Thời gian qua, một số địa chỉ, sự kiện văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố đang dần khẳng định thương hiệu, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành thành phố của những lễ hội và sự kiện.
Lễ hội pháo hoa quốc tế là một trong những sự kiện nổi bật của Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN |
Trong hai năm trở lại đây, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, mỗi tháng đều diễn ra sự kiện triển lãm mỹ thuật. Riêng những triển lãm có sự phối hợp với họa sĩ, tổ chức nước ngoài có đến 6 sự kiện; trong đó phải kể đến triển lãm của nghệ sĩ sắp đặt người Mỹ - Mark Cooper; triển lãm “Connection” của các họa sĩ châu Âu sống và làm việc tại Đà Nẵng và Hội An; triển lãm phối hợp với Đại sứ quán Colombia về tác giả tiểu thuyết Trăm năm cô đơn; mới đây nhất là “Giao lưu, sáng tác, triển lãm Mỹ thuật quốc tế lần thứ nhất 2019 tại thành phố Đà Nẵng”.
Đây là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến với thế giới thông qua hoạt động mỹ thuật. Theo nhìn nhận của họa sĩ Virgilio Aviado (người Philippines), ngay thời khắc bước xuống sân bay, anh đã cảm nhận được bầu không khí khoáng đạt ở đây cùng với những nụ cười thân thiện của người dân Đà Nẵng.
Họa sĩ Virgilio Aviado cho rằng, trại mỹ thuật không chỉ dành cho giới nghệ sĩ hay chỉ là một nhóm triển lãm, đây là liên hoan nghệ thuật và trao sứ mệnh cho người nghệ sĩ. “Sứ mệnh của chúng tôi là thông qua hội họa để chữa lành hành tinh đầy những tổn thương và tạo ra nguồn năng lượng tích cực. Bản thân chúng tôi cũng ý thức được vai trò của mình trong việc đóng góp cho di sản và cho những cư dân tương lai của thành phố về ý thức bảo vệ môi trường”, họa sĩ Virgilio Aviado nói.
Với lĩnh vực nghệ thuật, từ năm 2014 đến nay, hằng năm chương trình biểu diễn âm nhạc thính phòng “Danang Chamber Music” đều đặn diễn ra tại Đà Nẵng với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước; mỗi năm đều đem đến cho khán giả những sự thay đổi mới mẻ và đặc sắc. Đến nay, sự kiện này đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những khán giả yêu mến âm nhạc thính phòng, đặc biệt người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Tại đêm nhạc diễn ra vào tháng 7 vừa qua, với sự tham gia của những nghệ sĩ đến từ nước Đức như: nghệ sĩ piano Karla Haltenwanger, nghệ sĩ violin Birgit Erz, nghệ sĩ cello Ilona Kindt…
Họ đều là những nghệ sĩ thành danh, đi lưu diễn nhiều nước trên thế giới, và khi đến Đà Nẵng họ bày tỏ sự ngạc nhiên trước tình yêu dành cho nhạc thính phòng của người dân nơi đây. “Đêm nhạc của chúng tôi như là cuộc trò chuyện đầy cảm xúc, đưa khán giả qua các miền âm nhạc châu Âu, từ những giai điệu dịu dàng của Clara Schumann ở Đức, đến những khúc dân ca, những nhịp điệu dân vũ của các dân tộc Slav (một nhóm chủng tộc tại khu vực Ấn - Âu) thấp thoáng trong âm nhạc của Antonin Dvorak, nhà soạn nhạc Séc nổi tiếng. Tôi khá ấn tượng bởi khán giả đến xem rất đông, lịch sự và nồng nhiệt”, nghệ sĩ piano Karla Haltenwanger chia sẻ tại đêm diễn.
Trong lĩnh vực bảo tồn di sản, nhiều lễ hội văn hóa độc đáo cũng được Bảo tàng Đà Nẵng đưa về trình diễn ngay trong lòng phố thị như: Lễ hội văn hóa người Cơ tu; lễ hội “Đấu chiêng đôi và dân ca dân vũ của đồng bào Cor”, lễ dựng cây nêu và trình diễn dân ca, dân vũ của đồng bào Xơ đăng… Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, thông qua các lễ hội, Bảo tàng Đà Nẵng mong muốn cộng đồng cùng chung sức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của cư dân các dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay; đồng thời tạo nên sự kiện văn hóa hấp dẫn, đặc sắc phục vụ người dân và du khách.
Đối với lĩnh vực thể thao, cuộc thi Marathon quốc tế được tổ chức lần đầu vào 2013 đã tạo nên tiếng vang lớn, đến nay là một trong những sự kiện được trông chờ hằng năm của giới thể thao. Ông Yoshiho Fujisawa, Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Densu Alpha - một trong những người mang Cuộc thi Marathon quốc tế về cho Đà Nẵng - cho biết, tự thân Việt Nam đã là một thông điệp sống về xây dựng và bảo vệ hòa bình. Vì vậy, ông hy vọng, một ngày không xa, Đà Nẵng và Việt Nam sẽ trở thành một biểu tượng hòa bình để khắp nơi trên thế giới cùng hướng đến.
Trao đổi về việc đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến của lễ hội, sự kiện, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao thành phố cho biết, thời gian qua Đà Nẵng được cả nước và thế giới biết đến thông qua những sự kiện lớn. Tiếp nối thành công đó, năm 2019, là năm thứ ba được UBND thành phố giao cho Sun Group tổ chức sự kiện lễ hội theo hình thức xã hội hóa, Sở Văn hóa-Thể thao tiếp tục là cơ quan thường trực, đầu mối tổng hợp, tham mưu giúp việc cho UBND thành phố theo dõi công tác tổ chức lễ hội. Ngoài ra, những sự kiện khác cũng chọn Đà Nẵng để tổ chức như: Cuộc thi IRONMAN 70.3 Việt Nam - Vô địch châu Á - Thái Bình Dương, SPRINT và IRONKIDS năm 2019 với sự tham gia của gần 2.200 vận động viên, đại diện cho 60 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Ấn tượng nhất là sự tham gia của hơn 1.000 vận động viên đến từ nước chủ nhà Việt Nam - tăng hơn 20 lần so với sự kiện đầu tiên được tổ chức vào năm 2015.
“Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tham mưu triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức thành công các sự kiện văn hóa lớn của thành phố, đưa những sự kiện văn hóa, lễ hội mang tầm khu vực và quốc tế về Đà Nẵng. Sự thân thiện của người dân, sức hút của thành phố du lịch… là một trong những yếu tố để các đơn vị chọn Đà Nẵng làm điểm đến cho các sự kiện”, ông Huỳnh Văn Hùng nói.
NGỌC HÀ