Những thanh âm mạnh mẽ và ngọt ngào

Trải qua những tháng ngày Đà Nẵng thực hiện các biện pháp ứng phó Covid-19 bùng phát lần thứ tư, từ giãn cách đến giãn cách nghiêm, “ai ở đâu thì ở đó”, tôi đã thẩm thấu đầy đủ những cung bậc thanh âm từ bình thường đến bất bình thường và bình thường mới.

Nhịp sống Đà Nẵng dần trở lại bình thường khi thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”.  TRONG ẢNH: Các phương tiện lưu thông đông đúc trên đường Nguyễn Văn Linh.  Ảnh: KHÁNH LINH
Nhịp sống Đà Nẵng dần trở lại bình thường khi thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”. TRONG ẢNH: Các phương tiện lưu thông đông đúc trên đường Nguyễn Văn Linh. Ảnh: KHÁNH LINH

Trải qua 2 cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hơn 45 năm hòa bình và phát triển, phố phường Đà Nẵng dường như chưa bao giờ thôi náo nức những thanh âm. Cầu Sông Hàn vẫn quay đều nhịp, sóng sông Hàn vẫn xôn xao những chuyến tàu thuyền ngược xuôi. Đêm đêm, ánh đèn rực rỡ, lung linh vẫn thắp lên từ những tầng cao, soi rọi những hiên nhà, khoảng sân ríu rít tiếng em thơ đùa vui.

Vậy mà có một ngày... Đó là ngày của sự tĩnh lặng đến không tưởng. Những ngày Đà Nẵng thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”. Từ ban công nhìn ra, thấy không một bóng người. Lặng im, lặng im quá, nhìn sự vắng vẻ, yên ắng mà lòng rưng rưng. 

Người ta bảo có hòa bình thì mới thấy giá trị của hạnh phúc. Vậy mà Covid-19 xuất hiện như những đám mây đen, làm ta chồn chân khi phải ở yên trong nhà và bỗng thấy quý những chuỗi ngày được đi lại, được gặp gỡ người thân, bạn bè, được hàn huyên với nhau bên ly cà phê...

Nhưng cũng chính trong những ngày căng mình chống dịch, Đà Nẵng đã cất lên những thanh âm và kết nối những thanh âm đó thành một giai điệu mạnh mẽ và ngọt ngào. Đó là thanh âm của sự kêu gọi và sẻ chia, của lòng bao dung và nhân ái. Truy vết thần tốc, tăng tốc xét nghiệm, khoanh vùng phong tỏa, thiết lập cơ sở cách ly, những mệnh lệnh khẩn thiết từ lãnh đạo thành phố đã được đưa ra và triển khai thực hiện nghiêm túc. Đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế Đà Nẵng luôn trong tư thế sẵn sàng, vừa lao vào cuộc chiến để giành giật sự sống cho bệnh nhân, vừa thực hiện xét nghiệm, rồi tiêm vắc-xin với quy mô lớn chưa từng có.

Tôi cũng như bao người dân thành phố đã trải qua sự thắc thỏm trong những ngày tháng dịch diễn biến phức tạp. Có những lúc tôi thót tim khi nghe thông tin số ca nhiễm tăng lên từng ngày để rồi hiểu hơn bao giờ hết sự gian nan, nguy hiểm đối với lực lượng đang ở tuyến đầu, nhất là các chiến binh áo trắng. Họ đã truyền cảm hứng về đức hy sinh.

Nhưng nếu chỉ có vậy thì vẫn chưa đủ để người dân cả nước nhớ đến Đà Nẵng, mà phải có thêm sự sẻ chia ấm lòng mới làm nên một Đà Nẵng của tình người, mới viết nên những câu chuyện đẹp về tấm lòng của người dân thành phố sông Hàn. Chẳng hạn như câu chuyện về bệnh nhân 687 - anh Mai Anh Đức (trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) đã cùng nhóm dự án 687 sáng chế bình nước sát khuẩn, buồng khử khuẩn, máy khử khuẩn di động. Trong những ngày phải nhập viện điều trị Covid-19, anh Đức mới hiểu hết bao vất vả mà các y, bác sĩ, lực lượng tuyến đầu phải đối mặt. Khi ra viện, anh lập dự án 687 như một món quà tri ân gửi đến những người ở tuyến đầu, cũng là góp chút sức nhỏ bé vào công tác phòng, chống dịch của thành phố.

Rồi hàng trăm, hàng ngàn thanh niên, sinh viên tình nguyện “biến nguy thành cơ”, mày mò nghiên cứu phát minh ra những công trình, những sáng chế chống dịch hữu ích cho cộng đồng. Như trong lúc các ca bệnh tăng nhanh, các khu cách ly và bệnh viện quá tải, Thạc sĩ Đặng Xuân Thủy, giảng viên khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã nghiên cứu, chế tạo ra ca-bin chở bệnh nhân Covid-19, theo đơn đặt hàng của Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển các bệnh nhân nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19 trong phạm vi khu cách ly và bệnh viện.

Mỗi một đợt Đà Nẵng trải qua thiên tai hay dịch bệnh, tôi lại thêm hiểu, thêm yêu con người Đà Nẵng, yêu cái “hào khí nhân văn” ở thành phố này. Có nơi đâu như Đà Nẵng, người tạm trú, người ở trọ cũng được can thiệp để giảm tiền thuê phòng, thuê nhà trong mùa dịch; mỗi hộ dân đều được nhận hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm. Có nơi nào mà ngay trong những ngày nóng bỏng nhất của đại dịch, thành phố vẫn tổ chức đón đồng bào từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về; kêu gọi, động viên các đơn vị, hội, đoàn thể phối hợp hỗ trợ người dân về quê đi qua địa phận Đà Nẵng; thậm chí lãnh đạo thành phố còn dẫn đoàn đưa những người đi xe máy qua hầm Hải Vân. Những câu chuyện đẹp của tình người đã được viết nên như chuyện đổi xe máy mới cho người dân trên đường về quê, các sinh viên xuyên đêm cứu hộ xe máy, hỗ trợ bà con ngang qua đỉnh đèo Hải Vân...

Tôi chợt nhớ hai câu tục ngữ mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc đến khi gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng, chống Covid-19 tại Hà Nội ngày 18-10: “Sinh ra trong cõi hồng trần/ Đời người phải lấy chữ Nhân làm đầu”.

Chính chữ Nhân đã viết nên những câu chuyện đẹp về một thành phố ở miền Trung.

NGUYỄN THỊ THÚY HỒNG

 

;
;
.
.
.
.