Người lập mộ phần hai chí sĩ xứ Quảng

.

Trong nhà thờ chí sĩ Thái Phiên có di ảnh một cụ bà đẹp lão tên là Trương Thị Dương được đặt trang trọng trên một ban thờ nhỏ. Vì sao một người ngoài dòng tộc lại được tộc Thái làng Nghi An tôn quý đến vậy?

Mộ phần hai nhà chí sĩ xứ Quảng Thái Phiên - Trần Cao Vân (ảnh trái) và chân dung người bảo vệ, gìn giữ hài cốt và lập mộ phần hai vị. Ảnh: H.T.Q
Mộ phần hai nhà chí sĩ xứ Quảng Thái Phiên - Trần Cao Vân (ảnh trái) và chân dung người bảo vệ, gìn giữ hài cốt và lập mộ phần hai vị. Ảnh: H.T.Q

Bà Trương Thị Dương sinh năm Tân Mùi (1881), người làng Hà Đồ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Bà sớm nuôi chí cứu nước, được các cụ Phan Bội Châu, Võ Bá Hạp kết nạp vào phong trào Đông Du, phụ trách kinh tài. Về sau, bà là nữ phái viên liên lạc của phong trào yêu nước vua Duy Tân, người đồng chí của Thái Phiên, Trần Cao Vân trong cuộc khởi nghĩa tháng 5-1916.

Năm đó, khi cuộc khởi nghĩa chống Pháp do vua Duy Tân, Thái Phiên và Trần Cao Vân khởi sự thất bại, những nhà yêu nước lần lượt bị giặc bắt. Tòa án Nam triều dưới sức ép của chính quyền cai trị Pháp đã vội lập ra và tiến hành hỏi cung những nhà yêu nước ngay ngày 7-5-1916. Riêng Thái Phiên và Trần Cao Vân đã bị thẩm vấn ba lần trong mười hai ngày bị giam tại nhà lao Hộ Thành.

Thực dân Pháp đã trực tiếp đàn áp, điều tra, hỏi cung những người yêu nước, sau đó mới giao việc nghị án cho chính quyền Nam triều. Các nhà cách mạng bị gán tội xúi giục vua, xúi giục dân gây nên chính biến. Bản án của Hội đồng xét xử An Nam (được cho là vào ngày 16-5-1916) đã quy kết: “Các tên Trần Cao Vân, Thái Phiên và đồng bọn đã can dự vào cuộc nổi loạn”.

Lúc 4 giờ 30 phút chiều ngày 17-5-1916, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị đem ra xử chém tại pháp trường An Hòa, phía Nam kinh thành Huế.

Sau khi Thái Phiên, Trần Cao Vân bị xử chém, hài cốt hai nhà cách mạng bị vùi lấp tại chỗ thọ hình trong sự canh phòng cẩn mật của lính Nam triều. Mãi đến tháng 6-1925, bà Trương Thị Dương đã bí mật di dời hài cốt hai ông về chôn chung một nấm mộ tại khu đồi Từ Hiếu, xã Thủy Xuân, gần chùa Châu Lâm, ngoại ô thành phố Huế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn trong cuốn Chí sĩ yêu nước Thái Phiên qua các tư liệu mới (NXB Đà Nẵng, 2017) đã kể lại câu chuyện cảm động của bà ở các trang 278-279.

Theo đó, ngày 5-5 năm Ất Sửu (1925), bà và đứa cháu vừa đi đến cầu Vân Căn thì một chiếc guốc bị gãy đôi. Bà nghi hoặc có điềm gì không hay chăng. Đến chùa Đại Trung, gặp ông Nguyễn Hữu Cảnh (trị sự chùa), ông giục bà đi, không nên do dự. 3 giờ sáng hôm sau hai bà cháu đi thẳng tới chỗ di hài hai cụ. Người giữ nấm mộ ấy là Thủ Tỵ (thủ quán), có người con bị bệnh phung, làm chòi ở sát bên để giữ mộ, người nào đến gần nó bắt.

