Đánh thức tiềm năng du lịch đường sông

.

Xuôi theo dòng Túy Loan êm đềm, du khách sẽ được khám phá vẻ đẹp của những ngôi nhà có tuổi thọ hàng trăm năm, văn hóa đình làng, làng nghề nức tiếng của Hòa Vang.

Đình làng Túy Loan nằm bên dòng sông Túy Loan hiền hòa.
Đình làng Túy Loan nằm bên dòng sông Túy Loan hiền hòa.

Cụ Đặng Khôi (sinh năm 1927), Trưởng ban tổ chức lễ hội đình làng Túy Loan nói rằng: “Dòng sông Túy Loan chảy quanh co khúc khuỷu như một con chim loan đang say bay chếnh choáng”. Nói như thế để thấy, tiềm năng khai thác vẻ đẹp của dòng Túy Loan làm du lịch là rất lớn. Là huyện nông thôn duy nhất của Đà Nẵng, Hòa Vang có rất nhiều lợi thế về sinh thái tự nhiên.

Dọc đôi bờ sông có hàng tre rủ bóng xuống dòng sông xanh. Ở đó, người dân quanh năm cần mẫn với bông lúa, rau màu. Lúc nông nhàn, họ làm chiếu (thôn Cẩm Nê), làm bánh khô mè (thôn Quang Châu), đan tre (thôn Yến Nê), làm nón (thôn La Bông)...

Giữa làng quê thanh bình, men theo con đường làng nhỏ là ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường của ông Đỗ Hữu Minh (thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) - điểm đến quen thuộc của khá nhiều du khách trong và ngoài nước. Ngôi nhà được chủ nhân dành nhiều tâm sức xây dựng, sưu tầm những vật dụng cổ xưa. Xung quanh khuôn viên là vườn cây ăn trái tốt tươi bốn mùa. Nếu đã đến Hòa Vang, thật tiếc nếu du khách không trải nghiệm vẻ đẹp của những di tích lịch sử đình làng. Đó là đình làng Túy Loan và đình làng Bồ Bản.

Còn nhớ vào năm 2015, để quảng bá vẻ đẹp, sự bình dị nhưng không kém phần thơ mộng của dòng sông Hàn cũng như những điểm đến dọc tuyến (trong đó có dòng Túy Loan), Sở VH-TT&DL thành phố đã thực hiện một phóng sự về du lịch đường sông. Bộ phim có tựa đề Danang River Tour (tạm dịch: Du lịch đường sông Đà Nẵng) đã tạo được ấn tượng trong lòng du khách gần xa khi truyền tải được vẻ đẹp thơ mộng, tiềm năng du lịch hiếm có của dòng Túy Loan.

Đến năm 2017, để khai thác hiệu quả những lợi thế của huyện, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện xây dựng đề án “Xây dựng khu du lịch sinh thái cộng đồng làng Thái Lai, xã Hòa Nhơn”. Theo đó, địa phương sẽ hình thành một số loại hình như du lịch sinh thái cộng đồng gắn với làng quê, du lịch làng quê gắn với các lễ hội, các di tích lịch sử văn hóa...

Một số làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một cũng được phục dựng. Đặc biệt, địa phương khuyến khích người dân xây dựng mô hình du lịch ở nhà dân (homestay); các điểm phục vụ ẩm thực làng quê tại các hộ dân trong khu du lịch... Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho biết: “Việc phát triển tuyến du lịch đường sông do huyện phối hợp với Sở Du lịch cùng thực hiện.

Trong đó, huyện Hòa Vang chịu trách nhiệm vận động cộng đồng tham gia phát triển, nâng cấp sản phẩm du lịch (làm bánh tráng, mì Quảng, tổ chức các hoạt động trải nghiệm làng nghề, trồng rau, homestay...), tổ chức tập huấn kỹ năng thuyết minh cho người dân. Ngoài ra, huyện cũng tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, phát triển vùng rau ven sông và phát triển vườn cây ăn trái ở Thái Lai... 

Hiện nay, huyện đang xúc tiến ký hợp đồng với đơn vị tư vấn chuyên nghiệp từ thành phố Hồ Chí Minh làm tư vấn cho dự án du lịch của huyện; tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch cụ thể, hướng dẫn nghiệp vụ tổng hợp về nhà hàng, homestay, thiết kế sản phẩm và xây dựng bộ quy chuẩn du lịch cộng đồng”.

Hiện tại, dù chưa được đưa vào khai thác bài bản, du khách các nơi vẫn tự tìm đến một số điểm như nhà cổ, các đình làng... để tham quan. Chính quyền địa phương đang nỗ lực để hình thành một số khu du lịch, trong đó phải bảo đảm tất cả các dịch vụ đi kèm như hệ thống đường giao thông, nhà chờ, điểm giữ xe...

“Tour du lịch này mở ra sẽ kéo theo các dịch vụ hỗ trợ như ăn uống, giải khát, lưu trú, vận chuyển, bán hàng hóa sản vật địa phương..., có tiềm năng giải quyết được nhiều lao động địa phương. Điều địa phương muốn làm là tạo một điểm đến thực sự cuốn hút, giữ chân du khách để khi về họ sẽ nhớ và muốn quay trở lại”, ông Tân cho biết thêm.

Bài và ảnh: QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.