ĐNO - Chiều 21-9, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chủ trì phiên 2 của hội thảo ASEAN: Chuyển đổi số báo chí - Kiến tạo tri thức số.
Hội thảo là hoạt động nằm trong Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN (AMRI) lần thứ 16 và các hội nghị quan chức cấp cao liên quan với chủ đề “Truyền thông: Từ thông tin tới tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng”.
Theo đó, phiên 2 của hội thảo giới thiệu những cách làm hay, kinh nghiệm chuyển đổi số từ các cơ quan báo chí truyền thông khu vực ASEAN; trang bị kỹ năng số nâng cao trình độ cho biên tập viên, phóng viên báo chí, truyền thông; ứng dụng công nghệ hiện đại, nền tảng số
Ông Bhagavad Prompen, đại diện truyền thông của Ban Quan hệ công chúng, Văn phòng Thủ tướng Thái Lan chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: M.Q |
Ông Emver Paclibar Cortez, đại diện Cục Thông tin Philippines cho biết, Chính phủ Philippines đang triển khai chương trình băng rộng BBMP (BroadBand NG Masa Programme) tại tất cả các hòn đảo xa xôi, đặc biệt là những đảo không có dịch vụ di động.
Hiện đã có thêm 628 điểm wifi miễn phí, hoạt động 24/24 được lắp đặt như một phần của chương trình, nâng tổng số điểm wifi như vậy trên khắp Philippines lên 4.757; 73 địa phương của Philippines đã có wifi miễn phí.
Các dịch vụ internet miễn phí của chính phủ hỗ trợ cho ít nhất 2,1 triệu người dùng, tương đương với khoảng 100.000 gia đình. Các công nghệ số sẽ cải thiện khả năng kết nối và các dịch vụ của chính phủ trong các cuộc họp trực tuyến.
Philippines quan tâm đến việc xác thực thông tin trước khi đăng tải, cung cấp đến người dân. Philippines có hơn 10 đài truyền hình đặt trên các đảo để người dân trên đảo đều được tiếp cận thông tin.
Philippines sử dụng nhiều nền tảng khác nhau để trao đổi thông tin, tương tác với người dùng. Hiện, Chính phủ đang tiến hành một nền tảng truyền thông xã hội để bảo đảm các nhà sản xuất nội dung được phê duyệt một cách trung thực và mọi công dân sẽ được tiếp cận với nền tảng này.
Ông Bhagavad Prompen, đại diện truyền thông của Ban Quan hệ công chúng, Văn phòng Thủ tướng Thái Lan cho biết, 6 chiến lược cho phát triển chuyển đổi số của Thái Lan là: phát triển cơ sở hạ tầng số hiệu quả cao trên toàn quốc; thúc đẩy nền kinh tế bằng công nghệ số; xây dựng xã hội công bằng và hòa nhập thông qua công nghệ số; chuyển đổi khu vực công thành chính phủ số; phát triển nguồn nhân lực cho thời đại kinh tế và xã hội số; xây dựng thói quen trong sử dụng công nghệ số.
Kinh nghiệm điển hình để chuyển đổi số của Thái Lan là xây dựng tiêu chuẩn cho nền tảng số và tiêu chuẩn trên internet. Các tiêu chuẩn gồm: tính chính xác, cân nhắc tác động của thông tin, trách nhiệm của người sử dụng điện thoại di động, mối quan tâm của cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm (giữa) chủ trì hội thảo. Ảnh: M.Q |
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho hay, hội thảo giúp đưa ra các giải pháp, đề xuất chiến lược nhằm tăng cường hợp tác trong khu vực ASEAN trong thời gian tới.
Chúng ta thu được những hiểu biết toàn diện từ nhiều góc độ khác nhau về cách thúc đẩy chính sách và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong bối cảnh chuyển đổi phương tiện truyền thông kỹ thuật số.
Hội thảo hôm nay đánh dấu lần đầu tiên các quốc gia thành viên ASEAN cùng nhau thảo luận về chủ chuyển đổi số báo chí, cùng nhau thực hiện những trách nhiệm và hoạt động để thúc đẩy lĩnh vực truyền thông.
Những nhiệm vụ này bao gồm từ việc thiết lập các khuôn khổ, phát triển và thúc đẩy các nền tảng kỹ thuật số cho báo chí và truyền thông, giải quyết các vi phạm bản quyền và tích hợp các công nghệ kỹ thuật số mới vào quy trình sản xuất và quản lý.
Từ các cuộc thảo luận, chuyển đổi số báo chí tại các nước ASEAN cần ưu tiên thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất. Sự trao đổi này không chỉ bao gồm các chính sách hợp lý và ứng dụng công nghệ mà còn cả các chiến lược, đào tạo lực lượng lao động và chiến lược đầu tư.
Bên cạnh đó, hợp tác với các bên liên quan khác để thực thi chính sách, đào tạo lực lượng lao động và huy động các nguồn lực để số hóa báo chí và truyền thông của mình. Sáng kiến này cần áp dụng cách tiếp cận theo lộ trình để giúp các nước ASEAN phát triển nhanh chóng và hiệu quả.
Nằm trong kế hoạch này, ASEAN có thể xem xét xây dựng một chỉ số chung để đo lường mức độ phát triển của chuyển đổi số trên báo chí với một công cụ đo lường tương ứng.
Đối với Việt Nam, nỗ lực chuyển đổi số trong ngành báo chí nhằm mục đích xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Chúng tôi đã thu thập được nhiều thông tin và thực tiễn có giá trị từ các nước ASEAN và các bên liên quan trong lĩnh vực số hóa phương tiện truyền thông.
Với những giải pháp này, quan trọng hơn là bằng những hành động cụ thể, từng bước một, chúng ta sẽ hướng ASEAN tới sự hiểu biết chung và hành động phối hợp để chuyển đổi lĩnh vực truyền thông một cách tích cực, hiệu quả và hiện đại.
MAI QUẾ