Cơ hội cho cây lúa hữu cơ

.

Nhắc đến sự trù phú ở những cánh đồng ven sông Yên, sông Túy Loan, không thể không nhắc đến màu xanh cây lúa. Từ nhiều năm nay, người nông dân huyện Hòa Vang vẫn cần mẫn bên những luống cày, những mong đưa thương hiệu cây lúa huyện nhà đến gần hơn với thị trường tiêu thụ.

Vụ đông xuân năm nay bội thu khiến người nông dân phấn khởi, tập trung phát triển cây lúa hữu cơ. Ảnh: T.Y
Vụ đông xuân năm nay bội thu khiến người nông dân phấn khởi, tập trung phát triển cây lúa hữu cơ. Ảnh: T.Y

Cuối tháng Năm, những cánh đồng ở Hòa Vang thơm mùi khói đốt đồng, mang theo không khí đặc trưng sau mùa gặt. Đây là thời điểm người nông dân vừa thu hoạch xong, đốt rơm rạ làm sạch ruộng đồng, chuẩn bị cho mùa vụ mới. Những làn khói mỏng manh lan tỏa trong không gian, hòa quyện với hương đất và hương cây cỏ, tạo nên khung cảnh yên bình và trù phú.

Hướng đến sản phẩm “có sao”

Như nhiều nông dân huyện này, ông Nguyễn Tài (thôn Cẩm Toại, xã Hòa Phong) vui mừng khi 10 sào lúa HT1 (còn gọi Hương thơm 1) vụ đông xuân cho năng suất cao. Đây là giống gạo thơm quen thuộc được gia đình ông canh tác nhiều năm qua. Cùng với vụ hè thu năm ngoái, năm nay, bình quân mỗi sào HT1 gia đình thu về 400-420 kg lúa sạch. Lúa vừa gặt xong, phơi qua một nắng là có thương lái đến tận nhà mua giá 8.200-8.500 đồng/kg. Giơ tay ra bấm đốt, ông Tài nhẩm tính, so với trước đây, giá lúa hai năm nay tăng 1.200-1.500 đồng/kg. Nếu sản xuất ổn định, năng suất tốt, giá tốt, sau khi trừ chi phí, mỗi sào lúa gia đình ông lãi khoảng 1,5 triệu đồng.

Ông Tài kể, qua thông tin thời sự, ông được biết các vựa lúa miền Nam vụ đông xuân mới đây đều bán được giá lúa trên 9.000 đồng/kg, lãi 35-40% một sào lúa. “Chưa năm nào trồng lúa khỏe như năm nay, cây lúa vừa trổ đòng đã có thương lái gọi điện đặt vấn đề mua bán. Lúa gần chín, máy gặt đập liên hợp đã đến tận cánh đồng cắt, vận chuyển. Nông dân chúng tôi chỉ việc đến ghi sản lượng lúa và cầm tiền về. Lúa khô bán giá 8.500 đồng/kg. Lúa tươi vừa gặt xong, giê sạch, mua tại ruộng giá 6.600 đồng/kg. Năm nay thời tiết thuận lợi, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh nên hạt lúa vàng đều, no hột, ít lép. Một sào trung bình 10-12 bao, cao nhất là 13 bao”.

Không chỉ ở Hòa Phong, tâm trạng phấn khởi là cảm xúc chung của nhiều nông dân trên các cánh đồng Hòa Vang. Đặc biệt, niềm vui này được nhân lên khi hạt gạo Hòa Tiến của HTX Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 vừa được UBND huyện Hòa Vang công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là hạt gạo đầu tiên ở huyện Hòa Vang đạt được danh hiệu này. Giám đốc HTX Ngô Văn Sinh cho biết, đó là kết quả của gần 2 năm miệt mài thử nghiệm canh tác theo phương pháp hữu cơ đối với các giống lúa ST25 và ĐT100. Những giống lúa này cho ra hạt gạo thon dài, dẻo, có màu trắng sáng. Khi nấu, gạo tỏa hương thơm tự nhiên, hạt cơm không bị tách rời mà kết dính với nhau, để nguội vẫn giữ được độ mềm dẻo, được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi năm, sản lượng thu hoạch dự kiến trên diện tích 12ha đạt khoảng 144 tấn lúa.

Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 nhớ lại, thời điểm mới bắt đầu thử nghiệm giống lúa ST25, ĐT100, ông hy vọng dự án này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mở ra hướng đi mới cho nông sản sạch Hòa Vang. Chưa kể, giống lúa mới này được biết đến với khả năng chịu hạn tốt và ít phụ thuộc vào phân bón hóa học, hứa hẹn sẽ là bước đột phá trong nông nghiệp bền vững. Dù vậy, việc chuyển đổi từ trồng lúa truyền thống sang lúa hữu cơ không đơn giản. Cùng với 80 thành viên HTX, ông dành phần lớn thời gian ở ngoài đồng để quan sát sự phát triển của cây lúa, điều chỉnh phương pháp canh tác sao cho phù hợp nhất. Sự mong ngóng mỗi ngày của họ không chỉ là nhìn thấy lúa lớn lên mà còn là hy vọng vào một tương lai xanh cho ngành nông nghiệp huyện nhà. Ngoài tập trung tối ưu hóa chất lượng lúa, HTX còn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề sâu bệnh.

