Có ý kiến cho rằng, Kinh Môn quận công Nguyễn Văn Nhơn là người gốc làng Nại Hiên Đông (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Có lý do để tin điều đó!
Mộ Nguyễn Văn Nhơn (Sa Đéc) và đình làng Nại Hiên Đông (Sơn Trà). Ảnh: L.T |
Hổ tướng quê gốc Cửa Hàn
Nguyễn Văn Nhơn (1753-1822) là một nhân vật đặc biệt.
Thứ nhất, khi còn chiến tranh ông là một trong “Ngũ hổ tướng Gia Định”; khi giành được chính quyền ông là một đại thần được triều đình Nhà Nguyễn tin cẩn giao phó nhiều trọng trách: Lưu trấn Gia Định (1802-1805), Tổng trấn Gia Định thành (1808-1813 và 1819-1820), Tổng tài Quốc sử quán (1821-1822). Cả hai vua Gia Long và Minh Mạng khi đi tuần du Quảng Nam và Bắc Hà đều tin tưởng giao ông ở lại cai quản công việc ở kinh đô vào các năm 1813 và 1821. Khi mất, ông được phong tước Kinh Môn quận công, tước hiệu cao nhất của triều Nguyễn (công, hầu, bá, tử, nam).
Ông được các vua Gia Long, Minh Mạng nể trọng. Vua Gia Long bảo: “Nhân văn võ song toàn lại có tài chăn trị dân chúng, trong thì vững căn bản, ngoài thì đủ quân nhu, tuy Tiêu Hà giữ Quan Trung, Khẩu Tuân giữ Hà Nội(1) cũng không hơn được”. Còn vua Minh Mạng thì “tế nhị” đến độ khi ông bị ốm, nhà vua ngại không dám đến thăm vì sợ ông phải ngồi dậy tiếp theo đạo vua - tôi sẽ bị mệt, vì thế chỉ sai hoàng tử đến thăm mà thôi.
Nguyễn Văn Nhơn là một người toàn diện, được đời sau đánh giá rất cao: “Cuộc đời của hổ tướng Nguyễn Văn Nhơn không gầm thét một vùng như Lê Văn Duyệt, không thao lược sa trường như Nguyễn Văn Trương cũng không bi hùng như các hổ tướng Trần Quang Diệu, Lê Văn Hưng... của nhà Tây Sơn. Cuộc đời ông mang đậm sắc màu của một đại tướng có tài cai trị, chăm lo cho dân và đặt quyền lợi nhân dân, quốc gia lên trên tất cả. Nguyễn Văn Nhơn từng cầm quân kịch chiến với các hổ tướng Tây Sơn, mang quân chinh phạt Cao Miên, Xiêm La khi cần nhưng trên hết ông đã dành 20 năm cuối đời mình để xây dựng một Nam Bộ và Việt Nam thống nhất, thái bình” (theo trang Yêu sử Việt).
Thứ hai, ông là người con ưu tú của đất Đà Nẵng. Sử triều Nguyễn cho biết ông sinh ra tại An Giang nhưng gia phả dòng tộc xác nhận ông có quê gốc ở Đà Nẵng.
Trong cuốn Đôi nét văn hóa - lịch sử một vùng đất (NXB Hội Nhà văn, 2019), nhà nghiên cứu Nguyễn Nhất Thông dựa vào gia phả của họ Nguyễn Văn ở Sa Đéc, cho biết: “Ông Nhơn là người sinh quán tại thôn Tân Đông, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang (nay thuộc xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Nội tổ là Nguyễn Văn Trâu, người ở Cửa Hàn, làng Con Nhạn, xã Ô Phi thuộc Đà Nẵng, hưởng ứng cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn nên đưa gia đình vào Nam lập nghiệp. Ông Trâu đã dừng ghe bầu ở thôn Tân Đông, cạnh bờ sông Tiền khai phá, mở mang nên cơ nghiệp. Chẳng bao lâu sau, ông kết nghĩa thông gia với ông Hương hào Chiêm ở thôn Tân Khánh bên cạnh. Đó là cuộc xe duyên cho Nguyễn Văn Quang và cô thôn nữ Thị Áo để rồi sinh ra Nguyễn Văn Nhơn vào năm 1753”.
