Vải thao hay vải thô?

.

* Được biết, làng dệt Mã Châu, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Duyên (tỉnh Quảng Nam) có một sản phẩm gọi là “thao” nhưng tôi tra từ điển không thấy có từ “thao” này. Xin cho hỏi, phát âm theo giọng Quảng Nam, đây có phải là loại vải “thô” nghĩa là sơ sài, không được tinh xảo? (Phan Thế Tập, quận Hải Châu, Đà Nẵng)

Phụ nữ Hà Nội đầu thế kỷ XX đội nón quai thao. (Ảnh tư liệu)
Phụ nữ Hà Nội đầu thế kỷ XX đội nón quai thao. (Ảnh tư liệu)

- Nhiều từ điển tiếng Việt có mục từ “thao”, như Từ điển tiếng Việt (tra trực tuyến tại tratu.coviet.vn) giảng thao (danh từ) với 3 nét nghĩa: (1) tơ thô, không sạch gút; (2) tua kết bằng tơ; (3) hàng dệt bằng thao.
Thao đi vào khá nhiều ca dao. Từ ngày tôi ở cùng cha,/ Cái nón chín rưỡi, thao ba mươi đồng./ Đến khi tôi về cùng chồng, Cái nón sáu đồng mà buộc quai mo. Ở đây, thao là cách nói tắt từ “quai thao” và mang nét nghĩa 2 nói trên, tua kết bằng tơ. Khi chưa “xuất giá”, cô gái đội cái nón chưa tới mười đồng nhưng cái quai thao có giá gấp ba. Phải chăng xuất phát từ cái việc làm cho cả nón lẫn người đội nón trở nên xinh đẹp hơn mà quai thao cao giá đến vậy: Ai làm chiếc nón quai thao/ Để cho anh thấy cô nào cũng xinh.

Về nguồn gốc của nghề dệt thao (để làm tua cho chiếc nón quai thao), báo điện tử VOV (vov.vn) trong bài Nón quai thao - món trang sức làm nên nét duyên người quan họ cho biết: “Chưa ai xác định được chiếc nón quai thao ra đời từ lúc nào, song tương truyền rằng nón xuất hiện ở Hải Dương vào đời Trần (thế kỷ XVIII), được gọi tên là nón thượng.

Qua đời Lê, nón được thêm quai thao - bộ phận không thể thiếu của chiếc nón, nó chẳng những làm cho nón cân bằng, vững chãi, mà còn làm cho người phụ nữ thêm duyên dáng, thướt tha… Quai thao làm bằng loại tơ đặc biệt, dùng bền, lại vừa có giá trị thẩm mỹ cao. Dân gian truyền tai nhau có viên quan trong triều, ông Vũ Đức Úy, trong khi được cử làm Phó sứ sang Trung Quốc, bỏ công học nghề thủ công, dệt thao rồi về nước truyền nghề dệt, nghề dùng sợi tơ làm dây đàn, quai thao cho nón, tạo nên chiếc nón quai thao hoàn hảo”.

Quai thao còn gọi quai tua, dùng để giữ nón quai thao. Một bộ quai thao gồm từ hai đến ba sợi thao (dệt từ sợi tơ) bện lại với nhau, gọi là quai kép, thả võng đến thắt lưng. Khi đội phải lấy tay giữ quai ở trước ngực để tiện điều chỉnh nón. Về mặt thẩm mỹ, quai thao giúp người phụ nữ thêm phần nữ tính, dịu dàng, mềm mại.

Ở Quảng Nam, làng dệt Mã Châu nổi tiếng với các loại tơ, lụa, đũi, vải, thao…, được chép vào sách Đại Nam nhất thống chí, mục Thổ sản: “Lụa - sản ở xã Thăng Bình, huyện Diên Phước thì chất dày, sản ở Mã Châu, huyện Duy Xuyên thì chất mỏng”.

Nếu lụa có mình mỏng và mịn thì thao là một loại vải có sợi thô và to, mặt vải còn chưa sạch gút (mối vải). Tuy một bên “quý tộc”, một bên dân dã nhưng cả hai đều có chung “xuất thân” từ dâu tằm như câu ca xưa: Chê thao, mặc lụa, cũng tằm/ Chê dép mang giày cũng gặp da trâu.

Nhà văn - nhà báo Hồ Duy Lệ (người Duy Xuyên), trong bút ký Ba tôi có đoạn nói về nghề dệt quê ông: “Dệt lụa rồi mang lụa đi bán là cái nghề mà ba tôi và mấy chú ở Mã Châu rất rành. Mang trên vai chừng vài cây lụa, mươi mét vải thao đi tận hang cùng ngõ hẻm, ai mua thì bán”.

Tuy hầu hết người Quảng Nam phát âm không phân biệt giữa “thao” và “thô” nhưng sản phẩn từ làng dệt Mã Châu này phải được viết là “thao”.

ĐNCT

 

;
;
.
.
.
.
.