1. "Nửa dòng máu mang màu diệp lục” là cuốn Phóng sự - điều tra - đối thoại quanh các vấn đề môi trường Việt Nam và thế giới của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và nhà báo Hoàng Văn Chiên (NXB Văn Học và Liên Việt liên kết xuất bản, 1-2024).
Cuốn sách ghi lại đầy đủ những chuyến đi rừng dài ngày, cả hơn 2 thập kỷ miệt mài với biết bao phóng sự điều tra, đặt chân đến hơn 30 quốc gia khắp địa cầu để tham dự các chương trình khám phá và điều tra để bảo vệ những cánh rừng bị “ứa máu” cùng các loài động vật hoang dã đang rên xiết trước họng súng săn. Phía sau ngồn ngộn tư liệu cuộc sống đó, là những câu chuyện tinh tế và trân quý.
“Bên cạnh các sự thật khốc liệt, tôi cũng muốn kể về các câu chuyện cảm kích, ngọt ngào và có sức truyền cảm hứng từ vẻ đẹp của thiên nhiên và sự tử tế của những người nâng niu các giá trị ban sơ huyền diệu của vỏ trái đất. Các cuộc gặp gỡ với tỷ phú thế giới, Hoàng tử Anh hay hiệp sĩ sinh thái Tilo Nadler, hay các thợ săn khét tiếng đã hoàn lương đi giải cứu thú rừng ở Pù Mát rồi tấm gương “Những người an ủi Mẹ rừng” trên khắp cả nước… - Chắc chắn sẽ khiến bạn bớt đi cái nhìn sầu thảm về cách ứng xử với thiên nhiên của chúng ta lâu nay”, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khẳng định.
2. Tự truyện "Đi qua trăm năm" (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2-2024) là tác phẩm mới của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Tự truyện gồm 11 phần cùng phụ lục hình ảnh, bắt đầu từ nơi cụ Nguyễn Đình Tư trải qua thời thơ ấu ở Thanh Chương (Nghệ An), mẹ cụ mất sớm nhưng mẹ kế rất thương con chồng.
Sau đó cụ xuôi vào Nam, trải qua bao thăng trầm rồi bước vào nghiệp cầm bút 80 năm qua với tác phẩm truyện dài đầu tiên là Nguyễn Xí. Cuốn sách còn là "bộ sưu tập" những phong tục tập quán làng quê độc lạ trong cưới hỏi, sinh nở, tang chế, tục "hú hồn hú vía", các tín ngưỡng dân gian phong phú và đặc biệt là ngôn ngữ đặc sắc của xứ Nghệ.
Cũng trong cuốn tự truyện, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhận định: "Chưa có công trình nào nghiên cứu về tiếng nói của người dân quê ở Bình-Trị-Thiên, Nam-Ngãi, Bình-Phú đa số giống người Nghệ Tĩnh. Các nhà ngôn ngữ cho đó là tiếng nói địa phương, pha trộn với tiếng Chăm. Tôi nghĩ đó không phải tiếng nói địa phương mà là tiếng nói, âm vực những hậu duệ của người Hà Tĩnh.
Xin thưa, từ thời nhà Lý, sau khi Lý Thường Kiệt lấy được ba châu Tân Bình, Địa Lý và Ma Linh sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, nhà Lý đem dân vào khai thác, sinh cơ lập nghiệp. Vì giao thông bấy giờ còn khó khăn… nên số người tiên phong sống hòa hợp với dân bản địa, đồng hóa họ theo văn hóa của ta. Các giai đoạn sau dưới thời nhà Trần, nhà Hồ, nhà Hậu Lê, nhà Mạc rồi các chúa Nguyễn cũng thế".
MẪU ĐƠN