Có lẽ về ý nghĩa của hai miếu thờ cách nhau không xa cùng mang tên Vạn Thiện Đồng Quy, cùng nằm trên một tuyến đường ở phường Tân An, thành phố Hội An, đều xuất phát từ tấm lòng đầy bác ái, nhân văn cao đẹp của những người đang sống với những người đã khuất bóng dương trần.
Miếu Vạn Thiện Đồng Quy do chùa Phước Lâm xây theo dạng cuốn thư (ảnh trái) và những tấm bia mộ trong nghĩa địa cùng tên của người Minh Hương. Ảnh: T.M |
1. Gần ngã ba Tôn Đức Thắng - Chế Lan Viên, phường Tân An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, có một ngôi miếu cổ được xây dựng giản đơn nhưng toát lên vẻ độc đáo, không giống với bất cứ miếu thờ nào ở xứ Quảng. Ngôi miếu có tên gọi Vạn Thiện Đồng Quy này được xây dựng theo lối thiết kế gấp khúc, tạo dáng cuốn thư, trông hơi na ná với cổng Chùa Bà Mụ ở phường Minh An, Hội An.
Đến nay tuy vẫn chưa xác định cụ thể được niên đại của ngôi miếu nhưng nguyên nhân từ đâu mà ngôi miếu này ra đời thì ngành chủ quản ở Hội An đã làm rõ và từ lâu ngôi miếu đã được đưa vào danh mục bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo. Bên cạnh việc cơ quan chức năng của Nhà nước quản lý về di tích cổ, việc coi sóc, hương khói Vạn Thiện Đồng Quy chủ yếu do chùa Phước Lâm lo liệu.
Chùa Phước Lâm ở phía đông bắc, cách Vạn Thiện Đồng Quy chừng hơn 200m. Việc chùa lo liệu chu đáo chuyện khói hương cho miếu được khơi nguồn từ lòng từ bi nhân đức của các chân tu nơi cửa Phật. Theo hồ sơ được lưu truyền tại chùa Phước Lâm thì Vạn Thiện Đồng Quy được chùa Phước Lâm xây dựng từ thời trụ trì chùa đời thứ 6 (từ năm 1887 đến 1918) là Hòa thượng Vĩnh Gia.
Vào giữa năm 1904, người Pháp quyết định khai phá, mở tuyến đường sắt từ Đà Nẵng vào Hội An để thuận tiện cho việc vận chuyển, giao thương hàng hóa giữa hai địa phương. Qua đào bới, công nhân làm đường đã phát hiện khá nhiều hài cốt vô danh nằm rải rác trong lòng đất. Thương cảm cho những vong linh cô hồn vất vưởng, Hòa thượng Vĩnh Gia đã cho quy tập tất cả những hài cốt này về an táng tại khu đất hoang ở phía trước mặt chùa. Việc đưa các hài cốt về đây diễn ra từ năm 1904 đến cuối năm 1905 mới chấm dứt, bởi khi ấy tuyến đường sắt đã hoàn thành, các chuyến tàu hỏa bắt đầu lăn bánh.
Ban đầu, những ngôi mộ vô danh được chôn cất tạo hình chóp nấm, song trải qua thời gian, các nấm mộ bị tràn lấp, không còn trông thấy từng nấm mộ riêng lẻ nữa. Tuy không có sách vở ghi chép nhưng một điều chắc chắn rằng miếu thờ Vạn Thiện Đồng Quy được xây dựng sau khi tạo lập khu đất chôn cất các hài cốt này. Ở chính giữa án hương được đắp nổi bốn chữ Hán “Vạn Thiện Đồng Quy”.
Trước đây, chùa Phước Lâm có xây tường rào bao bọc xung quanh khu nghĩa địa này, gắn các độc bình gốm sứ xinh đẹp nhưng đến những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, tường rào bị hư hỏng, sụp đổ hoàn toàn. Năm 2017, nhà chùa cho xây lại tường rào khép kín cho toàn bộ khuôn viên với tổng diện tích trên 535m2. Năm 2020, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cũng tiến hành tu bổ theo nguyên trạng ngôi miếu thờ này.
Do nền đường Tôn Đức Thắng cao hơn nền miếu thờ Vạn Thiện Đồng Quy trên một mét, khuôn viên khu nghĩa địa lại ở sau miếu thờ không hề lộ diện bất cứ một ngôi mộ nào nên ít ai có thể biết được trong khu đất thấp trũng khá bằng phẳng ấy lại có hàng trăm hài cốt đang yên nghỉ vĩnh hằng. Cùng với những tấm lòng của nhiều người dân quanh vùng thường xuyên hương hoa, hằng năm cứ vào dịp Rằm tháng Bảy, chùa Phước Lâm lại tổ chức lễ cúng thí thực để những vong hồn lưu lạc được tề tựu về đây thêm ấm áp.
2. Ngay bên góc đường Tôn Đức Thắng - Đoàn Thị Điểm, cách miều thờ Vạn Thiện Đồng Quy chừng 300m về phía Cửa Đại cũng có một nghĩa trủng cùng tên gọi Vạn Thiện Đồng Quy. Ngôi miếu thờ tọa lạc giáp ranh giữa khu đất nghĩa địa với lề vỉa hè đường Tôn Đức Thắng. Miếu được xây theo kiểu kiến trúc Pháp, không tô vẽ, chạm trổ cầu kỳ, mặt xoay về hướng đông. Qua lời kể của các cụ cao niên ở khối Tân Lập, phường Tân An, Hội An, thì ngôi miếu cũng đắp bốn chữ lớn Vạn Thiện Đồng Quy này là do cộng đồng người Minh Hương xa xứ tạo dựng từ năm 1920.
Theo sử sách, làng Minh Hương được thành lập ở Hội An từ rất sớm. Đây là những người Trung Hoa của triều nhà Minh bị đế chế Mãn Thanh trừng phạt nên di tản đến nhiều nước ở Đông Nam Á, trong đó có Hội An. Do cuộc sống di tản nên bà con, họ hàng đi theo không nhiều, có không ít người quá cố không có người thân thờ cúng, chăm sóc mồ mả.
Cộng đồng người Minh Hương đã mua một khu đất khá lớn rồi di dời hàng trăm hài cốt của người Hoa xa quê được chôn cất rải rác trên đất Hội An không có thân nhân trông coi đưa về khu đất này an táng, tổ chức giỗ tập thể cho họ hằng năm.
Khác với miếu thờ Vạn Thiện Đồng Quy và khu đất chôn cất hài cốt vô danh được phát hiện từ việc mở tuyến đường sắt Đà Nẵng - Hội An do chùa Phước Lâm tạo lập, khu đất yên nghỉ ngàn thu của những người làng Minh Hương xa xứ tuy không để lộ hình hài từng ngôi mộ cụ thể nhưng giữa khu nghĩa trủng mênh mông lại tua tủa hàng trăm tấm bia đá, khắc ghi bằng chữ Hán những dòng thông tin có liên quan tới những danh phận.
Có lẽ về ý nghĩa của hai miếu thờ cách nhau không xa cùng mang tên Vạn Thiện Đồng Quy, cùng nằm trên một tuyến đường ở phường Tân An, thành phố Hội An, đều xuất phát từ tấm lòng đầy bác ái, nhân văn cao đẹp của những người đang sống với những người đã khuất bóng dương trần.
THÁI MỸ