Người xưa thường nói “địa linh” sinh “nhân kiệt”. Học hành, thi cử, khoa bảng ngày trước cũng góp một phần quan trọng vào việc hình thành “nhân kiệt” cho một vùng đất.
Dấu tích khu Văn thánh huyện Duy Xuyên, nơi đề cao sở học của người xưa. Ảnh: L.T |
Ở Quảng Nam, Điện Bàn và Duy Xuyên là hai huyện dẫn đầu cả về cả số lượng và chất lượng, chiếm gần 2/3 số khoa bảng của cả tỉnh. Hai huyện có 7/15 tiến sĩ (Điện Bàn 5, Duy Xuyên 2); 14/24 phó bảng (Điện Bàn 9, Duy Xuyên 5); 168/254 cử nhân (Điện Bàn 108, Duy Xuyên 60). Sự vượt trội của Điện Bàn có thể lý giải được vì đây vốn là một huyện của phủ Triệu Phong đã về Đại Việt với danh nghĩa vùng đất “sính lễ” khi Huyền Trân Công chúa lấy chồng (1306). Trong khi Duy Xuyên lại khác, ra đời sau đó cả gần 100 năm, khi Hồ Quý Ly bình Chiêm (1402).
Tuy nhiên, nói về khoa bảng thời nhà Nguyễn, Duy Xuyên có nhiều “chiến tích” chẳng kém gì Điện Bàn.
Khai khoa tiến sĩ lục tỉnh Duy Xuyên là quê hương của vị khai khoa tiến sĩ không những cho “đất học” Quảng Nam mà cho cả 6 tỉnh Nam Trung Bộ. Đó là Lê Thiện Trị (1796 - 1872). Ông sinh năm 1796 tại xã Long Phước, nay là thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Dưới thời Minh Mạng ông thi đỗ Tam trường, sau đó được vào học tại trường Quốc tử giám. Khoa thi Hội năm Mậu Tuất (1838), năm Minh Mạng thứ 19, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân cùng khoa với nhiều nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Cửu Trường, Trần Tiễn Thành, Doãn Khuê, Phan Văn Nghị (Tiến sĩ) Nguyễn Tường Vĩnh, Nguyễn Dục (Phó bảng)... Trước ông, cả một dải đất 6 tỉnh Nam Trung Bộ chưa có ai đỗ tiến sĩ. Vì vậy, Lê Thiện Trị được vua Minh Mạng ban danh hiệu “Khai khoa tiến sĩ lục tỉnh” (người mở đầu cho học vị tiến sĩ của cả sáu tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận).
Ông từng trải qua các chức vụ: Hàn lâm viện biên tu, Tri phủ (Thịnh Viễn), Tu nghiệp Quốc tử giám, Lang trung (Bộ Lễ), Biện lý (Bộ Hình), Án sát (Hà Nội), Thị lang (Bộ Lại), Tuần phủ (Khánh Thuận). Ông cũng từng được cử giữ chức Phó chủ khảo (trường Nghệ An, 1848) và Chủ khảo (trường Gia Định, 1847).
Khi đang giữ chức Tuần phủ Thuận Khánh ông đã “làm ngơ” không truy cứu người thủ kho làm thất thoát tài sản công vì nghĩ y đã khắc phục sự cố, đền bù lại một cách đầy đủ. Ông bị triều đình cho là cố ý bao che nên khép tội “lưu” (đi an trí nơi phương xa, suốt đời không được về) sau cải thành tội “đồ” (bắt làm nô lệ cho biết nhục). Sau một năm chịu án tội “đồ”, ông được người con trai là Lê Thiện Thuật xin nhận hình phạt thay cha. Nhờ đình thần xin, vua Tự Đức mới chấp thuận. Ông mất năm 1872 thọ 76 tuổi.
Vùng đất của “ngũ phụng”, “tứ phụng”
“Ngũ phụng”, “tứ phụng” ở đây nghĩa là một khoa có 5 hay 4 người cùng đỗ. Trường hợp của Duy Xuyên không phải là đại khoa thi Đình như “Ngũ phụng tề phi” của Quảng Nam năm 1898 mà chỉ ở tầm các khoa thi Hương (đỗ cử nhân).