Đi tìm địa danh Con Nhạn
Không tìm thấy địa danh Con Nhạn trong các tác phẩm kinh điển có đề cập đến các làng xã của Quảng Nam thời trước là Ô châu cận lục (Dương Văn An, 1553) và Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn, 1776).
Trong Địa bạ Gia Long (Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Nguyễn Đình Đầu, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) ở thuộc Võng Nhi của huyện Hòa Vang có hai địa danh có cách phát âm gần giống với địa danh Con Nhạn, đó là xã Cồn Nhậm (nay thuộc địa bàn phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) và phường Cồn Nhậm (nay thuộc địa phận quận Hải Châu).
Tuy nhiên cho rằng địa danh Con Nhạn là từ chữ Cồn Nhậm đọc trệch mà thành chưa thực sự thuyết phục. Hai tác giả Phạm Hữu Đăng Đạt (trên trang Hương vị xứ Quảng) và Lê Văn trong bài Đình Nại Hiên Đông đăng trên Văn Nghệ Đà Nẵng số ngày 16-8-2019 đều cho rằng: “Khởi thủy, làng Nại Hiên Đông có tên dân dã là xứ Cồn Nhàn. Nhưng đúng ra là xứ Cồn Nhạn. Chữ Nhàn do chữ Nhạn đọc trệch mà ra”.
Sở dĩ gọi là xứ Cồn Nhạn vì: “Nguyên xưa kia, đây là vùng đầm lầy nước đọng, chịu ảnh hưởng nặng nề của thủy triều. Khi thủy triều xuống, bầy chim nhạn và một số loài chim khác thường bay tới kiếm mồi. Mồi phổ biến là những con tôm, cua, cá khi thủy triều lên, theo dòng nước trào vào và khi thủy triều xuống, chúng bị bị mắc cạn, không theo ra kịp. “Mồi” nhiều nên chim nhạn tập trung kiếm mồi khá đông, đặc kín cả cồn. Chúng thường làm tổ trên mái hiên đình nên làng Nại Hiên Đông còn có tên gọi là “xứ chim nhạn”.
Tác giả Lê Văn còn cho biết: “Ở gian Chánh điện của đình làng trên hàng cột thứ nhất từ ngoài bước vào có trang trí câu đối viết bằng chữ Hán, ca ngợi vị thế của làng, của đình:
Nhật xuất Đông hiên vạn vật, hướng dương hàm cổ sắc/ Long hoàn Tây Nhạn thiên thu diễn phái ngưỡng văn quang. (Trời mọc hướng đông vạn vật đều quy ngưỡng, nuôi dưỡng dựng lên muôn màu sắc/ Rồng bay chim Nhạn múa, nghìn năm phát triển về hướng Tây đều không quên nơi xuất phát).
Thông tin từ hai tác giả hoàn toàn phù hợp với một tài liệu khả tín khác.
Trong “Danh mục làng xã của thành phố Đà Nẵng năm 1923” hiện còn lưu trữ tại Thư viện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thì thành phố Đà Nẵng vào thời đó có 20 làng, trong đó làng Nại Hiên có 8 ấp. Cồn Nhạn là tên của một trong 8 ấp của làng!
Rất nhiều khả năng địa danh Con Nhạn (mà gia phả cho biết) là từ chữ Cồn Nhạn đọc trệch mà thành. Do đó, nếu không quá dè dặt chúng ta có thể khẳng định Kinh Môn quận công Nguyễn Văn Nhơn là đứa con lưu lạc của làng Nại Hiên Đông!
LÊ THÍ
[1]. Tiêu Hà là thừa tướng khai quốc của Nhà Hán (Trung Quốc), từng giữ lại đất Quan Trung và xây dựng cơ sở để Lưu Bang lập nên triều Hán. Hà Nội là tên quận thời Hán Sở bên Trung Quốc (Chú giải của ĐNCT).