Tới nơi, bà cho cậu bị phung 3 đồng, trả cho ông Thủ Tỵ 6 đồng, thuê ông này và 5 người nữa với giá 24 đồng để xin dời mộ (bà nói đó là mộ người chú của mình). Khi họ hốt cốt lên, bà lấy giấy tinh (giấy trong có viết chữ Hán) bỏ vào hai thúng đầy. Sau khi xong đâu vào đấy, bà thuê hai chiếc xe kéo, một chiếc chở bà và hài cốt, chiếc kia chở đứa cháu bà và ông Nguyễn Hữu Cảnh. Xe đi thẳng tới tháp thầy Kiết - Ma Hòa Thượng gần chùa Châu Lâm, bà đặt cốt lên bàn, thắp hương ngồi giữ.

Sáng hôm sau, bà thuê người mua hai tiểu sành cùng giấy tờ và gánh nước tới. Bà lau rửa sạch di cốt hai cụ, liệm vào tiểu sành. Cốt cụ Thái vàng rực, bỏ vào tiểu sành có dư, phải lấy bớt giấy lót ra. Cụ Thái lúc lâm hình mặc áo lương, máu dính sát vào cốt, gỡ ra nghe rạt rạt. Cụ Trần bận áo vải dù, cũng dính sát vào cốt. Sau đó bà thuê người đào huyệt và đắp nấm cải táng hết 4 đồng…

Ai dè chôn được 11 ngày, Thừa Phủ hay tin, cho lính đến canh gác. Nhờ có người báo tin về ông Nguyễn Hữu Cảnh, ông này báo lại nên bà thừa đêm khuya thuê 4 người đem di cốt hai cụ chôn nơi khác ở gần chùa Châu Lâm, nhưng chôn thành một nấm. Ở nơi đã dời di cốt đi, bà vẫn cho đắp lại thành nấm tử tế, rào giậu kỹ càng, làm như không ai đụng chạm đến. Thế là nơi ấy vẫn có hai cái nấm mồ nhưng bên dưới không có cốt người.

Từ năm 1925 đến năm 1956, ngôi mộ chung của hai nhà yêu nước Thái Phiên, Trần Cao Vân vẫn được bà Trương Thị Dương từ Quảng Trị vào hương khói viếng thăm một cách âm thầm và đều đặn. Đến khi thấy tuổi cao, sức yếu, lúc đó thực dân Pháp bị đại bại và rút khỏi Đông Dương, bà mới tiết lộ cho con cháu hai cụ địa điểm ngôi mộ hai chí sĩ và hy vọng hậu thế sẽ thay bà tiếp tục chăm sóc hương khói thờ tự. Bà cũng cho dựng tấm bia nhỏ trên đó có ghi dòng chữ Hán “Trần Cao quý công - Thái Duy quý công” (tức Trần Cao Vân - Thái Phiên). Một năm sau khi hoàn thành việc ý nghĩa cao cả ấy, vào ngày 14-7-1957, bà Trương Thị Dương đã rời cõi tạm một cách thanh thản trong sự kính trọng và tri ân của hậu thế.

Để tưởng nhớ công ơn bà Trương Thị Dương trong việc bảo vệ, gìn giữ hài cốt và lập mộ phần cho hai chí sĩ Thái Phiên - Trần Cao Vân, trong dịp lễ tưởng niệm ngày hy sinh của những nhà yêu nước, hậu duệ hai tộc Thái và Trần đã trao tặng kỷ vật cho hậu duệ bà Trương Thị Dương, đánh dấu sự kết nghĩa giữa ba dòng tộc.

Câu chuyện cảm động từ tâm của bà Trương Thị Dương - người đồng chí đã một thời kề vai, sát cánh trên bước đường hoạt động yêu nước cùng hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân, để lại cho hậu thế bài học về tinh thần nghĩa khí, tấm lòng nhân hậu, thủy chung, vẹn toàn trước sau như nhất giữa các chí sĩ cách mạng xứ Quảng đầu thế kỷ XX.

HÀ THÚC QUANG

;
;
.
.
.
.
.