* Bài Từ đèo Hải Vân đến sông An Cựu - Huế năm 1876 đăng ở trang 148 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (149)-2018 (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế) có đoạn: “Trạm Thừa Hóa ở xã Cao Đôi (Cầu Hai) huyện Phú Lộc, đầu triều Gia Long gọi là trạm Cao Đôi”. Xin cho hỏi Cao Đôi có phải là tên xưa của Cầu Hai? (Trần Hoàng, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
Đầm Cầu Hai. (Ảnh: Báo Thừa Thiên - Huế) |
- Địa danh Cao Đôi đã được chép trong sách Ô châu cận lục do Dương Văn An biên soạn năm 1553 và sửa chữa năm 1555, là một trong 67 làng thuộc huyện Tư Vinh, phủ Triệu Phong (nay là huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 28-2-2006 thông tin: “Nguyên địa danh này là Cao Đôi. Cao Đôi là núi “ở phía nam huyện Phú Lộc, thế núi liên tiếp cao dốc”. Ở phía tây lại có núi Ứng Đôi, là ngọn núi cao nhất của kinh kỳ (Đại Nam nhất thống chí). Người địa phương gọi hai ngọn núi này là núi Ông, núi Bà. Sau này, vì kiêng tên Hiếu Triết Hoàng hậu, vợ của chúa Nguyễn Phúc Tần (Thái tông Hiếu Triết) là Tống Thị Đôi (quê huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, con của Quận công Tống Phúc Khang) nên Cao Đôi được gọi là Cao Hai. Theo thời gian, địa danh Cao Hai bị gọi chệch thành Cầu Hai”.
Cầu Hai giờ là thị trấn. Nơi đây có tỉnh lộ 593 dẫn lên núi Bạch Mã, một địa điểm nghỉ mát, an dưỡng nổi tiếng. Câu ca xưa “Xe lên Bạch Mã/ Xe về Cầu Hai/ Gặp nhau tại chốn Mục Bài”..., trong đó Mục Bài là tên một khe nước ở vùng núi Cầu Hai, mùa mùa hè vẫn cho nguồn nước mát lạnh, đây từng là nơi gặp gỡ của dân địa phương và khách lên Bạch Mã.
Cùng với đó, Cầu Hai còn nổi tiếng với vẻ đẹp quyến rũ của đầm Cầu Hai - khu đầm lớn nhất trong hệ thống đầm của phá Tam Giang, chu vi lên đến hơn 100km. Theo trang dulich.baothuathienhue.vn, đầm Cầu Hai kết hợp với phá Tam Giang trở thành hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á. Xét về môi trường, yếu tố tự nhiên và tiềm năng phát triển du lịch, đầm Cầu Hai chẳng thua kém phá Tam Giang, thậm chí còn được đánh giá cao hơn về cảnh quan thiên nhiên.
Không ít khách đến nơi này để lên núi Bạch Mã hay xuống đầm Cầu Hai đều có chung thắc mắc sao không thấy cây cầu nào mà gọi đây là Cầu Hai. Cách giải thích “hai cái cầu xe hơi và xe lửa chạy song song” như dẫn ở trên chỉ là cách nói dân gian. Cách “biến tấu” ngôn ngữ từ Cao Đôi thành Cầu Hai đã mang lại cho du khách thêm thông tin thú vị khi đến tham quan vùng đất giữa một bên núi non một bên đầm phá này.
ĐNCT