Trong các hình thái tín ngưỡng dân gian, bên cạnh việc thờ cúng ông bà, tổ tiên còn có thờ cúng các thần linh trừu tượng, là một loại hình tín ngưỡng cổ truyền mang tính phổ biến của người Việt Nam. Một trong những hình thức thờ cúng này là ngôi miếu cổ thờ 5 vị nữ thần tại Hội An, Quảng Nam.
Tam quan (ảnh trái) và toàn cảnh miếu Hy Hòa, Hội An. Ảnh: T.M |
Đến bây giờ vẫn chưa có tài liệu nào chứng minh chính xác miếu Hy Hòa tọa lạc tại số 6 Nguyễn Thái Học, thuộc khối An Định, phường Minh An, thành phố Hội An ra đời từ năm nào. Người ta chỉ truyền miệng từ đời này sang đời khác rằng ngôi miếu cổ này được hình thành vào khoảng thế kỷ XVIII để thờ phụng 5 vị nữ thần: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Theo quan niệm của người Á Đông, đây là 5 yếu tố, nghĩa là 5 vị nữ thần, tạo ra vạn vật muôn loài.
Theo các cụ cao niên ở phố cổ Hội An, miếu có tên Hy Hòa, bởi Hy Hòa là tên một làng nhỏ thuộc xã Minh Hương ngày xưa; song cũng có tục truyền miếu lấy tên của hai người ông tổ nghề in lịch và hàng mã là Hy và Hòa. Do miếu thờ cúng 5 vị nữ thần nên còn có tên khác là miếu Ngũ Hành, nhưng cái tên này rất ít người biết tới.
Lần hồi, làng Hy Hòa bắt đầu trở thành phố, nhiều người dân nơi đây chuyên sinh sống bằng nghề in lịch và làm hàng mã nên không ít người dân luôn hướng về đa thần, tin tưởng trong tự nhiên có thần linh cai quản, trong đó có Nữ thần chưởng quản Ngũ Hành, còn có tên gọi Ngũ Hành Tiên Nương. Nhìn lên cổng chính tam quan miếu Hy Hòa thấy 3 chữ nho “Ngũ Hành Môn”, hai bên có hai tiểu đối “Đông thành - Tây tựu”.
Các cặp đối ở trụ cổng: “Thắng cảnh lâu đài thiên cổ tú/ Thái bình thủy nguyệt vạn niên xuân” (Mỹ lệ lâu đài ngàn thuở đẹp/ Hòa bình trăng nước vạn năm xuân); “Thần nhân sớ xá y nam bắc/ Tiên nữ du cư tỳ cổ kim” (Thần nhân thờ tự nam như bắc. Tiên nữ độ trì xưa đến nay). Trên trụ tiền đường có câu đối: “Hiển hách anh linh châu thánh nữ/ Sáng soi đạo đức chính tiên nương”.
Gian giữa có tấm hoành phi ghi 4 chữ “Sắc ngũ vân tường”. Trên bàn thờ có 5 bài vị, gồm: Kim đức Tiên nương Thánh nữ thần vị; Mộc đức Tiên nương Thánh nữ thần vị; Thủy đức Tiên nương Thánh nữ thần vị; Hỏa đức Tiên nương Thánh nữ thần vị và Thổ đức Tiên nương Thánh nữ thần vị.
Bên cạnh việc bài trí 5 pho tượng nữ thần ra còn có một pho tượng lớn hơn ngồi phía hàng sau, đó là Thánh mẫu thiên Y A Na, đồng thời còn phối thờ thêm 2 bài vị khác là “Phụng vị vong tổ cô Dĩnh Xuyên quận Trần Thị chi vị thần”, tức là thờ phụng vong cô hồn bà tổ cô họ Trần, quận Dĩnh Xuyên và thờ “Phụng vị vong tổ cô Thái Thị Hồng nương lệnh nữ thần vị”, tức bài vị phụng thờ bà tổ cô Thái Thị Hồng lệnh nữ nhưng không có tượng.
Nhiều người ở gần miếu Hy Hòa cho biết giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, miếu Hy Hòa còn là một trường tư thục để dạy chữ nho. Thầy đồ dạy chữ tại đây hồi đó là ông Tư Cung, người ở ấp Trường Lệ.
Hằng ngày, ông Tư Cung thường khăn gói đến miếu vào buổi sáng để sắp xếp bút mực, sách vở, xong đâu đó ông ra chợ ăn cơm trưa rồi vào miếu ngủ một giấc no tròn đợi đến chiều mới dạy học. Trước năm 1975, miếu Hy Hòa được nhiều người Hội An gọi là miếu Ông Sáo, bởi do chiến tranh loạn lạc, năm 1968, bỗng có một người đàn ông tên Sáo dắt díu thê tử đến tá túc ngay trong miếu để tránh tên bay, đạn lạc. Gia đình ông Sáo cư trú ở khu đất phía sau miếu còn mảnh sân rộng phía trước vợ chồng ông dùng che chắn để bán cơm kiếm sống qua ngày.
Do tồn tại hàng trăm năm, miếu bị tàn phá hư hỏng nặng nề. Được sự hỗ trợ 20.000 USD từ nguồn kinh phí Quỹ Bảo tồn văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ cùng với ngân sách của UBND thành phố Hội An, gần 15 năm trước, miếu Hy Hòa được trùng tu. Miếu được tu sửa bằng các vật liệu truyền thống và bảo đảm tính trung thực theo hình trạng nguyên gốc.
Miếu Hy Hòa nằm giữa trung tâm quần thể di tích phố cổ Hội An, chìm nổi, thăng trầm với bao thời cuộc, luôn đồng hành, gắn bó với sự phát triển hưng thịnh của thương cảng Hội An. Ngày nay, miếu Hy Hòa là một trong những điểm mời gọi, níu chân du khách muôn nơi khi đến với Di sản Văn hóa thế giới phố cổ Hội An.
THÁI MỸ