Chuyện làng Trà Kiệu

.

Trà Kiệu là một làng lớn nằm ở hữu ngạn sông Thu Bồn, thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Theo chiều dài lịch sử và quá trình xây dựng, làng Trà Kiệu mang trên mình những giá trị độc đáo.

Nhà thờ Trà Kiệu mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp. (Nguồn Internet)
Nhà thờ Trà Kiệu mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp. (Nguồn Internet)

Làng Trà Kiệu được hình thành và phát triển trên mảnh đất từng là kinh đô của vương quốc cổ Chăm-pa, là thành phố thiêng, thành phố sư tử trong mô hình các điểm thiêng của tiểu vương quốc Chămpa. Trong lịch sử nhân loại chỉ có 3 thành phố mang tên sư tử (Sinhapura, Singapore, Singburi).

Hơn nữa, khi xét đến tổng thể vùng đất phía nam sông Thu Bồn, cũng là vùng đất có bề dày lịch sử, tâm linh thì làng Trà Kiệu nằm vào vị trí điểm huyệt của thân thần Siva, một vị thần được tôn thờ nhất của vương quốc Chăm pa.

Trong quan niệm của văn hóa Chăm, một vị trí tốt để định đô phải có lưng tựa vào núi và mặt hướng ra sông để dễ phòng thủ. Như vậy, làng Trà Kiệu nằm ở một vị trí mang yếu tố văn hóa và quân sự độc đáo. Khi nói đến làng Trà Kiệu thì không khỏi nghĩ ngay đến kinh đô Trà Kiệu (Sinhapura - thành phố sư tử).

Làng Trà Kiệu là nơi giao nhiều nền văn hóa khác nhau. Kết quả các đợt thám sát khảo cổ học đã “kể” ra nhiều thông tin lý thú.

Năm 1985, khi thám sát hai hố Gò Mỹ (cách nhà thờ Núi Trà Kiệu khoảng 2km về phía Tây Nam) đoàn khảo cổ đã thu thập được nhiều chum chứng tỏ khu vực Trà Kiệu chắc chắn có một nền văn hóa Sa Huỳnh và sau đó là một nền văn hóa Chăm cổ. Tại di chỉ thành Trà Kiệu, có lớp dưới mang phong cách Sa Huỳnh như cụm bình hình trứng và một số gốm thô.

Các đợt thám sát từ năm 1990 đến 2000 còn phát hiện những hiện vật thuần Đông Hán và phong cách Đông Hán như bình vò gốm cứng in văn, mũi tên đồng…, còn có một số gốm thương mại Đông Ấn có niên đại đầu Công nguyên.

Ngoài ra, còn có những bức tượng thần rỗng ruột, tượng động vật và 5 cuốn sách thánh tạo bởi những lá vàng dày 1cm khắc chữ Phạn và 5 miếng vàng hình tròn với những mẫu tự tiếng Ả Rập bao gồm cả các loại đồ gốm Islam. Hơn nữa các di vật gốm đầu ngựa mặt hề Trà Kiệu tương tự như đầu ngựa mặt hề ở di tích Nam Kinh, có niên đại lục triều sớm.

Khi người Việt vào lập làng thì nơi này đã diễn ra quá trình tiếp biến văn hóa Việt - Chăm. Sau này có cả người Hoa đến Trà Kiệu buôn bán rất mạnh. Văn hóa Pháp cũng để lại dấu ấn đậm nét ở Trà Kiệu khi Thiên Chúa giáo được truyền vào mà kiểu kiến trúc nhà thờ Trà Kiệu là một minh chứng.

Như vậy, làng Trà Kiệu là nơi diễn ra sự giao thoa, tiếp xúc, giao lưu với văn hóa Sa Huỳnh, Chăm, Trung Hoa (Đông Hán, Lục Triều, Thanh...), Ả Rập (Islam), Ấn Độ (Nam Ấn), Pháp. Đây là một giá trị độc đáo khi được xem xét ở một ngôi làng Việt Nam.

Làng Trà Kiệu là một làng siêu đa tộc họ. Nhiều ngôi làng ở Đàng Trong là làng đa tộc họ do điều kiện lịch sử để lại. Riêng làng Trà Kiệu là làng “siêu đa tộc họ”.

Tính đến năm 1680 cả làng có trên 50 tộc họ và sang đầu thế kỷ XX, làng có tất cả 63 tộc họ cùng sinh sống. Đây là sự cộng cư làng xã siêu đa tộc họ đã hình thành từ xa xưa còn lưu lại trên đất Quảng Nam. Năm 1680, làng đã xây dựng nhà thờ Tiền hiền (cùng với một ngôi đình và một ngôi chùa kế bên) để thờ các vị thủy tổ và hằng năm đến Xuân Thu nhị kỳ tổ chức cúng tế.

Năm 1955, nhà thờ bị phá hủy do chiến tranh, sau đó làng chỉ dựng lại nhà thờ, ngôi chùa nhưng không dựng lại ngôi đình. Tinh thần tín ngưỡng của làng không phải hướng về ngôi đình mà là ngôi nhà thờ Tiền hiền. Đây cũng là điều hiếm thấy ở các ngôi làng truyền thống Đại Việt. Nhân dân trong làng coi trong những vị thần - tổ tiên cụ thể hơn là những vị thần chung chung.

Làng Trà Kiệu là một làng kép. Khái niệm “làng kép” để thấy rằng tính chất kép được dùng với ý nghĩa biểu hiện hai vấn đề. Một là làng Trà Kiệu có hiện tượng “làng” ở trong làng và hai là hiện tượng “làng” ở ngoài làng. Trong văn hóa làng xã Việt Nam, các hiện tượng này dường như là sự gấp khúc đặc biệt của làng Bắc Bộ. Sự hình thành hiện tượng trên tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và văn hóa đặc thù của vùng đất mà làng được dựng lên.

Ở làng Trà Kiệu, về góc độ hẹp (làng trong làng) biểu hiện ở chỗ làng Trà Kiệu Thượng (làng Công giáo Trà Kiệu) chỉ rộng gần 1km2 khi “7 vị sáng lập giáo xứ Trà Kiệu đã tách ra ở riêng trên nội thành Chiêm”. Trà Kiệu Thượng sống tương đối biệt lập hơn so với các làng chung quanh, có sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo riêng của mình.

Ở góc độ rộng (làng ở ngoài làng) là sự biểu hiện của sự mở mang vùng đất mới của cư dân làng Trà Kiệu như trong thời kỳ khai phá, canh tác ruộng đất ở Bầu Lôi (Đại Trị), Thăng Bình, có vị tiền hiền tộc Nguyễn Thanh là ông Nguyễn Thanh Chiên đã tiên phong khai phá vùng đất này. Ông dẫn người đến ở, canh tác và khi từ trần đã được an táng tại đó. Đến nay trong làng vẫn có câu:

“Đèo Hải Vân nhìn ra phương Bắc, đất Thừa Lưu còn có Trà Kiệu địa danh/ Núi Phú Cang trông xuống phía Nam, làng Đại Trị còn có Nguyễn Thanh tổ mộ”. Làng Đại Trị (Bầu Lôi), thời chúa Nguyễn là một làng nhỏ thuộc làng Trà Kiệu cho đến sau năm 1975 mới chuyển cho huyện Thăng Bình. Tính chất kép này làm cho đời sống vật chất và tinh thần của làng phong phú và cởi mở hơn. Đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của cư dân làng từ khi các vị tiền hiền khai canh lập nghiệp.

VÕ HÀ

;
.
.
.
.
.
.