ĐNO - Có vị thế tựa lưng vào núi đá cùng tên, lại nằm ngay trên khu vực Làng nghề nước mắm - di sản văn hóa phi vật thể truyền thống Nam Ô, đình làng Xuân Dương (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử và tiềm năng phát triển du lịch.
Đình Xuân Dương hiện tại, sau khi được đại trùng tu. |
Đình Xuân Dương được xây dựng từ thời vua Tự Đức (1848 - 1883). Ban đầu, đình được tạo nên từ những vật liệu đơn giản, gần gũi như tranh tre, vách nứa và tính đến nay đã qua 3 lần được sửa chữa.
Đình nổi bật với nghệ thuật trang trí, chạm khắc trên chất liệu gỗ. Bộ vì của phần tiền đường được làm theo kiểu “chồng rường giả thủ”, với các giả thủ đều được chạm trổ hoa văn hết sức cầu kỳ, khéo léo.
Đình Xuân Dương không chỉ là di tích lịch sử mà còn là điểm đến tâm linh, văn hóa và là biểu tượng của dân làng Xuân Dương. |
Trong lịch sử, di tích Đình Xuân Dương tự hào là nơi đã từng được chọn là điểm bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên vào ngày 6-1-1946 của khu vực rộng lớn gồm các xã Hòa Liên, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) và các phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) ngày nay.
Vào ngày 24-12-2007, đình Xuân Dương vinh dự được UBND thành phố xếp hạng là "Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố". Được sự quan tâm của thành phố, sau một thời gian đại trùng tu, ngày 6-10 vừa qua, Ban tổ chức đình làng Xuân Dương đã tổ chức khánh thành đại trùng tu công trình, mái đình xưa nay đã được khoác lên tấm áo khang trang, kiên cố.
Cùng với lăng Ông Ngư, miếu Cô hồn và di sản phi vật thể nước mắm Nam Ô, đình Xuân Dương hứa hẹn là điểm đến về văn hóa tâm linh cho du khách trong và ngoài nước trong tương lai gần. |
Theo thống kê của Phòng Văn hóa-Thông tin (VHTT) quận Liên Chiểu, Đình Xuân Dương là một trong 35 di tích lịch sử trên địa bàn quận. Các di tích này cùng hơn chục lễ hội tín ngưỡng dân gian truyền thống đã xây dựng nên nền tảng văn hóa tâm linh ở địa phương.
Với việc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa Nghề làm nước mắm Nam Ô vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đình Xuân Dương cũng như các điểm đến tại Làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô như: Miếu Âm Linh, Lăng Ông Ngư, Giếng Lăng, Nghĩa Trũng Nam Ô, Miếu Bà Liễu Hạnh... có cơ hội phát huy được những giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời vào phục vụ du lịch.
Một góc cổng Đình Xuân Dương. |
Tuy nhiên, đánh giá của phòng VHTT cũng cho biết, nền tảng và lợi thế nói trên chưa được khai thác triệt để thành các điểm đến phục vụ du lịch văn hóa tâm linh, trong khi loại hình này đang có sự phát triển mạnh và nguồn lợi lớn.
Chính vì thế, đơn vị đã đề xuất các cơ quan, các cấp, các ngành tập trung xây dựng các điểm đến ngay tại Làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô, kết hợp với các hoạt động trải nghiệm như hát bả trạo, trải nghiệm làm nước mắm Nam Ô...; tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch địa phương, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên sâu có kiến thức và kỹ năng truyền tải nét đẹp, giá trị của các điểm đến nói trên đến du khách.
Bài và ảnh: HÀ ANH - HUYỀN TRÂM