Duy Xuyên có một khoa “ngũ phụng” là Đinh Mùi (1847) và hai khoa “tứ phụng” là Mậu Thìn (1868) và Bính Tý (1876).
Trong khoa Hương năm Đinh Mùi, Duy Xuyên có 5 người cùng đỗ cử nhân. Đó là các vị Võ Thanh Doãn, Dương Đình Tuyển, Nguyễn Lập (người làng Bàn Thạch, nay thuộc xã Duy Vinh), Trần Minh Hướng (người làng Mậu Hòa, nay thuộc thị trấn Nam Phước), Biện Thế Vĩnh (người làng An Dưỡng, nay cũng thuộc thị trấn Nam Phước). Như vậy, khoa này làng Bàn Thạch là làng của “tam phụng”.
Các khoa thi Hương các năm Mậu Thìn và Bính Tý, Duy Xuyên có 4 người cùng đỗ cử nhân. Khoa Mậu Thìn có các vị Trương Bá Hành, Trương Dĩnh (Phụng Châu, nay là thị trấn Nam Phước), Phạm Xán (Phú Nham, nay thuộc xã Duy Trinh), Nguyễn Lâm (Bàn Thạch). Khoa Bính Tý có Nguyễn Tắc Kiểm (An Lạc, nay là xã Duy Phước), Trương Trọng Hữu (Lang Châu, xã Duy Phước), Nguyễn Phố (Trà Nhiêu, xã Duy Hải) và Thái Đình Thạc (Thi Lai, xã Duy Trinh).
Gia đình khoa bảng hàng đầu của tỉnh
Quảng Nam có 3 tộc họ khoa bảng hàng đầu, đó là tộc Hoàng ở Xuân Đài (Điện Bàn), tộc Phan ở Bảo An (Điện Bàn) và tộc Phạm ở Mã Châu (Duy Xuyên). Các tộc họ này đều có 6 người đỗ đạt gồm 1 phó bảng và 5 cử nhân.
6 vị khoa bảng của tộc Phạm ở Mã Châu, đứng đầu là Phạm Thanh Chơn - người mở đầu cho khoa bảng của tộc họ. Ông đỗ cử nhân khoa Tân Sửu (1841) dưới thời vua Thiệu Trị, tại trường thi Thừa Thiên, làm quan đến chức tri huyện. Tuy nhiên, em kế ông là Phạm Thanh Nhã mới là người đỗ cao nhất, đỗ cử nhân năm Bính Ngọ (1846), đỗ phó bảng khoa Tân Hợi (1851). Hai người em sau đó cũng nối chí khoa bảng của các anh: Phạm Thanh Thục đỗ cử nhân khoa Giáp Tý (1864); người em út Phạm Thanh Nghiêm đỗ cử nhân khoa Quý Dậu (1873).
Sang thế hệ thứ hai, Phạm Cung Lượng (con trai của Phó bảng Phạm Thanh Nhã) đỗ cử nhân khoa Giáp Thân (1884); Phạm Thanh Túc (con Cử nhân Phạm Thanh Nghiêm) đỗ cử nhân khoa Canh Tý (1900) dưới triều Thành Thái.
Trong sáu vị khoa bảng của tộc Phạm Duy Xuyên, Phạm Thanh Thục là người thành đạt nhất, từng được vua Kiến Phúc cử giữ chức Thừa Thiên phủ doãn vì “Chức kinh triệu từ xưa vẫn trọng, cũng vì là việc khó. Gần đây bổ sung, ít thấy người khá. Nên nay bổ Biện lý bộ Binh, Phan Thanh Thục vào chức ấy” (Đại Nam liệt truyện, Quốc sử quán triều Nguyễn, NXB Giáo Dục, 2007, trang 388).
Chính vì vậy làng dệt Mã Châu, quê các vị này được gọi là làng “tam thanh”, một biểu hiện của có phúc vì có đủ cả 3 tiếng: tiếng trẻ con khóc, tiếng dệt cửi và tiếng đọc sách, bình văn.
Truyền thống hiếu học và học giỏi của Duy Xuyên vẫn được con cháu giữ mãi đến ngày nay.
LÊ THÍ