Trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, học trò nghèo Quảng Nam trên đất cố đô có thể học tốt và phát triển con đường học vấn nhờ vào lòng tốt của một chủ sự Bưu điện Huế gốc người xứ Quảng.
Lúc bấy giờ, ở làng Phụng Tây, nay thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, có cậu học trò Trịnh Thống (sinh năm 1905) nổi tiếng học giỏi, từng được nhận học bổng từ bậc Tiểu học ở Hội An, rồi Trung học ở Quốc học Huế và trường Bưởi ở Hà Nội.
Năm 1924, xấp xỉ tuổi 20, ông là người trong số ít người Quảng Nam thi đỗ tú tài Đông Pháp, khi triều Nguyễn bãi bỏ chế độ thi Hán văn.
Khi Trịnh Thống đăng khoa từ Hà Nội trở về, tỉnh Quảng Nam và phủ Duy Xuyên đã làm lễ đón rước long trọng, đưa ông vào yết cáo ở Văn thánh huyện Duy Xuyên (Văn thánh nay đã được công nhận di tích cấp tỉnh), xong rước về đình làng Phụng Tây là nơi sinh quán, dân làng mở hội mừng suốt 3 ngày 3 đêm.
Nhân dịp này, tiến sĩ Hồ Trung Lượng đã mừng tặng câu đối: Tây thiên tú khí kim y tích/ Đông Pháp tài danh bán phục toàn. (Tạm dịch: Ở làng Phụng Tây khí tốt tích tụ từ xưa cũng như nay. Có người giỏi đậu tú tài Đông Pháp bán phần rồi toàn phần).
Sau đó, ông được bổ nhiệm vào làm tham tá cho Tòa Khâm Huế. Được 4 tháng, nhận thấy đây là công việc không hợp, ông tiếp tục thi và học vào các trường Tham tá Bưu điện, rồi Kiểm sát viên Bưu điện, cả hai trường ông đều đỗ thủ khoa. Đến năm 1944, ông được thay thế người Pháp làm chủ sự Bưu điện Huế cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám nổ ra.
Từ khi bắt đầu làm việc ở Huế, ông Trịnh Thống nghĩ lại quãng đời đã qua của mình, là con nhà nghèo, phải tự vượt qua số phận, lo toan để kiếm tiền ăn học, thật lắm gian nan, nên ông đã tìm những người tâm huyết cùng lập nên Hội đồng châu Quảng Nam (nay gọi là Đồng hương), bỏ tiền ra mua đất làm Nghĩa trang Quảng Nam ở Huế, nay vẫn còn.
Thời gian ông ở Huế, một trong những nghĩa cử cao đẹp, một việc làm có ý nghĩa nhân văn cho đến nay người đời vẫn còn ca tụng, khâm phục là việc ông đã cho tu sửa lại ngôi nhà bỏ hoang, sụp nát thành khu ký túc xá để cho sĩ tử nhà nghèo đất Quảng có chỗ ăn ở học hành mà không phải tốn tiền thuê nhà trọ.
Dù rất bận rộn nơi công sở, nhưng hằng tuần, hằng tháng ông vẫn dành thời gian đến thăm ký túc xá để kiểm tra, đôn đốc việc ăn ở, học hành của các sĩ tử. Nhờ có kỷ luật chặt chẽ nên ký túc xá sớm đi vào quy củ, ổn định, tạo điều kiện để cho học sinh yên tâm dốc toàn lực cho việc học hành. Với những trường hợp học sinh gặp khó khăn hay trở ngại thì đã có ông với Hội đồng châu Quảng Nam giúp đỡ.
Việc làm đó của ông Trịnh Thống cũng chính là cách khuyến học, khuyến tài thiết thực nhất, tạo điều kiện cho nhiều học sinh là con em nghèo Quảng Nam được theo học trên đất Huế thời bấy giờ.
Khi nổ ra Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia kháng chiến với tất cả lòng nhiệt thành.
Tháng 8 năm 1945, ông lãnh đạo toàn ngành Bưu điện Huế bảo đảm khâu tổ chức cán bộ, bảo vệ an toàn các thiết bị và tài sản Bưu điện, bàn giao cho chính quyền cách mạng đầy đủ. Ông đã trực tiếp chỉ huy việc nhận bức thư của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuyển cho Đổng lý Ngự tiền văn phòng Bảo Đại, vận động nhà vua thoái vị.
Chân dung ông Trịnh Thống (ảnh dưới) và nhà thờ tộc Trịnh làng Phụng Tây quê ông. Ảnh: N.T.T |
Năm 1947, khi giặc Pháp đánh chiếm Huế, ông cùng cơ quan sơ tán ra Bắc và giữ chức giám đốc Sở Bưu điện Liên khu IV. Ông đã xây dựng mạng lưới Bưu điện thông suốt từ chiến khu Bắc Quảng Bình nối liền Liên khu III và Liên khu V, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời vào chiến trường miền Nam. Ông mất ngày 3-12-1947, hưởng dương 42 tuổi, tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2000, ông được Nhà nước công nhận liệt sĩ, truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất.
Tri thức, viên chức chế độ cũ đi theo cách mạng như ông có nhiều người, nhưng vừa hiếu học, vừa biết làm khuyến học, khuyến tài như ông Trịnh Thống không nhiều, tiếc là ông không có điều kiện để phục vụ nhân dân lâu dài như sở nguyện của ông.
Ngày nay, tên gọi “ký túc xá” ta nghe nhiều thành quen tai, ngoài một số ký túc xá của nhà trường, còn hầu hết nhà trọ dành cho học sinh, sinh viên đều mang mục đích kinh doanh. Vậy mà, đương thời khi nếp nghĩ và điều kiện xã hội còn trong khuôn khổ, khó khăn nhưng ông Trịnh Thống đã làm được một việc mà ít ai có thể làm được, một ý tưởng lớn, một sự canh tân tức thời tất cả đều hướng về quê hương. Thật đáng tôn vinh!
Kể lại chuyện xưa theo tài liệu của gia đình để lại, ông Trịnh Sơn Hải, nguyên Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), một hậu duệ của ông Trịnh Thống, mong rằng ngày càng có nhiều cá nhân, tập thể noi gương người xưa, dang rộng đôi tay, bằng nhiều hình thức khuyến học, khuyến tài khác nhau nhằm nuôi dưỡng nhân tài, phát huy truyền thống hiếu học của Duy Xuyên nói riêng, đất Quảng nói chung.
Nguyễn Thị Tuyết