Túi vàng của mẹ

.

1. Một buổi sáng, bà Hoài, mẹ chồng Hoa phát hiện túi vàng bà giữ khư khư bên người không cánh mà bay.

Lúc đó, Hoa vừa về đến cổng, chưa kịp dắt xe vào đã nghe có cuộc gọi đổ dồn. Là số của mẹ chồng. Số khác gọi thì Hoa còn chần chừ được chứ số của bà nội thì phải bắt máy ngay. Có trăm công nghìn việc gì cũng bỏ hết xuống mà bắt máy. Một phần bà khó tính sẵn, lại già cả, và là mẹ chồng Hoa. Ai cùng hoàn cảnh mới hiểu rõ cái sự “cộng dồn” ấy nó khó nhằn ra sao. Nhưng Hoa cũng đã quen, với lại, bà nội đã ngoài 80 rồi, cũng chẳng sống để mà “hành” con cháu được bao lâu nữa. Câu “hành” con cháu ấy, một người phận làm dâu như Hoa chẳng khi nào dám nói ra, nhưng chính Tuyền - con gái ruột của bà Hoài nói vậy.

Xóm chợ này không rộng không hẹp, nhưng những tin nóng kiểu vậy thì dù ở chân trời góc biển nào cũng sẽ lan rất nhanh. Vì vậy mà nó đến tai bà Hoài ngay hôm sau.

Bà Hoài cũng không vừa, đuổi hết đám con cháu ngày ngày vào ở cùng bà. Từ khi ông mất, thấy bà thui thủi một mình, lại già yếu, lỡ có chuyện gì lại hối hận nên người anh lớn trong nhà ra quy định đó.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mỗi ngày, cử một đứa cháu vào ở với bà. Cháu nào bận thì cha, mẹ cháu vào thay, để có người bên cạnh bà cho yên tâm. Bà Hoài tính độc lập ngay cả khi đã về già, nên cũng ít sai con cháu trừ khi chuyện cực chẳng đã. Vậy nên mấy đứa cháu vào mang tiếng chăm bà, nhưng thực chất bà còn phải phục vụ lại tụi nó. Mỗi đứa mỗi tính nết, nhưng đám cháu đang tuổi thiếu niên của bà giống nhau ở chỗ chỉ cần ôm cái điện thoại là có cả bầu trời, nên ở đâu cũng được. Bà cũng chiều cháu, cứ chơi thoải mái, đến bữa bà chuẩn bị sẵn, gọi vào ăn.

Chỉ có con dâu, con gái không nỡ để mẹ nấu cơm cho mình nên lăn xả vào bếp. Vậy thôi mà nói bà “hành” con cháu, có tức không?

Giờ thì bà đuổi về hết. Bà muốn ăn gì chỉ cần gọi điện ra gửi cô con dâu, là Hoa, vì Hoa ở xóm chợ. Chỉ cần mua thôi, tiền bà trả, rồi xem trong xóm ai xuôi về hướng nhà bà, treo lên xe gửi họ.

Riết thành quen, vài người đi chợ, ngang nhà Hoa đều dừng lại hỏi lát có gửi gì không, để họ ghé lại…

Hôm bà mất vàng, là ngày Hoa vừa mang buồng chuối chín cây vào cho bà. Buồng chuối có đến hơn chục nải, mũm mĩm, vừa ửng vàng. Cái màu vàng tươi, ngọt ngào ấy phả ra mùi thơm thoang thoảng. Chỉ cần để góc bếp là thơm cả nhà. Vì chín cây nên nó chín cũng từ từ, mỗi bữa bà ăn một trái để tốt cho đường ruột.

Bà Hoài cũng thích các loại cây trái trong vườn Hoa. Nào là chuối, đu đủ, dừa, mãng cầu và các loại rau mọc đầy chung quanh nhà như mồng tơi, rau lang, rau dền, càng cua… Vì vậy mà tuy lịch trực bị bà hủy ngang, Hoa vẫn cách vài ngày là vào thăm bà. Tiện xem trong vườn có món gì ngon mang vào cho bà.

Có hôm, quả đu đủ chín mọng ngay trước hiên, thằng Huỳnh đi làm vừa về đến nhà, nó gỡ giày, cởi áo và đảo một vòng xuống bếp lấy con dao, định bụng cắt một nửa ăn, như mọi lần. Nhưng Hoa kịp ngăn lại, nói ăn trái khác đi, trái đó mẹ dành cho nội rồi. Nó tiu nghỉu đi tìm món khác để thỏa cơn khát nước.

