Nhân vật thứ tư trong "An Nam tứ đại phú"

.

* Dân gian có câu “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” để nói về 4 người giàu nhất Việt Nam thời trước. Tuy nhiên, ở vị trí thứ tư, có người cho rằng không phải “tứ Định” mà là một người khác. Quý báo có thể thông tin rõ hơn về chuyện này? (Trần Thanh Nam, Hải Châu, Đà Nẵng).

Kinh doanh vì tinh thần dân tộc, Bạch Thái Bưởi được mệnh danh là “Ông vua tàu thủy Bắc Kỳ” và là nhà tư sản dân tộc tiêu biểu của thế kỷ XX. Nguồn: Internet
Kinh doanh vì tinh thần dân tộc, Bạch Thái Bưởi được mệnh danh là “Ông vua tàu thủy Bắc Kỳ” và là nhà tư sản dân tộc tiêu biểu của thế kỷ XX. Nguồn: Internet

- 4 nhà tư sản giàu nhất Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX (Tứ đại phú hộ hay An Nam tứ đại phú) gồm: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Theo bài viết “Tứ đại phú hộ giàu nhất Sài Gòn xưa” đăng trên trang www.htv.com.vn ngày 16-9-2019:

“Nhất Sỹ” tức Huyện Sỹ, tên thật là Lê Phát Đạt (1841-1900), còn có tên gọi là Sỹ, được Pháp phong Huyện hàm, nên còn được gọi là Huyện Sỹ. Ông dẫn đầu về độ giàu có ở Việt Nam thời kỳ này, ông là ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu.

“Nhì Phương” là Đỗ Hữu Phương (1844-1914), do được Pháp phong Tổng đốc hàm nên còn gọi là Tổng đốc Phương. Ông là một trong những người đề xướng và đã bỏ tiền ra xây Trường Collège de Jeunes filles Indigènes vào năm 1915, tức Trường Nữ Trung học Sài Gòn, mà người dân thường gọi là Trường Áo Tím.

“Tam Xường” là Lý Tường Quan, còn có tên gọi là Xường, do tài sản cự phú nên dân gian còn gọi là Bá hộ Xường, hay Hộ Xường. Ông trở nên giàu có nhờ kinh doanh lương thực dịch vụ, thầu cung cấp vật dụng thức ăn, độc quyền cung cấp thịt cá cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận.

“Tứ Định” là Trần Hữu Định, làm giàu bằng nghề mở tiệm cầm đồ, kinh doanh đất đai, xuất nhập vải sợi. Khi ông chết, con cháu không biết giữ của đã tiêu xài và xóa sạch vết tích của nhà cự phú này.

Tuy nhiên, trong “Tứ đại phú hộ”, ngoài “tứ Định” ra, còn có 3 nhân vật khác cũng được xếp vào vị trí thứ tư.

“Tứ Hỏa” tên thật là Hui Bon Hoa (1845-1901) hay Huỳnh Văn Hoa, Jean Baptiste Hui Bon Hoa, dân gian thường gọi là Chú Hỏa. Ông là người Việt gốc Hoa, theo đạo Công giáo. Ông thành lập công ty bất động sản Hui Bon Hoa, có lúc sở hữu trên 20.000 căn nhà ở Sài Gòn, đồng thời xây dựng rất nhiều công trình có giá trị lớn ở vùng Sài Gòn-Gia Định vẫn còn tồn tại đến ngày nay: Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, Khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm Cấp cứu Sài Gòn,... Các công trình này đóng góp một vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ mặt thành phố Sài Gòn. Ông có người con gái không may chết sớm khi đang xuân xanh, để lại trong dân gian những câu chuyện ma quái xuất hiện trong nhà của Hui Bon Hoa. Câu “Con ma nhà họ Hứa” xuất phát từ gia đình này.

“Tứ Trạch” là Trần Trinh Trạch (1872-1942). Ông xuất thân nhà nghèo, do được mướn đi học thay cho con của một điền chủ nhập tịch Pháp, có vốn chữ nghĩa tiếng Pháp, về sau đi làm viên chức cho tòa bố (tòa hành chánh) tỉnh Bạc Liêu. Cũng nhờ vốn kiến thức về luật pháp mà ông giàu lên nhanh chóng nhờ thu mua tài sản điền địa của các địa chủ thất vận. Ông được xem là một trong những đồng sáng lập Ngân hàng Việt Nam - ngân hàng đầu tiên do chính người Việt Nam sáng lập và điều hành, trụ sở đặt tại Sài Gòn (1927). Ông có người con trai thứ ba tên là Trần Trinh Huy, nổi tiếng với danh xưng “Công tử Bạc Liêu”.

“Tứ Bưởi” là Đỗ Thái Bưởi (1874-1932), trong số các đại phú nói trên, ông là người duy nhất sống ở miền Bắc (tỉnh Hà Đông, nay là Hà Nội). Do làm con nuôi trong một người nhà giàu họ Bạch nên ông còn có tên là Bạch Thái Bưởi. Ông nổi danh khi cạnh tranh với người Pháp và người Hoa trong các lĩnh vực vận tải thủy, khai thác mỏ và xuất bản với các công ty Giang Hải Luân thuyền Bạch Thái Bưởi công ty, Công ty in và Xuất bản Bạch Thái Bưởi (sau là Đông Kinh ấn quán). Ông được xem là nhà tư sản dân tộc tiêu biểu của thế kỷ XX.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.