Thế hệ những người sinh trước và sau những năm 1940 ở vùng Gò Nổi (Điện Bàn) và lân cận như Duy Xuyên, Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam)... ai cũng đã có lần nghe, biết hoặc được nhắc đến bà Tú Kinh - người đàn bà phi thường, dám mua thuốc độc cho chồng tự vẫn để khỏi lọt vào tay giặc Pháp xâm lược.
Bà tên là Nguyễn Thị Quyên, con ông Cai Hòe ở Phú Bông (nay thuộc xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn), một danh gia vọng tộc với những bác sĩ, kỹ sư nổi tiếng khắp vùng. Tú là gọi theo học vị của chồng, còn Kinh là gọi theo tên người con gái đầu của bà, bà Hai Kinh.
Danh tiếng của bà Tú Kinh đã đi vào trong ca dao: “Phú Bông, Hà Mật bao xa/ Bước ra khỏi ngõ thấy nhà bà Tú Kinh”. Chồng bà là Tú tài Trương Ngọc Phiên, sui gia với ông Phan Thành Tài, tham gia phong trào Duy Tân ngay từ những năm đầu. Trong lúc ông Phan Thành Tài từ quan, bỏ việc Thông phán tại Bác cổ Học viện Nam Kỳ ở Sài Gòn về dạy Trường Dân Phong ở Phong Thử, hướng theo ngọn cờ Duy Tân, thì ông Trương Ngọc Phiên mở Trường Phú Bông. Chuyện này được nhà văn Nguyễn Văn Xuân nhắc đến trong cuốn “Phong trào Duy Tân”.
Tú tài Trương Ngọc Phiên là đích nhắm của giặc Pháp. Dựa vào tiếng tăm của mình, dựa vào lòng dân mến yêu, ngưỡng mộ vợ chồng bà, bà sắp xếp cho ông trốn trong các kho chứa củi (để ươm tơ) trong làng Phú Bông và lân cận. Đến khi ông Phan Thành Tài bị giặc xử bắn, biết không thể tránh được, ông bàn với bà, bà mua sẵn độc dược để ông tự vẫn ngay sau ngày ông Phan Thành Tài thọ nghĩa.
Ông Tú Kinh hy sinh vì đại nghĩa lúc bà còn rất trẻ. Một mình bà nuôi 7 người con thành danh hiển đạt, vẻ vang nhiều đời.
Người con trai đầu của bà là Thượng thư Trương Xuân Mai, đậu Cử nhân Hán học làm Tổng đốc Nghệ An, sau ra Hà Nội học Trường Pháp chính (Ecole de Droit et d’Administration) rồi Trường Uyên bác Đại học (Ecole de Hautes Études). Khi dạy tại Trường Quốc học, ông là thầy của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Kế đó là bác sĩ Trương Đình Ngô, tốt nghiệp Y sĩ Đông dương, sau qua Pháp du học 2 năm, đỗ bác sĩ về nước mở dưỡng đường phục vụ nhân dân. Năm 1954, bác sĩ Ngô tập kết ra Bắc làm giáo sư tại Đại học Y khoa Hà Nội.
Kế ông Ngô là bác sĩ Trương Gia Thọ, nổi tiếng là người hiền từ đạo đức. Lúc học ở Trường Bưởi, ông cùng lớp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lãnh đạo đấu tranh đòi thực dân Pháp cải cách chính trị, bãi bỏ chế độ hà khắc đối với nhân dân. Ông là người lãnh đạo các cuộc đấu tranh bãi khóa hăng hái nhất - bị thực dân Pháp đuổi khỏi trường, và nặng nhất là không cho nhập học lại bất cứ trường nào trên lãnh thổ Đông Dương.
Bấy giờ bác sĩ Trương Đình Ngô đã về nước hành nghề, bèn gửi đơn kiện đến Toàn quyền Đông Dương và Tổng thống Pháp về tính cách vô nhân đạo của lệnh cấm ông Thọ nhập học, buộc Pháp phải cho phép ông Thọ được học tại một trường lycée (trung học) trên đất Pháp.
