ĐNO - Giữa muôn vàn nhà hàng, tiệm ăn với những món ăn sang trọng, chế biến cầu kỳ, những địa chỉ chuyên bán "cơm nhà" - tên gọi chung cho những bữa cơm giản dị, gần gũi lại trở nên hút khách. Đó là nơi không chỉ để ăn, mà còn để tìm về những ký ức xưa cũ.
Một mâm cơm nhà theo phong cách đơn giản, với thịt luộc, rau luộc, chén mắm dằm ớt và bát canh rau ăn kèm. |
"Cơm nhà" là cách gọi thân thương, là "cơm ở nhà" hay còn gọi "cơm mẹ nấu". Mâm cơm nhà trong ký ức mỗi người thường đạm bạc, đơn sơ. Có khi chỉ là đĩa rau luộc, chén cà pháo muối xổi, tô canh rau, chén mắm ớt. "Sang" hơn xíu thì có chút thịt luộc bé bé, đĩa cá kho tộ đậm đà hay con cá chiên giòn rụm...
Mâm cơm như thế, thông thường chỉ có thể tìm thấy ở những bữa ăn gia đình, hay xa xôi hơn là trong những năm tháng bao cấp. Qua lời kể của những người đi qua năm tháng ấy, của ông bà, của cha mẹ, đó là thời của tem phiếu, cửa hàng mậu dịch, của bữa cơm độn khoai bên tô canh rau lõng bõng.
Mâm cơm giản dị với rau mồng tơi xào tỏi, canh hến, cá chiên và chén mắm dưa "nhà làm". |
Đời sống phát triển, người ta cũng chuyển từ nhu cầu "ăn no mặc ấm" sang "ăn ngon mặc đẹp". Từ "cơm dưa cơm cà", người ta bắt đầu ăn sơn hào hải vị với những món đắt đỏ trong các không gian sang trọng ở nhà hàng. Rất khó tìm thấy những mâm cơm nhà ở những nơi như thế. Ngay cả những tiệm cơm bình dân cũng chỉ bán cơm với những món ăn nhiều dầu mỡ, thiếu thanh đạm.
Cho tới những năm gần đây, xu hướng "vintage" (tạm gọi là phong cách cổ điển của thập niên trước - PV) trở lại, bắt đầu từ những hàng quán cà phê, và lan ra những quán ăn, nhà hàng lớn nhỏ. Hàng quán bắt đầu được trang trí, bày biện theo phong cách của những năm bao cấp, với cái cát-sét cũ, tủ buffet gỗ, ti-vi đen trắng, bàn ghế gỗ cũ kỹ. Có nơi trang trí theo phong cách "Hội An" với tường vàng, ngói âm dương, đèn lồng...
Không gian theo kiểu cổ điển của một quán cơm nhà trên đường 2 Tháng 9. |
Ở Đà Nẵng, không khó để tìm thấy những quán ăn như thế, với tên gọi gần gũi như: "Bếp của Ngoại", "Bếp mẹ Sen", "Cơm nhà ta", "Cửa hàng ăn uống mậu dịch 1986"... Ngay cả tờ thực đơn cũng được thiết kế theo hình thức tem phiếu ngày xưa, có nơi còn viết tay, có nơi đặt tên suất ăn theo kiểu "Khẩu phần cán bộ", "Khẩu phần tiêu chuẩn viên chức", "tiêu chuẩn thủ trưởng"... vừa gây ấn tượng với thực khách, vừa tạo hoài niệm về những năm tháng đã qua.
Lật giở thực đơn, du khách phần nào nhớ lại kỷ niệm, với "Phở không người lái", "Canh rau tập tàng", "canh toàn quốc", "cơm độn khoai". Các quán ăn cũng đầu tư chén, đũa, đĩa, muỗng bằng đồ tráng men cho giống ngày xưa.
Cà pháo, tôm chua, thịt luộc, mắm dưa... đều là những món giản dị, gần gũi trong những bữa cơm nhà. |
Chị Trần Thanh Tâm (trú tổ 25, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) là khách quen tại quán ăn "Bếp của Ngoại" trên đường Yên Bái, chia sẻ: "Cuộc sống bận rộn, khiến mình nhiều lúc chỉ có thể ăn tiệm. Nhưng ăn tiệm hoài lại đâm ra ngán, vì đa số là nấu kiểu màu mè, dầu mỡ. Rồi một ngày tìm được nơi nấu đúng kiểu cơm nhà. Sau những bữa tiệc sang trọng, mới thấy những món ăn đạm bạc luôn ngon nhất".
Những mâm cơm quen thuộc trong ký ức nhiều người. |
Đến những quán cơm nhà, không chỉ để ăn mà còn để tìm về ký ức. Trong không gian và bữa cơm vừa quen vừa lạ này, người lớn tuổi, người trung niên đến tìm lại những điều đã từ rất lâu ngỡ chừng quên lãng. Với người trẻ, là dịp để sống trong không khí của những ngày bao cấp, vốn chỉ được nghe qua lời kể của người đi trước. Với nhiều du khách nước ngoài, đó là nơi giới thiệu những giá trị ẩm thực truyền thống của Việt Nam mà họ có thể chưa biết tới.
Dù bằng cảm nhận nào, những không gian ẩm thực này đã và đang tạo nên điểm nhấn trong đời sống người dân cũng như trong văn hóa ẩm thực, du lịch của thành phố.
Bài và ảnh: XUÂN SƠN