Cuộc trò chuyện ngắn với ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vào một ngày cuối năm 2023 đưa chúng tôi trở về hành trình của lứa tài năng trẻ đang gắn bó với nghệ thuật Tuồng thành phố. Sau hơn 3 năm được nhà hát tiếp nhận và dìu dắt, những cô cậu học trò xứ Quảng yêu nghệ thuật truyền thống năm nào nay trưởng thành và tự tin hơn với những “quả ngọt” đầu mùa trên sân khấu.
Các diễn viên trẻ trong trích đoạn tuồng "Hùm Thiêng Yên Thế". Ảnh: Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh |
Theo lời ông Tuấn, sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Đề án). Với đề án này, những tài năng trẻ tham gia được nhận nhiều ưu đãi như: miễn học phí, cấp học bổng theo quy định, được bao cấp việc ăn ở; được học chương trình THPT song song với chuyên ngành nghệ thuật.
Từ một đề án
Khi đề án triển khai, những người tâm huyết với nghệ thuật Tuồng ví von như “phao cứu sinh” trong hành trình tìm kiếm thế hệ kế cận. Từ năm 2016, họ bắt đầu về những vùng quê ở Đà Nẵng và Quảng Nam để tìm kiếm những “hạt giống” đầy tiềm năng cho Tuồng. Trải qua 2 đợt tuyển sinh với yêu cầu cao, gần 20 em vừa hoàn thành chương trình THCS được lựa chọn. Rồi thêm một kỳ tuyển lựa gắt gao, các em chính thức trở thành sinh viên Khoa Kịch hát dân tộc, chuyên về nghệ thuật truyền thống Tuồng tại Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, được đào tạo chính quy trong 4 năm (2016-2020). “Sau đợt tuyển dụng kỹ lưỡng theo Đề án vào đầu năm 2021, có 12 em trúng tuyển và gắn bó với nhà hát đến bây giờ”, ông Tuấn cho biết.
Chúng tôi gặp lại 12 “hạt giống” này sau tròn 3 năm, kể từ đợt thi tuyển lần đó. Tất cả đều hội tụ đủ "thanh" và "sắc" để đứng trên sân khấu. Trong số này, có diễn viên trẻ Trịnh Ký Vũ (SN 2000, quê ở huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam). Thừa hưởng đam mê nghệ thuật trong một gia đình có ba làm người viết kịch dân ca bài chòi, mẹ là diễn viên bài chòi - loại hình khác với tuồng, bản thân từng có nhiều dịp tham gia chương trình văn nghệ ở trường phổ thông, tuồng với Vũ vẫn là điều gì đó hoàn toàn xa lạ cho đến khi “bén duyên” từ lần Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức tuyển lựa ngay tại quê nhà. “Các cô chú, anh chị về tận quê em để tuyển, em muốn thử tham gia để biết khả năng bản thân đến đâu, vậy mà… đậu. Tất cả đều ngẫu nhiên, ban đầu, em không nghĩ đến ngày phải xa gia đình để ra tận Thủ đô học nghệ thuật tuồng”, Vũ nhớ lại.
Ở trường đại học, Vũ và các bạn học rất nhiều thứ, trong đó có tuồng miền Bắc. “Đó là một trường phái hoàn toàn khác so với tuồng xứ Quảng mình, từ làn điệu, luyến láy, tông hát cho đến kỹ thuật múa. Nhà trường đào tạo nền tảng căn bản, còn khi trở về Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, chúng em gần như phải học lại mọi thứ từ đầu”, Vũ chia sẻ.
“Lúc ra Hà Nội học nghệ thuật, em chỉ mới 16 tuổi”, Trần Thị Diệu (SN 2001, quê ở huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) kể lại hành trình đến với tuồng. Năm đó, cô bé Diệu vừa hoàn thành bậc THCS, tập tành đi làm phục vụ ở quán cà phê để có thêm thu nhập. Sẵn đam mê hát, Diệu đăng ký tham gia ứng tuyển khi biết Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức tìm diễn viên trẻ tại Quảng Nam. Được sự ủng hộ hoàn toàn từ gia đình và tự tin vào năng khiếu, cô học trò Quảng Nam khăn gói ra Bắc theo nghiệp tuồng.
