Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng

.

1. Cách đây 78 năm, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền trong hành trình hiện thực hóa “Đường Cách mạng” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chỉ lối. Qua mỗi chặng đường, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị cụ thể, Đảng ta luôn chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn để khẳng định vai trò “nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

Đặc biệt, từ khi khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới (1986), Đảng ta đã nhận thức ngày càng rõ ràng, sâu sắc hơn vị trí, tầm quan trọng của củng cố, xây dựng bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Điều đó không chỉ thể hiện trong chất lượng hoạch định quyết sách liên quan đến hoàn thiện thể chế chính trị, thể chế Nhà nước, mà còn sáng tạo và hiệu quả hơn trong thực thi phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước nói riêng và toàn bộ hệ thống chính trị nói chung.

Thành phố Đà Nẵng bên sông Hàn. Ảnh: KIM LIÊN
Thành phố Đà Nẵng bên sông Hàn. Ảnh: KIM LIÊN

Các cơ quan lãnh đạo của Đảng nêu cao vai trò lãnh đạo, quyết định những vấn đề trọng yếu, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất, khắc phục dần tình trạng ôm đồm, bao biện, hoặc buông lỏng; cải tiến lề lối làm việc, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm cá nhân, củng cố, phát huy các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, góp phần từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức Nhà nước; phân công, phối hợp giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, coi trọng kiểm soát quyền lực Nhà nước; giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân… Nhờ đó thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời kỳ mới, sự phong phú về quy mô, tốc độ và chiều sâu của công cuộc phát triển đất nước đòi hỏi Đảng ta “phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Trong đó, “tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”, bảo đảm vừa nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và người đứng đầu các cấp; khắc phục khuynh hướng buông lỏng lãnh đạo hoặc bao biện làm thay; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

2. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đất nước, có thể phân tích từ nhiều chiều cạnh, bao hàm nhiều nội dung.Từ góc độ xây dựng Đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền, phải chăng cần tập trung vào các giải pháp sau.

Thứ nhất, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của toàn Đảng về hệ các quan điểm đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải xuất phát từ chủ trương “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới” mà nghị quyết các kỳ đại hội của Đảng đã đề ra. Nội dung cơ bản là xác định đúng, phân định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa Đảng với các tổ chức quyền lực khác trong hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Gắn việc xây dựng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với việc tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng phải phải gắn liền với với việc nâng cao trình độ trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hành dân chủ trong Đảng và dân chủ hóa trong đời sống xã hội. Hệ thống tổ chức Đảng, bản lĩnh, trình độ và phong cách lãnh đạo của người đứng đầu cấp ủy có ảnh hưởng quan trọng đến phương pháp lãnh đạo, lề lối và phong cách làm việc của cấp ủy và tổ chức Đảng. Vì thế, cùng với việc bảo đảm tuyển chọn được những thủ lĩnh chính trị đúng tầm, có tâm, cần kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm, chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo thành quy chế, quy trình công tác cho mọi vị trí công việc, loại hình hoạt động trong bộ máy.

Đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng phải đặt trong mối liên hệ của sự phát triển khoa học lãnh đạo, quản lý và điều kiện, phương tiện kỹ thuật phục vụ sự lãnh đạo. Lấy hiệu quả của việc tổ chức thực hiện đường lối chính trị, sự trưởng thành toàn diện của Đảng, của hệ thống chính trị, trình độ phát triển dân chủ của xã hội, mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân làm thước đo quyết định sự thành công của việc đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, thực hành đồng bộ nguyên tắc Đảng cầm quyền với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, không ngừng hoàn thiện cơ chế vận hành hệ thống chính trị, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước và chịu trách nhiệm về mọi thành công hay thiếu sót trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự lãnh đạo của Đảng nhằm tới mục tiêu bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.

Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước là điều kiện để Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Đảng không buông lỏng sự lãnh đạo, nhưng cũng không đứng trên Nhà nước; thực thi chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo ấy trong khuôn khổ luật định. Đảng lãnh đạo các lĩnh vực của đời sống xã hội chủ yếu thông qua việc phát huy hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy hiệu lực quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân về bản chất là thống nhất.

