. Maria Remarque), “Câu chuyện dòng sông” (H. Hesse), “Cuốn theo chiều gió” (Margaret Mitchell), “Ngư ông và biển cả” (E. Hemingway), “Hoàng Tử bé” (S. Exupéry) và “Nỗi đau của chàng Werther” của Goethe. Trong nước thì nên ưu tiên Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh là những tác giả phải đọc. Đọc xong ta im lặng với rất nhiều cảm xúc của một người đọc lại những tác phẩm yêu thích một thời tuổi trẻ. Tin rằng đó là những giây phút thú vị cuộc đời.

Nhớ những năm 80, sách in giấy đen, bìa mềm, chất lượng in rất thấp. Ngày nay việc chăm chút sách đẹp trở nên phổ biến, có những cuốn bìa cứng, chất lượng giấy cao cấp, trình bày hiện đại không thua kém những cuốn đẹp nhất ở nước ngoài, việc phát hành 3.000 bản hoặc thậm chí có quyển 10.000 bản là chuyện không lạ.

Nếu ta tin vào lời khuyên của các nhà phê bình sách có uy tín thì chỉ nên đọc những cuốn đã được kiểm chứng bởi thời gian. Nguyễn Duy Cần thì khuyên nên chọn những cuốn phát hành từ ba năm trở lên, còn cực đoan như Waldo Emerson thì “Đừng đọc những quyển sách nào chưa được trăm năm” bởi vì quỹ thời gian chúng ta có hạn nên buộc phải chọn.

GS Trần Hữu Dũng, chủ trang Viet-Studies nổi tiếng mà bất cứ ai có đọc sách đều phải ghé tới thường xuyên, sinh thời có lần khuyên những ai có tuổi thì nên đọc loại sách Hồi ký và Lịch sử, bởi loại sách này cung cấp nhiều kiến thức nhưng ít suy nghĩ căng thẳng. Riêng tôi rất tâm đắc với lời khuyên này, dĩ nhiên ngoài hồi ký, lịch sử; tôi cũng thích tiểu thuyết cổ điển từ khá sớm.

Việc mỗi năm Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Namtổ chức Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia là hoạt động thiết thực và bổ ích. Một mặt tuyên dương các tác giả tâm huyết, tài năng, thông qua công trình nghiên cứu để định hướng thẩm mỹ cũng như góp phần vào quá trình nghiên cứu học thuật nước nhà, mặt khác qua việc trao thưởng giúp cho người đọc dễ dàng hơn trong lựa chọn sách hay để đọc.

Năm 2023 Việt Nam có 33.000 xuất bản phẩm, trong đó có hàng ngàn đầu sách được phát hành, điều đáng mừng là xu hướng sách giá trị đến với bạn đọc ngày càng nhiều và được dư luận đánh giá cao. Hầu hết những tác phẩm tinh hoa trong các lĩnh vực triết học, chính trị, văn chương đông tây, kim cổ được dịch và in ấn đẹp và công phu.

Đọc sách là một công việc không khó vì ai cũng có thể đọc, nhưng lại là một việc không phải ai cũng làm được, nhất là thường xuyên. Theo Nguyễn Duy Cần thì ông xem việc đọc là một thứ kỷ luật, một thói quen. Mỗi đêm từ 8 giờ đến 10 giờ ông nghiêm trang ngồi vào bàn đọc, ông xem đó là giờ kinh cầu, không gì có thể làm ảnh hưởng đến việc đọc của ông. Còn Nguyễn Hiến Lê khuyên nếu muốn học về một lĩnh vực nào đó thì hãy đọc và viết báo về lĩnh vực đó.

Ai là người định hướng?

Hồi nhỏ là thầy giáo, cha mẹ hướng dẫn mình chọn sách để đọc. Tốt nghiệp đại học là thời điểm độc lập tư duy và chọn sách cho mình theo công việc chuyên môn hoặc sở thích. Nhưng trước rừng tác giả và tác phẩm nên chọn đọc gì? Giải quyết vấn đề này, dĩ nhiên tự người đọc quyết định, nhưng nhà phê bình sách có vai trò quan trọng, bởi họ là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực mà cuốn sách đề cập. Họ có nhiệm vụ đọc trước, nắm bắt tư tưởng chính, những vấn đề mới mà tác phẩm đặt ra, bối cảnh và yêu cầu…

Đối với một nước có truyền thống nghiên cứu, mục “Điểm sách” trên báo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được nhiều người quan tâm. Đây là mục mà từ người bình thường đến chuyên gia đều cần. Qua mục giới thiệu này giúp ta có thể mua hoặc quyết định đọc. Nếu không đọc thì cũng có thể nắm được toát yếu của tác phẩm. Nói thêm, mục điểm sách trên các báo đối với nhiều nước là mục chính, được đầu tư chăm chút, thường xuyên có những cây bút hàng đầu làm công việc “điểm” trên báo. Dĩ nhiên, với những người đọc chân chính, các bài phê bình dẫu hay mấy cũng chỉ là ý kiến nhận định, bình luận để tham khảo, dẫu hay đến đâu cũng không thể thay thế sự trực nghiệm cảm thụ của chính người đọc.