Chẳng biết bà có vui hơn khi Hoa vào không, nhưng Hoa có sự đồng cảm với bà. Chồng Hoa mất sớm, cô ở một mình nuôi bốn đứa con giờ cũng đã xong hết đại học. Mang tiếng bốn đứa nhưng có đứa nào ở nhà đâu. Đứa nào cũng đi làm xa nên cuối tuần mới về, thành ra căn nhà trống hoác. Mỗi lần nhìn lên bàn thờ chồng, Hoa lại ước phải chi chồng còn sống, căn nhà sẽ ấm áp biết bao. Vì vậy mà Hoa thương bà Hoài hơn từ khi ông mất đi. 

Cuộc điện thoại của bà Hoài gọi đến, Hoa đã đoán ra nội dung vụ mất vàng. Trước đó, Tuyền đã gọi báo với Hoa rồi. Tuyền còn nói rằng: “Không nó thì còn ai vào đây nữa. Em cũng nói với mẹ rồi, chính nó lấy chứ không ai khác. Đừng có nghi người này người kia, kẻo thêm tội”.

“Nó” mà Tuyền nhắc đến là chú Út. Chẳng hiểu sao gia đình ai cũng đàng hoàng, tử tế mà lại lòi ra chú Út khác tính khác nết hẳn. Ngoài bốn mươi, chưa vợ con mà chỉ biết lêu lổng ăn chơi. Cả miếng đất bà cho để lập nghiệp, chú Út cũng bán mất, xài hết tiền bà mới biết.

Hoa đã nghĩ thật may Tuyền không nghi cho mình, vì nếu điều tra ra, Hoa cũng nằm trong diện tình nghi vì cô vừa rời đó về. Trong khi, chú Út đi biền biệt mấy tháng nay có thấy mặt mũi đâu.

Nhờ Tuyền nói vậy mà Hoa cũng yên tâm nghe điện thoại của bà Hoài, hẳn bà sẽ nói gì đó về vụ mất trộm số vàng lớn. Nhưng trái với suy nghĩ của mình, bà Hoài chỉ hỏi Hoa một câu chẳng dính vào đâu: “Hàng phượng vĩ trước nhà con năm nay ra hoa chưa?”. Hoa bất ngờ đến mức ấp úng nói không thành lời: “Dạ… ra… ra hoa bữa giờ rồi bà”.

Khi ấy, Hoa đã nghĩ, hay là bà cũng nghi ngờ Hoa, nên dùng chiêu, xem thử thái độ của Hoa ra sao? Mà Hoa lại lỡ ấp úng như vậy, có phải bà đã nghi ngờ rồi không? Nhưng thật may, bà chỉ nói nhỏ nhẹ: “Mới năm nào ông còn chở bà vào nhà con ngắm cây phượng, vậy mà…”.

Thì ra bà nhớ ông. Hoa thở phào nhẹ nhõm. Cô bảo: “Hay là con sai thằng Huỳnh vào chở bà ra con chơi, ngắm cây phượng luôn?”. Nhưng bà từ chối. Tuyệt nhiên, không nghe bà nhắc đến chuyện mất túi vàng.

2. Hôm sau, Hoa vào chơi, cố ý hỏi thăm vụ mất túi vàng. Bà gật đầu, xác nhận: “Đúng rồi”. Túi vàng là cả tài sản của bà mà bà nói tỉnh queo như chỉ mất vài chục ngàn đồng. Lạ thật. Hoa thắc mắc. Hay bà già rồi, nghĩ tiền bạc cũng chẳng để làm gì?

Mới hôm trước, chú Tư nói với bà nếu có vàng thì bán lấy tiền gửi ngân hàng đi, lãi suất đang cao. Nhưng bà nói thôi, thân già này lãng tai, mấy cái thủ tục ngân hàng đó bà thấy rắc rối, giữ vàng bà còn chủ động được. Kẹt lắm thì nhờ Hoa ra thị trấn bán ít vàng xài, chứ gửi ngân hàng làm gì cho phức tạp.

Bà giữ tiền, vàng rất kỹ, con cháu chẳng ai biết rõ bà có bao nhiêu. Vậy mà bị mất sạch số vàng tích góp cả đời mà bà đón nhận thản nhiên như không.

3. Trái ngược với vẻ thản nhiên của bà, chú Út chẳng biết nghe tin từ đâu, lập tức chạy về nhà. Lúc chú về, Hoa cũng đang ở với bà. Từ trong nhà, Hoa nghe giọng chú ấy vẫn chẳng có đầu đuôi, kính ngữ gì như ngày xưa, chú hỏi trổng: “Rồi ai lấy vàng của mẹ, để tui xử cho?”.

