Suối yêu thương xoa dịu vết thương lòng

.

“Khổ quá thì bế con về mấy Bu nhớ! Biết chửa?”. Mấy mươi năm đã trôi qua, lời dặn dò của Bu - mẹ chồng May trước ngày vợ chồng cô dắt nhau rời xa quê nhà vẫn còn vọng mãi trong tim người con dâu. Để rồi những yêu thương ấy, đâu chỉ ở lại trong tim May mà còn trở đi trở lại trong lòng người đọc, nhắc nhở về tấm lòng thảo thơm của người mẹ xứ Kinh Bắc xưa. Tiểu thuyết “Làm dâu” (NXB Hội Nhà văn, 2023) của Duyên Phùng đã để lại thật nhiều rung cảm trong lòng người đọc với những nỗi niềm day dứt nhưng cũng đầy yêu thương và hy vọng.

“Làm dâu” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả Duyên Phùng tên thật là Phùng Thị Duyên, người dân tộc Thái. Chị sinh năm 1975, hiện đang sinh sống tại Lào Cai. Tiểu thuyết “Làm dâu” gồm 31 chương được Duyên Phùng viết trong vòng 31 ngày. Mỗi đêm chị viết từ 2 đến 3 giờ đồng hồ một chương bằng điện thoại cầm tay. Duyên Phùng chia sẻ, “Giữa bộn bề cuộc sống, mấy tiếng lúc tối được ôm điện thoại để viết là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của tôi. Viết xong cũng đến giờ vượt 30km đến chợ đầu mối mưu sinh”.

Bằng lối viết mộc mạc, chân chất đậm chất vùng cao Tây Bắc, “Làm dâu” đã lôi cuốn độc giả ngay từ những trang đầu tiên. Không có những mâu thuẫn, xung đột gay gắt, tiểu thuyết “Làm dâu” khiến lòng người đọc chìm trong cảm giác dịu dàng, êm ái cùng với những cảm xúc nhức nhối lẫn lộn giữa cảnh đời của những người phụ nữ. Họ là những người phụ nữ nơi bản làng của May ngày ngày chỉ biết cúi mặt. Sáng cúi mặt trên nương, tối cúi mặt xuống chảo cám lợn, lúc mệt mỏi nhất cũng chẳng dám ốm. Họ sống lầm lũi tựa như con dê bị buộc dưới gốc lê sau nhà. Là cô Tám nơi quê chồng May phải chịu cảnh làm lẽ đầy ê chề; là người vợ trước của chồng May với cuộc đời chìm nổi đầy lao đao; là cuộc đời của May với bao nhiêu bẽ bàng, tủi cực; là cuộc đời của Bu sống một đời thơm thảo nhưng đầy gian truân khi chồng đi làm ăn xa rồi lấy vợ hai, bỏ lại bà một mình vò võ nơi quê nhà.

Đọc “Làm dâu” của Duyên Phùng, đọng mãi trong lòng người đọc có lẽ là tình yêu thương ấm áp, sự dịu dàng ngọt ngào của người mẹ chồng. Những yêu thương mềm mại của Bu tựa suối nguồn mát lạnh xoa dịu những vết thương lòng, giúp May vượt qua những chông chênh của cuộc đời. Bạn đọc sẽ nhớ mãi dáng Bu quảy đôi quang gánh trở về nhà, mang theo cả ánh nắng vàng rực rỡ tràn vào góc bếp. Yêu thương của Bu dành cho người con dâu không đong đếm bằng lời, mà chắt chiu đầy lên theo ngày tháng. Đó là cái dáng cẩn thận của Bu giã củ gừng buộc trên tay con dâu, để May đi xe về thăm nhà không bị say. Là cái nắm tay ấm áp của Bu dắt May đi dọc triền đê những hôm chợ phiên để khỏi bị lạc. Là tiếng Bu vọng đầu ngõ mỗi buổi chợ về: “May ơi! Ơi May! Ra Bu cho quà này”. Là dáng Bu ngồi trước hiên nhà trong nắng chiều bàng bạc, trong những đêm khuya khoắt chong đèn ngồi khâu quần áo bầu cho May, khâu tả, khâu áo cho đứa cháu chưa ra đời từ manh áo nâu cũ của bà. Rồi những đêm trời nóng, Bu nằm quạt cho May đến tận sáng khi May mang bầu khó ngủ, hay những chiều Bu gội đầu cho May trước sân nhà. Là khi May bị chồng to tiếng, Bu nhìn May mà mắt ầng ậc nước vì xót xa thương. Là giọt nước mắt nóng hôi hổi rớt xuống má May hôm Bu chăm May ốm. Hay cái dáng tất tả hớt hải của Bu khi chạy vào phòng sinh với bao nỗi lòng lo lắng. Tình yêu của Bu dành cho người con dâu sao mà dịu dàng sâu nặng, tựa như thể muốn bù đắp tất cả những thiệt thòi mà May phải gánh chịu khi lấy con trai bà.

Tôi ấn tượng mãi cái lúc Bu dặn dò hàng xóm: “Con cái May nhà tôi có lớn mà chữa có khôn! Cháu nó có nói gì lỡ lời thì mấy bà, các anh chị bảo tôi để tôi dạy cháu! Đừng mắng mà tội nó nhớ!”. May thấy: “Tim mình nhoi nhói như bị gai táo đâm”, còn mắt tôi lại thấy cay xè. Trong “Làm dâu”, May đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần tình yêu thương của cô dành cho mẹ chồng “Lời của Bu nhức nhối, mọng nước. Tôi thương Bu đến quặn ruột gan”, “Nhìn dáng hanh hao của Bu, chân trần đi trên bờ đê giữa chiều thông thốc gió, tôi thấy lòng mình quặn lại”. Bu là nơi chốn mềm mại nhất trong lòng May, là bến bờ bình yên nhất của cô. “Tôi rút rơm nấu cơm. Vạt nắng chiều ương bướng còn sót lại nơi cuối sân kéo cái bóng Bu tôi đổ dài đang đưa chổi cọ trên sân. Cứ mỗi chiều thấy dáng Bu nghiêng nghiêng, nghe tiếng chổi cọ quét sân soàn soạt là tôi thấy tràn ngập một cảm giác bình an” hay “Mỗi chiều nhìn bóng Bu đứng cuối mảnh sân gạch, lùa cái lược sừng vào mớ tóc thoảng mùi bồ kết, lòng tôi thấy bình yên”. Hai người phụ nữ đều chịu bất hạnh trong hôn nhân, họ đều ôm trong lòng những nỗi niềm riêng, cùng nương tựa vào nhau để sống, và tạo nên một không gian sống tràn ngập yêu thương.

Cuộc đời không bao giờ lấy hết của ai đều gì. May không có được tình yêu của chồng, không được hưởng dư vị ngọt ngào của hạnh phúc lứa đôi, nhưng cô lại được sống trong tình yêu thương to lớn và đầy ấm áp của Bu. Người phụ nữ ấy đã xoa dịu những đau khổ, những tổn thương trong May. Bu đã đem đến cho May sự bình yên bằng tấm lòng dịu hiền, thơm thảo. Hay chính May, người con gái luôn mang trái tim nhân hậu, vị tha, nên May nhìn cuộc đời đầy bao dung, đối đãi với cuộc sống bằng tấm lòng mềm mại nhất. Nên cuộc đời dù có trải qua bao chông chênh cay đắng thì May vẫn tìm thấy cho mình sự bình yên nhất trong tâm hồn.

MINH DIỆP

;
;
.
.
.
.
.