VIẾT TIẾP LOẠT BÀI "MÔ HÌNH TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ Ở ĐÀ NẴNG: TIẾP TỤC HOÀN THIỆN ĐỂ PHÁT HUY TÍNH ƯU VIỆT":

Nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố

.

Khi triển khai thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, với việc không tổ chức HĐND cấp quận và phường, vai trò, trách nhiệm, khối lượng công việc của HĐND thành phố tăng cao. Việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các ban và tổ đại biểu HĐND thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị là nhiệm vụ thiết yếu.

Thường trực HĐND thành phố làm việc với phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) về kết quả triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng gắn với thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Ảnh: T.HUY
Thường trực HĐND thành phố làm việc với phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) về kết quả triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng gắn với thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Ảnh: T.HUY

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, ngay sau cuộc bầu cử đại biểu HĐND khóa X, Thường trực HĐND thành phố nhanh chóng chỉ đạo kiện toàn HĐND thành phố theo hướng coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách. Số lượng lãnh đạo và cơ cấu các ban của HĐND thành phố được tăng cường. Ủy viên các ban HĐND thành phố là đại biểu hoạt động không chuyên trách, là lãnh đạo chủ chốt tại các sở, ngành, đơn vị.

Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo kịp thời thể chế hóa các quy định về tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức khi triển khai thí điểm tổ chức chính quyền đô thị; chủ động xây dựng chương trình công tác, kế hoạch giám sát theo đúng quy định của pháp luật, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp đặc điểm của chính quyền đô thị và yêu cầu thực tiễn thành phố trong tình hình mới.

Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi, xác định hoạt động giám sát là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng, nhất là trong điều kiện chưa có hướng dẫn cụ thể về hoạt động giám sát khi thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, Đảng đoàn HĐND thành phố đã chỉ đạo Thường trực HĐND thành phố chủ động nghiên cứu, triển khai hoạt động giám sát, phát huy vai trò, trách nhiệm và với tinh thần chủ động, linh hoạt.

Hoạt động giám sát được tăng cường thực hiện đến các quận, phường và có nhiều đổi mới, phát huy tốt hiệu quả hoạt động giám sát tại các kỳ họp HĐND thành phố; nhất là thông qua báo cáo thẩm tra của các ban  HĐND, qua hoạt động thảo luận, chất vấn tại kỳ họp. HĐND thành phố đã tổ chức hơn 200 cuộc kiểm tra thực tế, và làm việc với các địa phương, đơn vị về giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Trung bình mỗi năm, HĐND thành phố tiến hành giám sát 2-3 chuyên đề, Thường trực HĐND thành phố tiến hành giám sát 4-6 chuyên đề, mỗi ban tiến hành giám sát 4-5 chuyên đề. HĐND thành phố duy trì hoạt động tiếp xúc cử tri chuyên đề, đặc biệt là chuẩn bị và tổ chức hiệu quả Chương trình “HĐND với cử tri” bảo đảm ít nhất 2 lần trong năm. Đây là hình thức mới trong giám sát giữa 2 kỳ họp, là diễn đàn mà cử tri và nhân dân thành phố rất quan tâm hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Anh Thi cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được cũng đặt ra một số vấn đề mới liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của HĐND, Thường trực, các ban, các tổ đại biểu. HĐND thành phố ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan, còn thực hiện thêm các nhiệm vụ, quyền hạn theo Nghị quyết số 119/2020/QH14, phạm vi, đối tượng giám sát được mở rộng thêm đối với cấp quận, phường (nơi không tổ chức HĐND).

Do đó, việc tổ chức giám sát của tổ đại biểu HĐND trên địa bàn các quận còn ít, hoạt động của một số đại biểu không chuyên trách có lúc, có nơi chưa phát huy vai trò của người đại biểu nhân dân. Đại biểu hoạt động chuyên trách, bộ máy cơ quan giúp HĐND thành phố việc còn mỏng. Trong khi đó nhiệm vụ, đối tượng giám sát tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện.

“Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị là rất cần thiết; nhằm ngày càng hoàn thiện thiết chế dân chủ, góp phần thực hiện tốt vai trò, chức năng là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố”, bà Nguyễn Thị Anh Thi nói.

Đánh giá về điểm mới khi HĐND thành phố triển khai giám sát đến cấp phường theo mô hình chính quyền đô thị, hầu hết chủ tịch UBND các phường đều ghi nhận sự tích cực, chuyển biến đáng kể trong thực thi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Theo Chủ tịch UBND phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) Huỳnh Quang Trung, hằng năm, các đoàn giám sát của HĐND thành phố đều về làm việc trực tiếp với phường.

Qua đó, trách nhiệm, tinh thần làm việc của cán bộ, công chức phường chuyển biến tích cực, nỗ lực và ngày một nâng cao để đáp ứng kỳ vọng cũng như sự giao phó của lãnh đạo thành phố. Mặt khác, các vướng mắc, bất cập từ cơ sở, thông qua các buổi giám sát trực tiếp, phường chủ động kiến nghị lên đoàn giám sát HĐND thành phố mà không cần thông qua bất kỳ trung gian nào (như trước đây); nên việc tiếp thu, ghi nhận, yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý, giải quyết rốt ráo, kịp thời là điểm rất ưu việt.

Chủ tịch UBND phường Thanh Bình (quận Hải Châu) Võ Duy Lâm cho rằng, HĐND thành phố triển khai các đoàn giám sát đến tận phường giúp địa phương tháo gỡ nhiều vướng mắc về cơ chế; các công việc tồn đọng nhiều năm của cử tri được giải quyết rất nhiều và nhanh chóng.

Qua kiến nghị, đề xuất của địa phương, những trường hợp chưa làm do liên quan nhiều sở, đoàn giám sát có kế hoạch giám sát, theo dõi, đôn đốc nên tiến độ xử lý nhanh và dứt điểm hơn.  Việc HĐND thành phố bám sát thực tiễn ở phường nên hiểu, nắm rõ, từ đó  quan tâm hơn đến chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức ở cơ sở.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.