Hoa đoán chú Út không phải là kẻ trộm như Tuyền nói. Dù rằng, theo lời Tuyền: “Thằng đó lẩn như trạch. Có khi nó về cuỗm đi trong đêm, bà chẳng hay biết”. Chú Út nói chuyện mà máu còn dồn hết lên mặt vì tức, rằng ở cái xóm hiền lành cả đời chẳng có ăn trộm này, mà sao tìm không ra thủ phạm? Rồi chú Út nói với Hoa phải họp gia đình gấp, làm cho ra lẽ, ai mà biết con cái, cháu chắt ai ngay thẳng, ai gian…

Mặc cho chú Út ấm ức nói ra nói vào trước mặt bà, bà vẫn ngồi xem tivi... Trong lúc Hoa đang nhặt nốt mớ hành ngò để lâu đang dần úa trong tủ lạnh, chú Út quay sang Hoa, hỏi dồn: “Chị biết túi vàng của mẹ có bao nhiêu không? Bình thường mẹ để ở đâu? Màu sắc nó ra sao?”.

Hoa nhớ có nhìn thấy túi vàng của bà một lần. Đó là lần thằng Huỳnh đậu thủ khoa vào trường luật. Nó chạy vào khoe bà nội đầu tiên. Lúc Hoa chờ mãi không thấy thằng Huỳnh về ăn cơm, cô cũng chạy vào nhà bà nội. Đúng lúc ấy, bà đang cầm túi vàng, chiếc túi vải màu cỏ úa, bà lấy ra một chỉ vàng đưa cho Huỳnh. Kiểu dấm dúi sợ người khác thấy. Nhưng Hoa đã chứng kiến trọn vẹn. Bà nghe tiếng bước chân, quay lại. Thấy Hoa, bà lẩn vội túi vàng vào người, nói với Hoa: “Bà cho mỗi thằng cháu cưng thiệt thòi vì nó mất cha từ sớm, con thấy cũng coi như không thấy nhé, lỡ mấy đứa khác biết, chúng nó ganh tỵ…”.

Việc bà cho Huỳnh chiếc nhẫn một chỉ cũng là giấu dòng họ, nên khi chú Út hỏi, Hoa lắc đầu nói không biết gì hết. Cho xong.

Hôm ấy, lúc coi tivi, đến đoạn chương trình văn nghệ có phát bài hát Phượng hồng, khung cảnh con đường hoa phượng rực rỡ và đôi trai gái hồn nhiên đi bên nhau, bà quay sang Hoa, chép miệng: “Vậy là bà đã đi qua hơn ông đến mấy mùa hoa phượng rồi. Chết cũng được rồi”.

Hoa về nhà gọi điện kể cho Tuyền nghe hồi tối bà nói vậy, Tuyền tặc lưỡi: “Mấy người nói gở kiểu đó thường sống thọ lắm. Chị yên tâm đi!”.

4. Chẳng như Tuyền dự đoán. Bà mất sau chỉ vài ngày. 

Buổi sáng, chú Út chờ mãi không thấy mẹ dậy nấu ăn, vào lay vai bà đã thấy tay chân sõng soài bất động.

Hôm đám tang bà Hoài. Tuyền nhìn chú Út, kiểu gì cũng thấy chướng mắt. Tuyền vẫn đinh ninh chú Út là kẻ trộm lấy đi túi vàng của bà, rồi còn bày ra cái trò họp gia đình, đúng là đồ “vừa ăn cướp vừa la làng”. Tính của chú ấy, Tuyền sống đến tuổi này hiểu quá rõ. Vậy nên ngay cả khi nhìn chú Út gục xuống một cách khổ sở bên quan tài bà, khuôn mặt hiền khô như một đứa trẻ chưa từng làm lên tội tình gì, Tuyền vẫn nói xấu.

Lúc ấy, Hoa đã nghĩ có nên nói cho Tuyền biết không, rằng bà Hoài đã dúi túi vàng vào tay Hoa trước hôm bà mất, nói là lo cho thằng Huỳnh để nó có số vốn về thị trấn mở phòng luật sư, khỏi phải đi làm xa nhà. Ở nhà, có mẹ có con cũng đỡ buồn hơn.

Hoa ngỡ ngàng nhìn túi vàng mà bà báo mất. Bà hiểu ý Hoa, chép miệng: “Chúng nó đầy đủ cả rồi, có của hồi môn cũng chẳng biết trân trọng đâu, chưa kể có khi còn tị nạnh, giành giật mất hết tình cảm. Như vậy, có phải uổng công bà tích góp cả đời không? Bà muốn dùng số tiền này vào việc thật sự cần”.

Hoa đã nghĩ, có nên nói với Tuyền sự thật ấy không, để Tuyền khỏi nghĩ oan cho chú Út, lại thêm tội.

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.