Để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy sức mạnh của Đảng, bên cạnh phát triển đảng viên mới còn có việc đưa những người không còn đủ tiêu chuẩn ra khỏi Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Làm thế nào giữ chân đảng viên, phát huy tốt vai trò của đảng viên để đóng góp vào sự phát triển của đất nước, địa phương, góp phần xây dựng tổ chức Đảng các cấp vững mạnh là vấn đề then chốt. Muốn đạt được điều đó cần những giải pháp căn cơ, phù hợp thực tiễn, để đảng viên ngày càng gắn bó với Đảng.
Kết nạp đảng viên tại Chi bộ tàu 20, Đảng bộ Hải đội 132, Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân. Ảnh: H.N |
Bài 1: Tăng cường quản lý đảng viên
Tình trạng đảng viên bị xóa tên vì bỏ sinh hoạt với lý do bận làm kinh tế, đi làm ăn xa... diễn ra nhiều năm qua, ảnh hưởng không nhỏ đến sự lớn mạnh của tổ chức cơ sở Đảng cũng như lý tưởng của những quần chúng ưu tú muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng. Qua thực tế cho thấy việc tăng cường công tác quản lý đảng viên, nâng cao nhận thức của các cấp ủy về công tác xây dựng tổ chức Đảng gắn với giải quyết việc làm tại chỗ sẽ “giữ” được đảng viên.
Tạo việc làm, tăng thu nhập cho đảng viên
Từ năm 2021 đến nay, thành phố Đà Nẵng có 67 đảng viên là quân nhân xuất ngũ trở về địa phương. Theo quy định, quân nhân xuất ngũ sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, nếu là đảng viên, trở về nơi cư trú sẽ do chi bộ địa phương quản lý và nhận nhiệm vụ từ cấp ủy địa phương. Thượng tá Nguyễn Văn Thao, Trưởng ban Tổ chức, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, cho biết chỉ một số ít quân nhân xuất ngũ trong tổng số 2.815 người trở về địa phương trong ba năm qua vào lực lượng dân quân, tự vệ, còn lại phần lớn tự học nghề, tự kiếm việc làm. Trong số đó nhiều người đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động. Nhiều người là đảng viên khi đi làm xa có báo cáo với chi bộ cơ sở, có người không báo cáo.
Có thể nói, công tác giải quyết việc làm tại chỗ cho đảng viên xuất ngũ nếu được làm tốt sẽ giữ được đảng viên. Thực tế cho thấy khi có việc làm, thu nhập ổn định tại địa phương, đảng viên xuất ngũ sẽ có điều kiện tham gia sinh hoạt Đảng và thực hiện nhiệm vụ của đảng viên.
Thượng tá Lê Nam Phương, Phó phòng Tổ chức, Cục Chính trị, Quân khu 5, cho rằng khi về địa phương, thực tiễn cuộc sống khiến quân nhân xuất ngũ cũng như những đảng viên trẻ khác bị vấn đề kinh tế chi phối, việc đi làm ăn xa và khó về sinh hoạt chi bộ thường xuyên khiến họ dễ bị xóa tên đảng viên. Làm thế nào để triển khai thực hiện triệt để các chủ trương, chính sách hỗ trợ việc làm cho quân nhân xuất ngũ nói chung và đảng viên xuất ngũ nói riêng.
Phát huy hiệu quả công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề tại địa phương gắn với việc thành lập các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân là những giải pháp quan trọng, tạo thuận lợi cho sự tham gia và quản lý, rèn luyện đảng viên sau xuất ngũ tại địa phương. Giải pháp đã có, song thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả vẫn là bài toán không dễ giải quyết một sớm một chiều.
Tại quận Hải Châu, hai năm gần đây, UBND quận đều tổ chức gặp mặt, tặng quà, mời các trường nghề và doanh nghiệp đến định hướng việc làm cho quân nhân xuất ngũ khi họ trở về địa phương. Thượng tá Trần Đình Quang, Chính trị viên, Ban Chỉ huy Quân sự quận Hải Châu, cho biết căn cứ danh sách Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố gửi về, Ban Chỉ huy Quân sự quận sẽ biết có bao nhiêu đảng viên để chuyển hồ sơ cho Ban Tổ chức Quận ủy quản lý. Trước đây đã có những trường hợp không nắm cụ thể để hướng dẫn nộp hồ sơ đảng viên, nhiều quân nhân quên không nộp hồ sơ cho ban tổ chức.