Bà Tú Kinh lo liệu cho ông Thọ qua Pháp học và tốt nghiệp bác sĩ, sau đó ông học tiếp 2 năm chuyên khoa (interne des hôpitaux - bệnh viện nội trú). Về nước hành nghề y, năm 1943, ông là Giám đốc Bệnh viện Tourane (Đà Nẵng). Tập kết ra Bắc, ông làm Giám đốc Sở Y tế Hà Nội trong nhiều năm liền, nổi tiếng là người hiền đức. Tất cả những người con ông đều thành đạt và có nhiều cống hiến cho nhân dân, cho Tổ quốc như: ông Trương Gia Nhẫn là cán bộ ngoại giao mẫu mực, Trương Gia Bình là Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT.
Người con thứ tư là dược sư Trương Xuân Nam, tốt nghiệp dược sĩ tại Đại học Paris – Pháp, năm 1939; về nước mở hiệu thuốc ở Quy Nhơn, Bình Định. Ông tham gia cách mạng từ ngày đầu khởi nghĩa. Năm 1947, là Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương - Bộ Y tế. Tiếp quản Thủ đô (1955), ông là Tổng Thư ký Tổng hội Y dược học Việt Nam.
Rất nhiều người hỏi: Không biết bà Tú Kinh lấy tiền đâu ra mà nuôi đến ba người con du học thành tài ở Pháp. Bà là người đàn bà phi thường, miệng bằng tay, tay bằng miệng, quán xuyến mọi bề. Ở Phú Bông, không phải một mình bà làm nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, nhưng bà là nhà sản xuất lụa tơ tằm nhiều nhất, sớm nhất, có nhiều khung cửi nhất. Lụa Phú Bông, bấy giờ không chỉ bán tới Sài Gòn, Hà Nội mà qua đến Nam Vang, Thượng Hải. Để có kén ươm tơ, dệt lụa bà tổ chức trồng dâu nuôi tằm, rồi phát canh cho nông dân trồng mía nấu đường, trồng nếp nấu rượu... tạo hàng trăm hàng ngàn công ăn việc làm cho dân làng. Trước năm 1945 mà đường trong làng đều lát gạch, làng có thư viện, trạm xá, nhà hộ sinh... ban đêm nhiều nhà thắp đèn măng-sông sáng choang, đó là làng Phú Bông của bà Tú Kinh.
Dĩ nhiên, không phải một mình bà Tú Kinh làm được những việc đại sự như vậy; nhưng chính bà là người đi tiên phong phát triển ngành nghề, phát triển công kỹ nghệ. Từ đó, lan truyền dần ra các hộ khác trong làng, rồi các xã, huyện lân cận... Cái cao quý là đạo đức của bà. Bà rất nghiêm khắc với bọn lý hào quan lại, nhưng rất thương yêu che chở dân nghèo. Phú Bông là vùng thấp của huyện Điện Bàn xưa, năm nào cũng có lụt lớn, nhân dân bị nhà ngập sâu đều kéo đến ở nhà bà, bà lo cho dân ăn ở, cưu mang cho biết bao gia đình. Truyền thống nhân văn nhân đạo đó còn truyền lại mãi sau này. Đến trận bão lụt lịch sử năm Thìn 1964, hàng trăm gia đình đã đến lánh nạn trên nhà lầu ông Bát Phong (nền nhà bà Tú Kinh) mà thoát nạn. Bây giờ, con cháu, chắt của họ còn nhắc đến.
Trong thời thực dân phong kiến đầy dẫy những bất công, thối nát mà xuất hiện một người đàn bà bản lĩnh như bà Tú Kinh quả thật quý hiếm, đáng trân trọng. Chuyện trên đây được ghi lại theo tài liệu của GS. Trương Xuân Đàn, nguyên Chủ nhiệm khoa Huyết học - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, là cháu nội đích tôn của bà. Thế nhưng, chưa thấy một bài báo, quyển sách nào ghi lại tiểu sử của bà cho hậu thế. Thật là một thiếu sót đáng tiếc.
PHAN THẾ TẬP