Năm 2018, ngành du lịch thành phố tạo được dấu ấn bằng việc tiếp tục tổ chức thành công các sự kiện lớn, nỗ lực đưa ra những sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút đông đảo lượng khách trong nước và quốc tế đến với Đà Nẵng.
Phóng viên Báo Đà Nẵng trao đổi với ông NGÔ QUANG VINH (ảnh), Giám đốc Sở Du lịch thành phố chung quanh việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của Đà Nẵng.
* Ông đánh giá như thế nào về tốc độ phát triển của ngành du lịch thành phố trong năm 2018? Kết quả này có ý nghĩa như thế nào cho sự phát triển của ngành trong thời gian tới?
- Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo thành phố, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và cộng đồng người dân thành phố, ngành du lịch Đà Nẵng đã đạt được những kết quả tích cực.
Điều đó được thể hiện ở tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về khách du lịch đến Đà Nẵng trong giai đoạn 2015-2018 đạt 18,26%, vượt so với chỉ tiêu 13,06% Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI đề ra.
Năm 2018, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng đạt trên 7,6 triệu lượt, tăng 15,5% so với năm 2017, đạt 102,5% kế hoạch; trong đó khách quốc tế đạt trên 2,8 triệu lượt, tăng 23,3% so với năm 2017, đạt 106,5% kế hoạch và khách nội địa đạt gần 4,8 triệu lượt, tăng 11,2% so với năm 2017, đạt 100,3% kế hoạch.
Tổng thu từ hoạt động du lịch ước cả năm 2018 đạt 24.060 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2017, đạt 106,9% kế hoạch.
Số du khách đến Đà Nẵng bằng đường hàng không đạt khoảng 2,35 triệu lượt (mức tăng ấn tượng 48,7% so với năm 2017). Khách đường biển cũng có sự đột phá với 100 chuyến tàu du lịch cập cảng Tiên Sa đưa khoảng 145.000 lượt khách đến với thành phố (tăng 66% số khách so với 2017).
Kết quả trên tạo tiền đề quan trọng để phát triển du lịch Đà Nẵng trong những năm đến. Theo tôi, nếu không có biến động ảnh hưởng gì lớn, khả năng đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ đón từ 9 - 9,5 triệu lượt khách, như vậy có thể vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI đề ra là 8,5 triệu lượt khách.
Như vậy, năm 2018, ngành du lịch đã sớm hoàn thành chỉ tiêu theo Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, bởi theo tốc độ bình quân số lượng khách theo đề án, đến năm 2020 đón khoảng 8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 2 triệu khách.
* Việc làm mới các sản phẩm du lịch là rất cần thiết để giữ chân du khách ở lại lâu hơn cũng như quay trở lại nhiều với một điểm đến. Vậy công tác xúc tiến du lịch và đầu tư sản phẩm du lịch mới được chú trọng ra sao?
- Năm 2018, Sở Du lịch có nhiều đổi mới trong công tác xúc tiến, quảng bá, tổ chức các chương trình giới thiệu, tích cực tham gia các hội chợ, quảng bá đến các thị trường quốc tế; hình thành một số sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách, như: tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc…
Đặc biệt, mới đây Sở Du lịch xúc tiến và tổ chức thành công việc đón đường bay Doha-Đà Nẵng do Hãng Hàng không Qatar Airways khai thác. Việc đưa vào khai thác đường bay mới này sẽ mở ra cơ hội kết nối với 150 điểm đến trong mạng lưới đường bay của Qatar Airways, đưa du khách từ các thị trường tiềm năng như Tây Âu và Bắc Mỹ, đem lại ý nghĩa to lớn, tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ đối với ngành du lịch Đà Nẵng trong tương lai.
Ngành du lịch thành phố luôn nỗ lực làm mới các sản phẩm để thu hút khách. trong ảnh: Một tiết mục trình diễn của Áo dài Story |
Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đã tham mưu UBND thành phố ban hành các đề án, kế hoạch nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới, như: đề án Khu phố du lịch An Thượng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn; đề án Quản lý và khai thác du lịch tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2018-2020; một số sản phẩm du lịch mới: chợ đêm Sơn Trà, trình diễn Áo Dài Story… Hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống cơ sở lưu trú ngày càng đa dạng, hiện đại cũng chính là lợi thế của Đà Nẵng so với các địa phương khác.
* Dù đạt nhiều kết quả nổi bật nhưng du lịch Đà Nẵng vẫn còn một số tồn tại, khó khăn… Những vấn đề này sẽ được khắc phục ra sao và bước sang năm 2019, ngành sẽ tập trung đầu tư phát triển du lịch như thế nào, thưa ông?
- Cùng với kết quả đạt được, du lịch Đà Nẵng vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần được khắc phục trong thời gian đến. Đó là sự tăng trưởng nóng về số lượng các cơ sở lưu trú du lịch, của các thị trường khách quốc tế dẫn đến sự cạnh tranh cao, đòi hỏi nhu cầu lao động có kỹ năng, tay nghề; áp lực về giao thông công cộng; tình trạng ô nhiễm tại các cống xả thải ra biển đã ảnh hưởng đến môi trường du lịch thành phố; các doanh nghiệp du lịch thiếu chủ động kết nối trong chuỗi dịch vụ cung ứng; doanh nghiệp lữ hành Đà Nẵng phần lớn là quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh yếu...
Do đó, thời gian đến, ngành du lịch sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường các giải pháp xử lý quyết liệt những hạn chế tiêu cực của tour du lịch “giá rẻ”. Chúng tôi đề xuất UBND thành phố ban hành kế hoạch mở rộng thị trường khách du lịch đến Đà Nẵng giai đoạn năm 2019-2021; thuê tư vấn nghiên cứu về ngưỡng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng để bảo đảm phát triển du lịch bền vững.
Ngoài ra, thành phố tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, gìn giữ môi trường du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, xác định ngưỡng phát triển của du lịch Đà Nẵng. Có nghĩa là phải xây dựng và triển khai đề án Cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, hội nhập quốc tế.
Qua đó, xác định “ngưỡng phát triển” của du lịch thành phố để xây dựng chiến lược phát triển bền vững, có chiều sâu và hiệu quả; ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của hướng dẫn viên; tháo gỡ các khó khăn, kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch phía tây thành phố, phát triển du lịch đường sông, đường biển; xúc tiến mở đại diện du lịch ở Trung Quốc và châu Âu...
THU HÀ thực hiện