Hiện nay sách nước ta, đặc biệt là các tác phẩm tinh hoa nhân loại được dịch nhiều, nhưng rất tiếc công tác phê bình còn rất nhiều bất cập. Mục điểm sách thường là phần giới thiệu có tính quảng cáo là chính, thiếu sự phân tích nội dung tư tưởng, trường phái, phê bình ưu nhược… Nhà phê bình không chỉ là người “quất ngọn roi nghiêm khắc” đối với tác giả, mà quan trọng hơn còn là người định hướng cho người đọc, làm rõ nội dung học thuật, cũng như hình tượng văn chương. Đời sống văn học và thế giới học thuật sẽ tĩnh lặng buồn thảm hay sôi động sáng tạo phụ thuộc một phần vào đội ngũ phê bình sách tài năng và xông xáo.

Thông thường các học giả uy tín, các giáo sư đại học là những dịch giả có thẩm quyền, đồng thời họ cũng là những nhà phê bình chủ yếu. Hình như việc lên lớp đã chiếm hết thời gian, việc đọc sách cũng không còn là công việc ưa thích và bắt buộc của thầy giáo. Nếu có một thăm dò số sách mà một thầy giáo (kể cả bậc đại học) đọc bình quân trong một năm, chắc sẽ là một kết quả rất đáng suy ngẫm.

Những người mê sách

Cụ Vương Hồng Sển, một nhà thông thái và tâm huyết ngoài cuốn “Hơn nửa đời hư” đồ sộ nói về thú sưu tầm cổ vật, còn có quyển “Thú chơi sách” (NXB Trẻ, 2023) kể về niềm đam mê cũng như “luật lệ” của việc sưu tầm và đọc sách, rất đáng để ta đọc. Tôi có biết vài người có niềm mê sách hiếm có, Hà Nội nhà hẹp như những hộp diêm nhưng tôi như bị thôi miên khi thấy trong đó cơ man nào là sách. Bạn có thể tìm thấy “Quả dưa đỏ” (1927) của Nguyễn Trọng Thuật, cuốn sách Quốc ngữ được in đầu tiên ở nước ta, hoặc toàn bộ ấn phẩm của Tự Lực văn đoàn, hoặc tất cả sách của NXB Tri Thức, cũng như vậy bạn sẽ bị “khuất phục” khi cầm trên tay tất cả các sách của Đặng Phong.

Hay ở Đà Nẵng, vào một con hẻm nhỏ trên đường Hải Phòng để trò chuyện cùng chủ ngôi nhà của sách còn khá trẻ, ở đây bạn tìm thấy hàng mấy ngàn quyển sách đông tây, và đáng để phục là tất cả các tác phẩm đoạt giải Nobel văn chương được dịch, kể cả bản in trước 1975 ở Sài Gòn. Nhưng yêu sách, mê sách, mê một cách thành kính trước sách, là một người ở Hội An mà qua ngòi bút tài hoa Nguyên Ngọc ta như chạm đến một thế giới của những bậc tinh anh: “Châu công tử, quý tộc Hội An thời vang bóng”. Vâng đó là một quý tộc, vì vậy mới rọc sách bằng dao ngà, và đọc khi đã trầm xông, thời vang bóng vì chắc sẽ khó mà tìm lại những người mê sách như Châu công tử.

Khổng Tử từng than ước chi có thêm mười năm để đọc nhiều hơn Kinh Dịch, vì bậc thầy của muôn đời ấy có thể biết được nhiều lẽ của đất trời hơn khi có thêm mười năm đọc sách. Ngày trước, mỗi khi đọc sách thánh hiền, các cụ thường phải y phục nghiêm chỉnh, ngồi ngay ngắn trước sách và cả hương trầm. Tôi đã gặp một giáo sư giảng dạy ở một trường danh tiếng Nhật Bản, thuộc lòng cả một đoạn dài trong “Đoạn tuyệt” (Nhất Linh) nói về lòng yêu nước, dù vị giáo sư đáng kính ấy xa nước hơn 50 năm. Tôi cũng gặp người thuộc lòng mấy trang liền trong “Bông hồng cài áo” (Nhất Hạnh).

Thơ thì rất nhiều người thuộc, nhưng không thể nào quên một lần ngủ đêm lại Mai Châu (Hòa Bình) trong cái rét tê tái, không kìm lòng mình khi nghe một anh ngồi đăm chiêu và hào sảng bên bếp lửa Anh bạn dãi dầu không bước nữa/Gục lên súng mũ bỏ quên đời! (Tây tiến của Quang Dũng). Được nghe những câu văn thuộc lòng ấy là một hạnh phúc.

F. Mitterrand, nguyên Tổng thống Pháp nói “Tầm vóc một dân tộc được đo bằng số lượng các hình tượng văn chương” xứng đáng để chúng ta suy ngẫm.

MAI ĐỨC LỘC

;
;
.
.
.
.
.