Đa dạng hóa các dịch vụ du lịch

.

Làm sao để kích cầu du lịch hiệu quả là điều mà những người làm du lịch đang muốn hướng tới trong thời điểm hiện nay dù còn nhiều khó khăn. Với chương trình kích cầu lần thứ 2, ngành du lịch thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ du lịch để phục vụ khách chu đáo, an toàn.

Các doanh nghiệp cần liên kết để tạo ra các sản phẩm du lịch mới thực sự hấp dẫn khách trong thời điểm hiện tại. Trong ảnh: Doanh nghiệp du lịch đang được giới thiệu thông tin về các sản phẩm mới sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian tới. (Ảnh chụp ngày 8-10). Ảnh: NHẬT HẠ
Các doanh nghiệp cần liên kết để tạo ra các sản phẩm du lịch mới thực sự hấp dẫn khách trong thời điểm hiện tại. TRONG ẢNH: Doanh nghiệp du lịch đang được giới thiệu thông tin về các sản phẩm mới sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian tới. (Ảnh chụp ngày 8-10). Ảnh: NHẬT HẠ

Theo kết quả khảo sát trực tuyến về tác động Covid-19 đối với các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng do Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng thực hiện (từ 18-9 đến 5-10 với gần 100 phiếu tham gia khảo sát chủ yếu ở các nhóm lữ hành và khách sạn), có hơn 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát tạm dừng hoạt động; 50,5% doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động với lực lượng nhân sự nòng cốt; 62% doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm 80-100%; gần 1/3 doanh nghiệp hoàn toàn không có doanh thu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9.

Do đó, trước tác động của dịch bệnh, 80% công ty kinh doanh du lịch cung cấp các gói khuyến mãi để kích cầu thị trường, gần 1/2 doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới và tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Khi thị trường quốc tế chưa trở lại, hơn 80% doanh nghiệp tập trung khai thác thị trường tại chỗ (miền Trung - Tây Nguyên), 66% khai thác thị trường miền Bắc và 35,5% khai thác thị trường miền Nam.

Thông qua kết quả khảo sát, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng Mai Thị Thanh Hải cho biết, trong 6 tháng qua, hơn 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát tiếp tục hoạt động và thay đổi quy mô và nhân sự, 17% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 8,4% doanh nghiệp tiếp tục hoạt động và giữ quy mô như trước.

Các doanh nghiệp cũng đưa ra kịch bản phục hồi du lịch, trong thời gian cuối năm 2020 và năm 2021 sẽ tập trung phát triển thị trường nội địa; tăng cường truyền thông về nội dung “Đà Nẵng - Điểm đến an toàn”; kịp thời tung ra các gói kích cầu phù hợp với khách hàng, nhấn mạnh 2 tiêu chí: an toàn và trải nghiệm dịch vụ mới.

Giai đoạn cuối năm 2020 là thời gian mà thành phố có thể thu hút nguồn khách tại chỗ người Đà Nẵng, tiếp đến là các tỉnh, thành lân cận, hướng đến khách du lịch ngắn ngày, đi theo nhóm (gia đình, bạn bè) và sử dụng phương tiện cá nhân.

Đồng thời đưa chương trình kích cầu vào hoạt động liên kết du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Đối với thị trường miền Bắc và miền Nam, thành phố tập trung phân khúc khách lẻ đi theo nhóm, cặp đôi và khách đoàn với các gói sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí dành cho nhóm khách lẻ và du lịch hội nghị - hội thảo, team building dành cho khách đoàn.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, năng lực khôi phục các thị trường khách quốc tế trong năm 2020 phụ thuộc chủ yếu vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới. Do đó, trong lộ trình xúc tiến nên ưu tiên các thị trường gần (Đông Nam Á), thị trường trọng điểm truyền thống (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), khởi động hiệu quả bằng các thị trường an toàn và phục hồi hoàn toàn sau dịch. Đồng thời xây dựng và tuân thủ tiêu chuẩn đón khách an toàn để đề xuất mở các đường bay thẳng (charter) thí điểm tại một số nơi kiểm soát dịch tốt như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore...

Trong khi đó, tại buổi trò chuyện “Lữ hành Đà Nẵng vượt sóng Covid-19” do Hội Lữ hành Đà Nẵng tổ chức mới đây, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng đã thành công trong kích cầu thông qua giảm giá dịch vụ nhưng lần này cần phải thay đổi, không thể hạ giá nữa mà nên tập trung nâng cao, thêm các dịch vụ tiện ích khác cho khách hàng. Nếu sản phẩm hấp dẫn thì dù giá có cao hơn, khách sẽ vẫn chọn.

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, Chủ tịch danh dự Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng phân tích, thực tế Đà Nẵng đang gặp bất lợi trong kích cầu du lịch lần này bao gồm cả mùa mưa lẫn mùa thấp điểm. Do đó, các doanh nghiệp cần sự quyết tâm cao để vượt qua khó khăn, cùng nhau xây dựng các gói sản phẩm đặc biệt để kéo khách đến. Điều quan trọng nhất vẫn là phải bảo đảm các yếu tố an toàn để có thể đón khách trong nước và quốc tế sau này.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, trong đợt kích cầu lần thứ nhất (tháng 5, 6, 7), ngành du lịch Đà Nẵng đã có nhiều doanh nghiệp du lịch tham gia, đưa ra các gói khuyến mãi, kích cầu hấp dẫn, thu hút lượng khách lớn đến với Đà Nẵng trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, lần này sẽ không thể làm giống như lần trước bởi thời điểm này không phải là mùa cao điểm khách du lịch. Do đó, các doanh nghiệp du lịch cần cùng nhau xây dựng, tạo ra các sản phẩm cho khách nhiều trải nghiệm mới mẻ hơn với chi phí hợp lý và an toàn. Các doanh nghiệp cũng có thể tạo ra chuỗi sản phẩm liên vùng để tăng thêm trải nghiệm cho du khách.

Sắp tới ngành du lịch cũng sẽ tổ chức thêm các các hội thảo trực tuyến với các thị trường, đặc biệt là các thị trường quốc tế để cập nhật thông tin, tham mưu cho thành phố. Đồng thời, mạnh dạn xây dựng hành lang xanh, hành lang an toàn với một số thị trường có công tác, hoạt động phòng, chống dịch tốt, từ đó nhắm tới thu hút dòng khách trong thời điểm cuối năm đi du lịch dài hơi, chi tiêu cao…

NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích