Xưa kia, việc di chuyển qua đèo Le gặp khó khăn, cách trở do dốc cao, vực sâu, đá lởm chởm, nên khách bộ hành tập trung lại dưới gốc cây bùi râm mát chờ đông người để cùng nhau vượt đèo. Dần dần, một ngôi chợ được hình thành ngay tại gốc cây bùi này lấy tên là chợ Cây Bùi...
Ngày xưa khách bộ hành muốn đi qua đèo Le phải dừng chân nghỉ ngơi tại gốc cây bùi. Ảnh: S.T |
Thời phong kiến, giao thương chưa phát triển, giao thông lại cách trở nên trong cuộc sống hằng ngày, người dân Quế Long nói riêng và vùng tây Quế Sơn nói chung thường đem các sản phẩm nông - lâm nghiệp và thủ công ra đầu làng, ngõ xóm hoặc khu đất công của làng để buôn bán, trao đổi...
Trải qua một thời gian dài, cho đến đầu thế kỷ thứ XIX, khi sản xuất ngày càng phát triển, nông sản và các mặt hàng thủ công ngày càng được làm ra nhiều hơn thì nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa trở nên cấp thiết hơn đối với người dân Quế Long. Do vậy, các tụ điểm buôn bán, các chợ tự phát bắt đầu hình thành để đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân.
Lúc bấy giờ, vùng đất Quế Long chính là đầu mối giao thông chính nối liền hai vùng đông và tây Quế Sơn qua con đường độc đạo đèo Le nên lượng hàng hóa từ miền xuôi tập trung tại đây rất lớn. Nhưng thuở ấy, con đường đèo Le rất hiểm trở, quanh co, chưa được mở rộng lại có nhiều thú dữ nên rất nguy hiểm cho người qua lại. Vì vậy khách bộ hành qua lại đèo Le không ai dám đi một mình mà thường tụ tập ở các gốc cây to dưới chân đèo để nghỉ mát, lấy sức và đợi cho đến lúc có đông người mới cùng nhau qua đèo.
Ở dưới gốc cây bùi là nơi dừng chân trước khi người dân chuẩn bị qua đèo và cả cho những người vượt đèo nghỉ ngơi phục sức, nhân dân địa phương đã dựng lên một số lều quán bán nước chè xanh, trái cây, dép mo cau. Giao thương ngày càng phát đạt, khách qua lại ngày càng đông đúc hơn xưa nên việc buôn bán rất thuận lợi.
Vào những năm 1870 - 1880, một số thương gia người Hoa sau vài chuyến đưa hàng hóa đến buôn bán ở vùng tây Quế Sơn đã nhận ra địa điểm lý tưởng này nên đến đây đầu tư mở tiệm tạp hóa để bán hàng cho nhân dân trong vùng và khách thập phương qua lại. Hàng hóa được các thương gia người Hoa đưa từ Đà Nẵng, Hội An đến nên rất được ưa chuộng và bán rất chạy. Trong số các thương gia người Hoa có một khách trú tên là Phách đến đây mở một hiệu buôn tương đối lớn ngay phía bên dưới gốc cây bùi. Ngoài việc buôn bán hàng tạp hóa, ông Phách còn bỏ vốn ra thu mua nông - lâm sản của bà con trong vùng như sắn lát, đường bát, đậu phụng, cau, quế, sa nhân, đổ trọng, dầu trảu... rồi đem bỏ lại cho các đầu mối bán lẻ ở các chợ lớn như chợ Đông Phú, Hương An, Nam Phước, Vĩnh Điện, Hội An, Đà Nẵng...
Đến khi có một người Hoa ở phường buôn Minh Hương (Hội An) tên là khách Gia Bang (thường gọi là Ba Bang) đến xây dựng cơ sở sản xuất chén, bát tại chân đèo Le thì nơi đây xuất hiện thêm tiệm chuyên bán đồ sành sứ của ông Hai Nấu (nhân dân trong vùng gọi là hàng chén Hai Nấu) - con trai của chủ lò chén Ba Bang. Dần dần về sau, tại khu vực cây bùi đã hình thành một tụ điểm đông đúc, tấp nập kẻ bán, người mua với hàng hóa đa dạng từ hàng nông lâm sản do nhân dân địa phương sản xuất, đến những nhu yếu phẩm từ miền xuôi đưa lên. Đến cuối năm 1880, địa điểm ngay tại cây bùi đã hình thành một khu chợ khá sầm uất lấy tên là chợ Cây Bùi và tồn tại một thời gian khá dài.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chợ Cây Bùi là một tụ điểm giao lưu, buôn bán khá tấp nập trong vùng tự do của ta ở huyện Quế Sơn. Trong những năm từ 1949 đến 1952, có lúc việc họp chợ Cây Bùi phải tổ chức vào ban đêm vì sợ máy bay của địch đánh phá. Để đề phòng bất trắc và hạn chế thương vong cho nhân dân, người ta đã cho đặt kẻng xung quanh chợ để báo động cho nhân dân sơ tán xuống hầm trú ẩn khi máy bay địch xuất hiện...
Sau ngày Hiệp định Genève được ký kết, trong thời gian từ năm 1954 đến 1956, chợ Cây Bùi tiếp tục được duy trì một thời gian ngắn khi khu hành chính vùng trung Quế Sơn của chế độ Sài Gòn được đặt tại đây. Thời gian sau đó, do chiến tranh quá ác liệt nên chợ Cây Bùi cũng không còn đông đúc như trước và dần dần lụi tàn.
Ngày nay, địa danh Cây Bùi vẫn còn đó nhưng cây bùi và cái tên chợ Cây Bùi đã đi vào dĩ vãng và chỉ còn trong nỗi nhớ, trong tiềm thức của những vị cao niên nơi đây.
AN TRƯỜNG
Nguồn: Chuyện kể dân gian được chép lại trong Lịch sử Đảng bộ xã Quế Long, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.