Theo ông Sinh, khi không còn dựa vào thuốc trừ sâu, việc tìm kiếm các biện pháp thay thế an toàn và hiệu quả là điều cần thiết. Để làm được điều này, HTX đã tranh thủ sự ủng hộ của Trung tâm Khuyến ngư, nông, lâm thành phố (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và mạnh dạn áp dụng một số phương pháp sinh học để kiểm soát sâu bệnh. Không chỉ dừng lại ở việc trồng thử nghiệm, thành viên HTX còn mong muốn đưa thương hiệu lúa hữu cơ của mình đến gần hơn thị trường tiêu thụ. Bởi họ tin rằng, người tiêu dùng ngày càng ý thức được tầm quan trọng của thực phẩm sạch và sẵn sàng ủng hộ những sản phẩm bền vững.

Giữa cánh đồng mẫu lớn, những nhà kho, sân phơi, lò sấy, xưởng sửa chữa cơ khí và nhiều máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động gieo cấy, gặt lúa như cũng chung niềm vui mùa màng. Ông Trần Văn Hiền, Phó Chủ tịch Liên minh HTX thành phố khẳng định, tại xã Hòa Tiến, những cánh đồng mẫu lớn dọc tuyến đường ĐT 605, ĐH 409 với hệ thống giao thông thuận lợi trở thành niềm hy vọng của người nông dân. Nơi đây, thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu, phù sa từ những dòng sông đã giúp cây lúa hữu cơ phát triển ổn định. Cùng với đó, HTX cũng duy trì việc tự cung, tự cấp nguồn lúa giống Hà Phát 3. Đây là giống lúa trung ngắn ngày cho năng suất cao, thơm, phù hợp với thời tiết 2 vụ mùa chính trong năm.

Tìm giải pháp bền vững

Mang hy vọng Hòa Vang sẽ hình thành một vựa lúa chất lượng cho người dân thành phố, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang Nguyễn Văn Vân phân tích, việc trồng thử nghiệm đồng loạt các giống lúa mới trên diện tích tương đối lớn, phân bố dàn trải ở Hòa Vang cung cấp dữ liệu quan trọng về hiệu suất giống lúa mới, giúp nhà khoa học, chính quyền, nông dân địa phương nhận thức được tiềm năng canh tác, từ đó thúc đẩy áp dụng các giải pháp nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường. Trong khi đó, bà Ngô Thị Thu Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư, nông, lâm thành phố nhìn nhận, năm nay, hầu hết các giống lúa đều cho năng suất và chất lượng ổn định. Khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu cũng như chống chịu sâu bệnh ở mức khá. Theo bà Vân, việc thử nghiệm giống cây trồng mới là giải pháp sống còn của ngành nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thách thức về diện tích đất canh tác ngày càng gia tăng.

Qua nhiều năm thí điểm, nhân rộng, ngành nông nghiệp huyện Hòa Vang đã phát triển thành công vùng chuyên canh trồng lúa hữu cơ rộng khoảng 408 ha. Đây được xem là hướng đi đúng đắn bởi vụ đông xuân năm nay, năng suất ở Hòa Tiến 1 trung bình khoảng 71,5 tạ/ha, với mức giá cao hơn thị trường 500 đồng/kg, chủ yếu là các dòng lúa ST25 và DT100. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca bày tỏ, cái được trước tiên của quá trình này là thay đổi quan điểm trồng lúa của người nông dân, khi chuyển từ sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ sang trồng hữu cơ, không hóa chất. Cùng với đó, năng suất lúa hữu cơ hiện cũng tương đương lúa canh tác theo phương pháp truyền thống, giá lại cao nên càng thuyết phục người dân chuyển đổi kỹ thuật trồng trọt.

Dẫn câu nói “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện kỳ vọng rằng, đây là cơ hội để cả hệ thống chính trị vào cuộc, hỗ trợ người nông dân xây dựng thương hiệu hạt lúa hữu cơ. Dù vậy, trăn trở của người đàn ông này là làm thế nào giữ được giá lúa gạo ở mức cao, đồng thời tiếp tục tìm giải pháp đưa phần lớn hạt gạo của huyện nhà vào hệ thống siêu thị và cửa hàng nông sản sạch. Bởi theo ông, giá lúa cao như hiện nay mới có lãi và đời sống người trồng lúa mới khá lên được. Đứng giữa cánh đồng mẫu lớn rộng hàng chục hecta đang chờ ngày gieo sạ, ông cho biết thành viên HTX đang tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn hóa toàn bộ quy trình và hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để nâng hạng sản phẩm gạo Hòa Tiến lên OCOP 4 sao, hướng đến hình thành sản phẩm gạo hữu cơ chung của huyện này.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.