25 năm nối nhịp bờ vui

Nếu nói về những đổi thay trong 25 năm của thành phố Đà Nẵng, tôi sẽ kể câu chuyện kỳ tích đổi thay của làng chài năm xưa…

Cầu Sông Hàn được khánh thành ngày 29-3-2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công và đến nay vẫn là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam. Ảnh: KHÁNH LINH
Cầu Sông Hàn được khánh thành ngày 29-3-2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công và đến nay vẫn là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam. Ảnh: KHÁNH LINH

1. Nơi tôi lớn lên là một làng chài phía bờ đông sông Hàn tên gọi là quận ba (quận Sơn Trà ngày nay). Thuở ấy, quận ba còn nghèo lắm, chỉ vài mái nhà chắp nối chẳng khác một vùng hoang vu đầy cát. Bên kia sông là một thế giới nhà cửa, đèn xe nhộn nhịp ngày đêm. Bên ấy được chúng tôi gọi là Đà Nẵng.

Thế nên mới có câu: “Ở bên ni Hàn, ngó qua bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá/ Ở bên tê Hà Thân, ngó qua bên ni Hàn thấy phố xá nghênh ngang…”.

Thuở nhỏ, tôi thích khám phá, lúc nào cũng đòi ông nội đèo “sang Đà Nẵng” chơi. Mỗi khi tôi đòi đi, ông đều gác lại công việc để cùng cháu “du lịch” sang bên kia thành phố. Ông làm nghề xe thồ, gắn bó sông Hàn qua từng chuyến phà ngang.

Tôi ngồi phía sau ôm lưng ông. Trên đường đi, ông thường kể tôi nghe rất nhiều về con người, về nhịp sống, về ước mơ nối đôi bờ sông Hàn. Thời điểm đó, muốn qua sông phải chờ phà rất lâu, chưa kể là phải đưa xe máy, xe đạp xuống phà…

Đến khi nghe thông tin thành phố sẽ xây một cây cầu nối đôi bờ nhưng cần sự chung tay của người dân, ông hào hứng đóng góp. Ông nói: “Chỉ mong cầu xây nhanh để đường đi học của cháu ngắn lại, để ông có nhiều cuốc xe thồ hơn”. Ngày 29-3-2000, cầu Sông Hàn được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 25 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng, ước mơ nối đôi bờ của bao người dân thành hiện thực. Ngày nối nhịp, ông hồ hởi dắt tay tôi sải những bước đầu tiên sang bờ sông bên kia.

2. Thuở trước, những đứa trẻ xóm nghèo chúng tôi sống dưới mái nhà ghép từ đủ thứ tôn, bạt. Những căn nhà liêu xiêu không nằm trên đất mà chồ ra ngoài mép nước nên được gọi là “nhà chồ”. Mỗi mùa mưa bão, căn nhà chênh vênh gió nước mà lòng người thắc thỏm.

Người xóm nhà chồ năm ấy chỉ dám ước mơ làm sao có cơm ăn mỗi tối, chứ đừng nói đến một mái nhà hay con phố sạch sẽ, khang trang. Ấy vậy mà, năm 1997, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo thành phố đề ra chủ trương giải tỏa, xóa bỏ các xóm nhà chồ ven sông Hàn. Người dân nghèo ở xóm nhà chồ lần đầu được lên bờ định cư, được bố trí đất ở, hỗ trợ tiền thuê nhà, miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ việc làm…

Ngày nay, nhìn con phố ở bờ đông khang trang, hiện đại, sầm uất, những ai từng trải qua một thời cơ cực ở xóm nhà chồ hẳn xúc động vô cùng. Người dân nơi đây không còn trông chờ vào những con tôm tép ven biển, mà chuyển sang làm du lịch phục vụ dòng khách đổ về, thu nhập tăng gấp 5-10 lần so với trước.

Chúng tôi đã trải qua những đổi thay như thế để thấy mình thật may mắn khi bờ đông nay trở thành khu trung tâm quận Sơn Trà. Cuộc sống đã sang trang mới cùng với tiến trình xây dựng và phát triển thành phố.

Cầu Sông Hàn được khánh thành ngày 29-3-2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công và đến nay vẫn là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam. Ảnh: KHÁNH LINH
Cầu Sông Hàn được khánh thành ngày 29-3-2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công và đến nay vẫn là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam. Ảnh: KHÁNH LINH

3. Đà Nẵng giờ đây được thế giới tìm đến. Các sự kiện trình diễn quốc tế, các cuộc thi người đẹp, các sự kiện chính trị thế giới như Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã khẳng định vị thế của thành phố sông Hàn.
Khi xảy ra Covid-19, thành phố phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Những thanh âm náo nhiệt thường nhật bỗng lắng lại. Bên góc phố chỉ còn tiếng gió, tiếng sóng biển và thỉnh thoảng tiếng còi xe y tế chóng vánh vụt qua.

Thế nhưng, người Đà Nẵng chưa hề xa cách nhau. Những tấm lòng hướng về tuyến đầu chống dịch. Những dòng tin nhắn được gửi vội vào các bệnh viện động viên các y, bác sĩ cố lên. Những trái tim tình nguyện làm cầu nối vận chuyển lương thực đến người dân ở khu phong tỏa. Những suất ăn 0 đồng, những cân gạo, bó rau được tặng miễn phí. Những chuyến xe đong đầy cảm xúc chở sản phụ đến nơi sinh, hay hàng chục chiếc xe máy nghĩa tình được gửi tặng người về quê đi qua địa bàn Đà Nẵng.

Nhịp sống có thể nhanh, có thể chậm. Dịch bệnh có thể ngăn cách không gian nhưng tình người Đà Nẵng bao năm qua vẫn không thay đổi, luôn đầy ắp thương yêu và nặng trĩu nghĩa tình sẻ chia. Đó là nhịp cầu thầm lặng đưa thành phố vượt qua đại dịch nhanh chóng nhất.

4. Người Đà Nẵng thường hát cho nhau nghe rằng “Có qua bao lận đận mới hiểu được lòng nhau…”. Có đi qua cái thuở ban đầu nhiều khó khăn, thiếu thốn, mới thấu hiểu và trân quý những gì mà mình đang có.

Suốt 25 năm tôi đã được ngắm nhìn thành phố với những cung bậc cảm xúc, những góc nhìn khác nhau. 25 năm là câu chuyện đổi thay của bao mảnh đời. Kỳ tích Đà Nẵng không chỉ là câu chuyện xây những nhịp cầu nối đôi bờ sông Hàn. mang lại sự đổi thay kỳ diệu cho bờ đông, mà còn là câu chuyện xây nên những nhịp cầu nối ước mơ với niềm tin, nối thương yêu với bến bờ khát vọng.

Những người dân như tôi, không có niềm vui nào bằng niềm vui vững tin vào tương lai, được chứng kiến sự đổi mới từng ngày của quê hương để mỗi khi đi trên phố phường sạch, đẹp của Đà Nẵng mà cứ ngỡ mình đang lạc vào một giấc mơ cổ tích. 

AN LÊ

;
;
.
.
.
.