Doãn Văn Xuân và câu chuyện đền thuyền

.

Sách Đại Nam thực lục triều Nguyễn phần Chính biên Đệ nhị kỷ chép sự việc năm 1834 thời vua Minh Mệnh có ghi việc cách chức và thay thế đối với các viên quan đứng đầu ở Quảng Yên - một tỉnh giáp giới hai mặt đất liền và biển với Trung Hoa thời ấy: “Hộ phủ Vũ Tuấn, Án sát Doãn Văn Xuân tỉnh Quảng Yên phải tội, bị miễn chức.

Dùng Bố chính Hải Dương là Trần Văn Tuân làm Bố chính Quảng Yên, tạm giữ ấn Tuần phủ; Đại lý tự Thiếu khanh là Vương Hữu Quang làm Án sát Quảng Yên”.

Trong bia “Lễ Dương huyện Khoa hoạn bi chí” (bia ghi danh những người đỗ đạt của huyện Lễ Dương), tên ông Doãn Văn Xuân ở đầu dòng 5, từ phải qua. Ảnh: NGUYỄN VĂN HÀ
Trong bia “Lễ Dương huyện Khoa hoạn bi chí” (bia ghi danh những người đỗ đạt của huyện Lễ Dương), tên ông Doãn Văn Xuân ở đầu dòng 5, từ phải qua. Ảnh: NGUYỄN VĂN HÀ

Liền sau đó là một đoạn khá dài giải thích việc cách chức các viên quan đầu tỉnh ấy như sau:
“Trước kia, Vũ Tuấn đến thay làm việc tỉnh, thấy thuyền công bẩn thỉu mục nát, bèn gửi thư cho nguyên Tuần phủ Lê Đạo Quảng đòi súng và ngựa. Quảng cho là dọa nạt làm tiền, bèn hặc tâu.

Vua sai Vương Hữu Quang đến nơi khám xét. Quang đến, xét thấy hơn 30 chiếc thuyền mọt nát, nhân đó tâu nói: “Lê Đạo Quảng  hủy hoại của công, Tuấn thì dụng tình che giấu, còn Doãn Văn Xuân thì không chịu phát giác. Vậy xin nghị tội cả ba”.

Vua dụ Nội các rằng: “Vũ Tuấn vốn là một chức quan nhỏ, được thăng chức lớn quá mau, thế mà không lo cố gắng báo đáp, trong sạch giữ mình, lại mượn việc công để mưu lợi riêng, giở ngón vẫy đuôi ăn xin như vậy, thực là không còn một chút tư cách quan tư, hành động giống như phường xáo chợ, há còn đáng nghiễm nhiên làm kẻ chăn dân một địa phương nữa!

Vậy lập tức cách chức, đòi về Kinh, giao Bộ Hình nghị tội. Doãn Văn Xuân, trước đồng sự với Lê Đạo Quảng, không biết bàn bạc với nhau làm việc, đã là không hết trách nhiệm rồi.

Về việc Vũ Tuấn đòi súng và ngựa, Xuân có dự biết, cũng điềm nhiên chẳng chịu can ngăn, thì sao thoát khỏi tội? Vậy cũng cách chức ngay. Lê Đạo Quảng ở Quảng Yên lâu ngày mà ngồi nhìn của công hư hỏng như thế, thực đáng làm tội, nhưng vì trước đó y đã được điều đi việc khác, nên trước hãy giáng 2 cấp, cho tự bỏ của riêng, sai người hội cùng Doãn Văn Xuân ra sức sửa chữa cho xong sớm, thì sẽ liệu cho khai phục; nếu không, sẽ trị tội nặng cũng chưa muộn.

Đến khi bản nghị án của Bộ Hình dâng lên, có xin khép Tuấn vào tội đồ. Vua đặc cách tha cho và sai phát vãng đi quân thứ Thái Nguyên gắng sức chuộc tội”.

Sau đó, trong đoạn chép việc của mùa thu năm Ất Mùi - 1835, sách ấy có ghi thêm chi tiết: “Cho viên bị cách là Doãn Văn Xuân được khởi phục làm Viên ngoại lang Bộ Lại. Xuân trước làm Án sát Quảng Yên, vì vụ án để thuyền công mọt nát, bị cách chức, bắt phải làm đền; đến đây, đền xong, lại được bổ dùng”.

Mấy đoạn trên được trích từ bản dịch bộ sử Đại Nam thực lục của Viện Sử học, được Nhà xuất bản Giáo Dục tái bản năm 2002 ở các trang 190 và 769. Nhân vật Doãn Văn Xuân được nhắc ở trên là người ở xã Quảng Phú, tổng Hưng Thịnh hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam (nay là phường An Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).

Doãn Văn Xuân đỗ Hương cống (học vị này sau đổi tên là Cử nhân) trong khoa thi năm Kỷ Mão mở vào năm Gia Long thứ 18 (1819). Tấm bia ghi danh những người đỗ đạt ở huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa xưa hiện còn lưu ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, cho biết ông là người đỗ cao sớm nhất ở huyện Lễ Dương của tỉnh Quảng Nam thời Nguyễn (Công vi bản huyện Hương cống thủy).

