Tước vị dưới thời phong kiến

.

* Dưới thời phong kiến có những tước vị nào? Thời Nhà Nguyễn phong tước cho công thần vì sao chỉ để tên trước như Thoại Ngọc Hầu, Dương Oai Hầu mà không ghi là Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Phúc Dương? (Nguyễn Văn Bản, Hòa Vang, Đà Nẵng).

- Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, để phân biệt địa vị, chức vụ giữa các quan với nhau, vua thường ban tước vị cho các quý tộc, quan lại.

Theo Hán Việt từ điển trích dẫn, Tước 爵(Danh từ) chỉ danh vị phong cho quý tộc hoặc công thần thời phong kiến. Thời xưa có 5 tước vị là: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam; về sau có thêm tước Vương, là tước vị cao nhất trong chế độ phong kiến. Tước Vương chỉ dành riêng cho tôn thất, 5 tước còn lại để phong cho những người có công lớn với triều đình.

Thoại Ngọc H ầu là tước vị do vua phong cho Nguyễn Văn Thoại (1761-1829), người làng An Hải, xứ Hà Thân, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, trấn Quảng Nam; nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Ông có công lớn trong việc mở mang khai phá nhiều vùng đất phía Tây Nam nước ta, chỉ huy đào kênh Thoại Hà, kênh Vĩnh Tế... Ghi nhớ công lao ông, triều Nguyễn lấy tên ông đặt thành tên làng, tên núi, tên sông: Thoại Sơn, Thoại Hà, Thoại Giang.

Trong “Thoại Ngọc Hầu”, chữ “Thoại” được đưa ra phía trước là do viết theo cấu trúc tiếng Hán. Tương tự, Xuyến Ngọc Hầu là tước phong cho Nguyễn Bá Xuyến (1759-1829), một trong những tác giả văn học giai đoạn thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, người làng Đa Sĩ, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.

Trong trường hợp Định Quốc Công Nguyễn Bặc (924-979), thì Định ở đây không phải là tên của người được phong tước mà kết hợp với từ Quốc liền sau đó thành Định Quốc, nghĩa là an bang định quốc 安邦定國 - yên định nhà nước (Hán Việt Từ điển Thiều Chửu).

Theo sử sách, Nguyễn Bặc là khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân vào thế kỷ X trong lịch sử Việt Nam. Do lập công lớn, ông được vua Đinh phong tước Định Quốc Công, vị trí như chức Tể tướng. Ông là một trong số những người tận trung với Nhà Đinh, đồng thời là bạn đồng hương, sinh và mất cùng năm với vua Đinh Tiên Hoàng. Dân gian xem ông và Đinh Điền (cũng là một công thần giúp giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân) là những biểu tượng của tinh thần hào hiệp, trượng nghĩa và trung thành.

Trong trường hợp “Dương Oai Hầu”, rất tiếc, chúng tôi không tìm thấy cứ liệu nào cho rằng chữ “Dương” ở đây là tên của Nguyễn Phúc Dương. Trong lịch sử Việt Nam, có một người tên là Nguyễn Phúc Dương được phong là Tân Chính Vương. Nguyễn Phúc Dương là con của Nguyễn Phúc Hiệu - hoàng tử thứ 9 của chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765).

Mới đây, nhân đọc Gia phả tộc Nguyễn Văn làng Yến Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, chúng tôi tìm ra tên tuổi của Dương Oai Hầu. Đó là ông Nguyễn Văn Tráng sinh năm Mậu Ngọ - 1498, người Tống Sơn, Thanh Hóa, làm quan dưới triều nhà Lê, chức Tả thị lang. Năm Mậu Ngọ - 1558, triều vua Lê Anh Tông, ông theo phò chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, khai canh lập ấp mở mang bờ cõi Đại Việt. Nhờ có nhiều công lao, năm Gia Long thứ tư (1805) ông được vua ban sắc truy tặng chức Thống chưởng Phủ sự, tước Dương Oai Hầu, Chánh vị Tiền hiền làng Yến Nê; năm Thiệu Trị thứ sáu (1846) ban mỹ hiệu “Quảng hậu Chánh trực Hựu thiện Thượng đẳng thần”. Cả 2 sắc phong này đang được lưu giữ tại gia tộc Nguyễn Văn làng Yến Nê.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.