Mấu chốt là phải phân định rõ chức năng của Đảng, của Nhà nước và của các tổ chức đoàn thể; xây dựng và hoàn thiện cơ chế thực hiện dân chủ; ngăn ngừa, khắc phục sai lầm, hết sức chăm lo thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, phát huy mạnh mẽ trí tuệ, nghị lực và năng lực sáng tạo to lớn của nhân dân.

Một trong những vấn đề cốt yếu trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là xây dựng phương pháp, cách thức quản lý Nhà nước bằng pháp luật, tuân thủ luật pháp, nêu cao vai trò của pháp chế, yêu cầu mọi tổ chức, mọi công dân đều tôn trọng và tuân thủ pháp luật, phục vụ và bảo vệ tốt nhất lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Cần đặc biệt lưu ý rằng, ngày nay, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ lần thứ tư, nền kinh tế thế giới đã có sự thay đổi căn bản ở tầng sâu sản xuất vật chất, kéo theo sự thay đổi kết cấu kinh tế, cơ cấu xã hội; cùng với đó kinh tế thị trường càng phát triển gắn với toàn cầu hóa, sự xuất hiện đa chủ thể và đề cao sự hợp tác giữa các chủ thể, cả công và tư, cả trong nước và quốc tế tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng, tập thể.

Vì thế mô hình, phương thức quản lý phải thay đổi theo hướng là một thành tố đóng vai trò cụ thể hóa tầm nhìn, định hướng phát triển, kiến tạo thể chế cho sự phát triển; là tạo ra luật chơi, sân chơi và chuẩn bị điều kiện cho cả người chơi phù hợp trong hành trình phát triển quốc gia; chia sẻ, tham gia giải quyết các vấn đề an ninh, giữ gìn hòa bình thế giới.

Theo đó ở Việt Nam, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa  phải tạo lập và từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế để người dân có thể giám sát chính quyền thông qua việc tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản trị quốc gia, quản trị địa phương, bảo đảm vừa thống nhất, vừa phát huy tính chủ động, linh hoạt của mọi cấp độ chủ thể; đó là bộ máy tinh gọn - Chính phủ số, hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; bảo đảm hiệu lực quản lý công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Thứ ba, tập trung giải quyết mối quan hệ giữa phát triển xã hội với việc mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân. Chủ nghĩa xã hội là một xã hội trong đó tạo lập những điều kiện cần thiết để nhận thức và giải quyết hài hòa các mối quan hệ: tự nhiên và xã hội; cá nhân và cộng đồng - nhóm; là sự thể hiện cách ứng xử có lý, có tình trong các mối quan hệ giữa con người với con người ở nhiều cấp độ...

Một thể chế thúc đẩy sự phát triển cùng cơ chế phân bổ giá trị hợp lý sẽ góp phần giải quyết hài hòa nhu cầu, lợi ích cá nhân và nhu cầu, lợi ích cộng đồng. Mỗi một cá nhân hoàn thiện, từ góc độ này phải là những con người nhận thức và tự điều tiết để bảo đảm hài hòa các mối quan hệ cơ bản đó. Và, khi đạt đến điều đó cũng có nghĩa là con người đã đạt tới đạo đức mới - nhân văn, nhân bản. Ngược lại, chỉ chăm lo và tuyệt đối hóa nhu cầu lợi ích của mình mà không quan tâm đến nhu cầu lợi ích của người khác và của cộng đồng là cội nguồn sâu xa của chủ nghĩa cá nhân.

Đương nhiên, xã hội công bằng, văn minh là kết quả của những phong trào hiện thực, kết quả của những hoạt động thực tiễn của các cộng đồng người - giai cấp, dân tộc, quốc gia với những thể chế, thiết chế và những con người cụ thể đang “nhận thức cái tất yếu và hành động theo cái tất yếu đã được nhận thức”.

PGS.TS HỒ TẤN SÁNG

;
;
.
.
.
.