Cũng giống như Vũ, thời gian đầu, Diệu không khỏi bỡ ngỡ khi tiếp cận tuồng xứ Quảng, thậm chí đã nhiều lúc nản lòng vì thiếu kinh nghiệm trên sân khấu và vì thu nhập chưa thực sự cao. Dần dần, được sự động viên, dìu dắt và truyền lửa nghề của những nghệ sĩ gạo cội ở nhà hát như NSND Trần Đình Sanh, NSƯT Nguyễn Thị Minh Hải, NSƯT Phan Văn Quang, NSƯT Tô Văn Kỳ, NSƯT Nguyễn Thị Bích Phượng, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Tiền, nghệ sĩ Văn Bá Hùng… mà những “hạt giống” như Diệu hay Vũ tự tin ươm mầm. Từ những vai nhỏ, vai quần chúng, các em đang được tập huấn để chuẩn bị thay vai cho những tiền bối vào một ngày không xa…
Những "quả ngọt" đầu tiên
Giám đốc Trần Ngọc Tuấn tự hào nhắc về những “quả ngọt” đầu tiên mà thế hệ trẻ gặt hái được tại cuộc thi tài năng diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2023 do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức tại Thanh Hóa năm 2023. Ở đó, Trịnh Ký Vũ đoạt giải Nhì và nhận bằng khen từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai diễn “Kim Lân” trong trích đoạn tuồng “Kim Lân qua đèo”. Ngoài ra, có 4 diễn viên trẻ khác được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khen tặng giải “Diễn viên trẻ tài năng”.
Được biết, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhà hát chính thức mở cửa phục vụ khách từ 15 giờ ngày 11-2 (nhằm ngày mồng 2 Tết) với vở “Lưu Kim Đính”, trong chiều mồng 3 là vở diễn mới “Nửa cõi sơn hà” và chiều mồng 4 là vở diễn “Thoại Khanh - Châu Tuấn”. Đặc biệt, tập thể nhà hát cũng mang đến khán giả thành phố và du khách chương trình nghệ thuật tổng hợp mới ra mắt "Sắc Việt" vào tối mồng 3, tại Công viên 29-3. Theo ông Tuấn, chương trình biểu diễn càng nhiều thì các diễn viên trẻ có thêm “đất” để trau dồi kỹ năng và thu nhập để an tâm cống hiến. Ngoài ra, việc xây dựng các chương trình nghệ thuật tổng hợp đòi hỏi cả nhạc và múa cũng là cơ hội để những diễn viên trẻ thể hiện sự đa năng.
Theo ông Tuấn, đơn vị có được sự quan tâm từ lãnh đạo thành phố trong nhiều năm qua, cụ thể là đề án phát triển, nâng cao chất lượng nghệ thuật Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó đề cập việc xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, tạo sản phẩm phục vụ du khách, bản thân đơn vị cần có đề án tự chủ một phần để xây dựng chương trình, chủ động nguồn thu và giữ chân người tài. Theo sự cho phép của UBND thành phố, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được đi theo lộ trình 1 năm được xây dựng 1 vở, nâng cao 1 vở, củng cố đầu tư chương trình nghệ thuật, cứ 3 năm được đầu tư 1 chương trình lớn. Bản thân các nghệ sĩ được tạo điều kiện tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, an tâm công tác. Với những nghệ sĩ trẻ đang độ tuổi ngoài đôi mươi, điều này giúp nhà hát ổn định lực lượng biểu diễn trong vòng hơn 10 năm tới.
“Giờ em và các bạn vẫn đang vừa diễn, vừa học để ngày một trưởng thành hơn. Nếu bảo điều gì “níu kéo” mình ở lại với tuồng, em nghĩ đầu tiên là đam mê nghệ thuật đã ngấm vào máu, thứ hai là tâm lý không muốn bỏ phí những công sức hay nỗ lực của bản thân trong mấy năm qua. Thứ ba chính là sự đồng hành từ phía gia đình trên con đường nghệ thuật này”, Trịnh Ký Vũ chia sẻ.
XUÂN SƠN