Do đặc điểm quân nhân có thời gian tại ngũ 18 tháng (trước đây) và 24 tháng hiện nay, nên thời gian huấn luyện, thử thách và kết nạp Đảng trong quân đội chưa nhiều. Phần lớn quân nhân là đảng viên dự bị khi xuất ngũ, thời gian được kết nạp chưa đủ 12 tháng. “Nhận thức về Đảng của đảng viên dự bị xuất ngũ đơn giản, việc nắm các quy định, kỷ luật Đảng chưa nhiều nên nhiều người bỏ sinh hoạt Đảng không có lý do. Các hội nghị chuyên đề của Quận ủy nhiều lần đề cập đến vấn đề này song chưa có giải pháp tốt nhất giúp giải quyết nhu cầu, thực tế giải quyết việc làm cũng như thẻ học nghề dành cho quân nhân xuất ngũ còn nhiều bất cập”, Thượng tá Trần Đình Quang lý giải. Từ năm 2021 đến nay, trong số 495 quân nhân ở Hải Châu xuất ngũ, chỉ có 172 người học nghề bằng thẻ học nghề.
Rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật
Đảng viên là quân nhân xuất ngũ, là công nhân đi làm ăn xa đang gặp khó khăn trong sinh hoạt Đảng, dù các tổ chức cơ sở Đảng vận dụng nhiều cách để vừa quản lý đảng viên, vừa tạo điều kiện để đảng viên gắn bó với địa phương.
Ông Phạm Viết Hòa, Bí thư Chi bộ Quang Thành 4A2, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, cho biết từ đầu nhiệm kỳ (tháng 9-2022) đến nay, chi bộ buộc xóa tên 1 đảng viên, cho ra khỏi Đảng 1 đảng viên vì bỏ không sinh hoạt Đảng, không đóng đảng phí. “Chi bộ có 35 đảng viên, 8 người được miễn sinh hoạt dài hạn, có 1 đảng viên ở nơi khác chuyển đến bỏ không tham gia sinh hoạt, 1 đảng viên trẻ nêu lý do bận đi làm không thể sinh hoạt chi bộ. Chúng tôi đã linh động chuyển họp chi bộ sang buổi tối nhưng đảng viên vẫn nêu lý do để bỏ sinh hoạt, không chịu đóng đảng phí. Chi ủy đã gặp gỡ, phân tích và đưa ra hướng giải quyết, Đảng ủy phường cũng mời lên gặp mặt, động viên, nhưng bản thân đảng viên không thiết tha với tổ chức Đảng thì chúng tôi đành chịu”, ông Hòa bày tỏ.
Đối với một số trường hợp nêu nguyên cớ để bỏ sinh hoạt Đảng, hầu hết các chi bộ đều gặp, động viên đảng viên tham gia sinh hoạt hay linh động chuyển thời gian để ai cũng có thể đến dự. Hiện nay quy định cho đảng viên tạm thời miễn sinh hoạt 3-6 tháng với lý do chính đáng hay đi làm ăn xa cũng là cách tạo điều kiện tốt nhất cho đảng viên. Nhưng tình trạng đảng viên lấy lý do sức khỏe, bận làm ăn, muốn rời Đảng khi không đạt mục đích cá nhân, là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Với các biểu hiện khác nhau, như thờ ơ, dao động về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng cách mạng… gây ảnh hưởng xấu không chỉ đến tổ chức Đảng, mà còn có tác động tiêu cực tới các đảng viên khác cũng như ảnh hưởng đến lý tưởng, niềm tin của những quần chúng ưu tú, đến lớp trẻ muốn nhìn vào đảng viên đi trước để học tập, noi theo.
Thực tế cho thấy nhiều đảng viên được kết nạp khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự hay đang đi học, tuổi đời còn khá trẻ nên ý thức, kỷ luật, bản lĩnh chưa cao. Thượng tá Phan Văn Hải, Chính trị viên, Ban Chỉ huy Quân sự quận Liên Chiểu, đặt vấn đề là một số đảng viên hiện nay có suy nghĩ về quyền lợi của đảng viên, dẫn đến không có nhu cầu vào Đảng.
Theo Thượng tá Lê Nam Phương, Luật Nghĩa vụ quân sự quy định tuổi gọi nhập ngũ kéo dài đến 27, nên các đơn vị quân đội khi phát triển Đảng cũng ưu tiên cán bộ, công chức, viên chức đang công tác nhập ngũ, xem đây là một bước để thử thách, rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần khắc phục khó khăn cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Sau khi hết tuổi quân, đây có thể là nguồn cán bộ nếu chiến sĩ ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội, hoặc quân nhân xuất ngũ là nguồn cán bộ cơ sở ở địa phương.
HOÀNG NHUNG