Núi Cấm nhiều thứ... cấm

.

Làng Quảng Phú xưa, nay thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Tam Phú và phường An Phú (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), có một ngọn núi tên là núi Cấm gợi lên bao sự tò mò, kỳ bí. Vì sao gọi là núi Cấm và cấm kỵ vì điều gì?

Ảnh: A.T
Toàn cảnh khu Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên núi Cấm. Ảnh: A.T

Núi Cấm xưa kia thuộc làng Quảng Phú, tổng Hưng Thịnh Hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình. Theo những cụ cao niên người địa phương, làng Quảng Phú xưa có 4 đồi đất đỏ được gọi tên núi Cấm, núi Một, núi Ba Ty và núi Chùa; trong đó núi Cấm lớn nhất.

Theo truyền thuyết dân gian, từ thời xa xưa, núi Cấm là nơi hiểm trở, núi rừng âm u, nhiều thú dữ nên các quan chức địa phương ngăn cấm người lên núi săn bắn, hái lượm. Người dân cũng vì thế mà không dám lai vãng lên núi và dựng bảng cấm lên núi ngay dưới chân núi - nên từ đó người dân trong vùng gọi núi là núi Cấm. Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả núi Cấm: “Tại huyện đông nam; sơn mạch tòng An Hà sơn nhi lai, liên khởi lục phong quảng ngũ lý hứa. Quảng Phú xã nhân biểu trung nhất phong vi lâm cấm; thụ mộc tùng mậu” (Nằm về phía đông nam huyện Hà Đông; mạch núi chạy từ núi An Hà đến, gồm 6 ngọn liền một dãy dài quãng hơn 5 lý. Người dân xã Quảng Phú dựng bảng “rừng cấm” nơi ngọn núi chính giữa. Cây cối ở đây rất tươi tốt, rậm rạp).

Theo những vị cao niên tại khu vực quanh núi Cấm, nguyên trong bản đồ cũ của Pháp vẽ trước đây, họ chú thích đây là núi Cam có lẽ do dùng từ “Cấm” không có dấu. Anh Đỗ Tuấn Minh (54 tuổi, nhà ở gần núi Cấm) cho biết: “Do núi Cấm không quá cao nên gọi là quả đồi thì đúng hơn. Hồi nhỏ, tôi từng thả trâu bò quanh chân núi và hay lên núi chơi. Cha tôi kể lại rằng, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, địch từng đóng quân ở trên đỉnh núi và để bảo vệ căn cứ, địch cấm người dân lai vãng xung quanh”.

Lần theo thông tin này, cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Tam Thanh, xã Tam Phú, phường An Phú (1930-1975) trang 167 đề cập chi tiết: Đầu năm 1964, địch lập chi khu quân sự trên đỉnh núi Cấm, lập trận địa pháo để khống chế khu vực phía đông Tam Kỳ. Ngày 13-12-1966, các đơn vị bộ đội địa phương bất ngờ tấn công núi Cấm đánh thiệt hại tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 6, Sư đoàn 2 của chế độ Sài Gòn đóng căn cứ tại đây. Trận tấn công này làm địch hoang mang, run sợ. Sau đó, ta tổ chức thêm nhiều trận tập kích tiêu diệt sinh lực và phá hủy căn cứ địch tại núi Cấm nên chúng đành rút đi... Sau ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, phát hiện trên núi còn nhiều đạn, mìn rải rác khắp nơi, chính quyền địa phương không cho dân làng lên chặt cây, đốn củi.

Toàn cảnh khu Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên núi Cấm (ảnh trên) và miếu thờ bà Phú Sơn trong khuôn viên tượng đài. Ảnh: A.T
Miếu thờ bà Phú Sơn trong khuôn viên tượng đài. Ảnh: A.T

Những năm 1985-1986, núi Cấm trở nên nổi tiếng trong giới phu vàng tứ xứ khi rộ lên thông tin trên núi có vàng. Ngày đó, dân đào vàng từ mọi miền đổ xô về núi Cấm tìm vận may ngày một đông, gây cảnh bát nháo, ô nhiễm môi trường và có nhiều cái chết thương tâm xảy ra do sập hầm. Các cơ quan chức năng của thị xã Tam Kỳ lúc bấy giờ mở những đợt truy quét, đẩy đuổi, cấm người dân và phu vàng khai thác vàng trái phép tại núi Cấm. Nạn đào đãi vàng trái phép tạm lắng xuống một thời gian dài nhưng đến mùa hè năm 2006 lại rục rịch rộ lên làm chính quyền địa phương phường An Phú và thành phố Tam Kỳ phải tổ chức nhiều đợt truy quét, đẩy đuổi...

Mãi đến năm 2009, khi dự án xây dựng Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Nam tại núi Cấm được phê duyệt, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, nạn đào đãi vàng trái phép ở khu vực này mới chấm dứt. Lực lượng quân đội được huy động đến núi Cấm rà phá bom mìn và san lấp các hầm vàng trước đây để san ủi xây dựng công trình. Qua gần 7 năm thi công, đến tháng 3-2015, công trình quần thể Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng nằm trên đỉnh núi Cấm chính thức được hoàn thành.

Từ khi có Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, núi Cấm được bao phủ bởi một rừng cây nhiều chủng loại tươi tốt quanh năm và là nơi không thể không ghé đến của khách thập phương khi đến thành phố Tam Kỳ. Từ một ngọn núi gắn với những điều cấm như cấm lên núi vì hiểm trở, âm u, nhiều thú dữ; cấm lên núi do địch đóng đồn; cấm lên núi do bom mìn chiến tranh còn sót lại; cấm lên núi khai thác vàng trái phép...,  ngày nay hàng trăm lượt người hằng ngày đến đây tham quan, chiêm bái, tưởng niệm, tri ân những đóng góp, cống hiến, hy sinh của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Hiện nay, trong khuôn viên rộng 24,5 hecta của quần thể Tượng đài tại khu vực núi Cấm có hai miếu thờ; trong đó có một ngôi miếu đã có từ rất lâu nằm dưới những tán cây âm u, rậm rạp phía sau Tượng đài. Những vị cao niên hay lui tới ngôi miếu này hương khói cho biết, miếu thờ bà Phú Sơn - vị Thành hoàng của khu vực này; đồng thời thờ những vị tổ tiên, tiền hiền - những người đầu tiên đến khu vực này khai cơ, lập nên làng xã và cũng là nơi thờ tự những người bỏ mạng trên núi Cấm vì những lý do khác nhau. Ngôi miếu còn lại được gọi là miếu Bà Chúa Tiên mà không rõ nguồn gốc. Ngôi miếu này đã được tu sửa khang trang, nằm sát ngay bên con đường nội bộ phía bên tay trái của Tượng đài và thường xuyên được người dân hương khói mỗi dịp Rằm, mồng Một...

AN TRƯỜNG

 

;
;
.
.
.
.
.