Tên ông cũng được chép trong sách Quốc triều Hương khóa lục – thi đỗ cùng khóa với các ông Lý Văn Phức (Hà Nội), Nguyễn Công Trứ (Hà Tĩnh), Trương Đăng Quế (Quảng Ngãi), Trương Minh Giảng (Gia Định) – tất cả đều là lớp khoa bảng hồi mở đầu của triều Nguyễn; nhiều vị có đóng góp lớn trong nhiều mặt quân sự, hành chính, mở đất và sáng tác văn chương.

Trang sách Đại Nam nhất thống chí chữ Nho chép về ông Doãn Văn Xuân (từ giữa dòng 2 đến giữa dòng 7,  từ phải qua). Ảnh: P.B
Trang sách Đại Nam nhất thống chí chữ Nho chép về ông Doãn Văn Xuân (từ giữa dòng 2 đến giữa dòng 7, từ phải qua). Ảnh: P.B

Không chỉ là người có vinh dự đỗ đạt cao đầu tiên ở địa phương, Doãn Văn Xuân còn là người đầu tiên của Nam Quảng Nam được mời vào dạy học trong cung vua Nguyễn. Ở cương vị giúp các hoàng tử đọc sách kiêm việc giúp đỡ cho các “ông con vua” trong việc ứng xử (mà sử ghi là “Hộ vệ”), ông được sử nhà Nguyễn ghi là người “có học hạnh thuần cẩn”.

Ông là một trong những quan văn đầu tiên của Quảng Nam được bổ ra làm việc ở biên giới phía Bắc với cương vị là người thi hành pháp luật. (Sau ông, có ông Trần Hưng Nhượng – người vùng Tam Kỳ, Quảng Nam, từng là thầy dạy học của vua Tự Đức – cũng được bổ làm nhiệm vụ tương tự ở vùng Lạng Sơn - Cao Bằng).

Ông Xuân cũng là một trong những quan văn Quảng Nam đầu tiên được cử trấn nhậm ở vùng Trấn Tây thành - một vùng biên giới khá rộng giáp với Campuchia ngày nay vào thời vua Minh Mệnh (năm 1835). Sau đó, ông được điều về giữ chức Án sát sứ tỉnh Định Tường rồi mất lúc đương chức tại nhiệm sở (tháng 11 năm 1836).

Người vùng Nam Quảng Nam ghi nhận ông Xuân là văn quan đầu tiên của địa phương qua đời lúc còn đương chức tại nhiệm sở ở Nam Kỳ.

Ghi chép của sử triều Nguyễn về ông Xuân rất ít; ngoại trừ một số chi tiết ghi trong sách Đại Nam thực lục đã trích dẫn trên, sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn do ông Phạm Trọng Điềm thuộc Viện Sử học dịch (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1970) ghi như sau:

“Doãn Văn Xuân: người huyện Hà Đông, đỗ hương tiến năm Gia Long thứ 18, năm Minh Mệnh thứ 2 bổ Hàn lâm viện tu soạn sung chức Thị độc của hoàng tử, rồi chức Tán thiện, rồi sung Lang trung Bộ Lễ; từng làm Án sát sứ Bắc Ninh và Quảng Yên, phải tội mất chức, sau được khi phục bổ Lang trung đạo Lương trừ Trấn tây, ít lâu đổi chức Án sát sứ Định Tường rồi chết. Năm Thiệu Trị thứ 3 truy tặng tả thị lang Bộ Lễ” (trang 344).

Tuy nhiên, bản chữ Nho của Đại Nam nhất thống chí ký hiệu 8975/25-9-62/V(53).1 hiện còn lưu tại Thư viện Khoa học TP. Hồ Chí Minh ghi Doãn Văn Xuân làm Án sát sứ tỉnh Gia Định; so với bản dịch của ông Phạm Trọng Điềm, bản chữ Nho nay còn có thêm câu “Xuân vi nhân thuần cẩn, dữ vật vô cạnh, nhân phục kỳ lượng” (ông Xuân sống cẩn trọng, hiền lương, không hề biết bon chen tranh cạnh; tấm lòng và tư cách của ông được mọi người mến phục).

Theo lời kể còn truyền tại địa phương, việc đưa thi hài ông từ Nam Kỳ về an táng tại quê nhà Quảng Nam – trong điều kiện đường sá cách trở thuở ấy – rất là gian nan. Gia đình ông lại rất nghèo. Bao năm làm quan thanh liêm lại vướng vào chuyện “đền thuyền công”, phải chăng đó là lý do mộ ông chỉ là ngôi mộ đất, hiện vẫn còn nguyên tại quê ông – phường An Phú, thành phố Tam Kỳ?

PHÚ BÌNH

;
.
.
.
.
.
.