Theo thống kê của ngành du lịch thành phố, kỳ nghỉ lễ 2-9 vừa qua tổng thu du lịch ước đạt gần 915 tỷ đồng, con số này cho thấy Đà Nẵng vẫn là điểm đến được du khách trong nước và quốc tế lựa chọn. Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi, Đà Nẵng cũng là địa phương thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản du lịch với nhiều thương hiệu khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn... góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch của thành phố.
Thành phố hiện có nhiều khu du lịch thương hiệu nước ngoài đưa vào khai thác. TRONG ẢNH: Một trong 2 khách sạn Wink Đà Nẵng Riverside do Tập đoàn Kajima (Nhật Bản) đầu tư. Ảnh: THU HÀ |
Nhiều khu nghỉ dưỡng đạt giải thưởng danh giá
Một trong những thay đổi đáng kể nhất của Đà Nẵng trong những năm gần đây chính là diện mạo đô thị, cảnh quan của thành phố. Nhiều tuyến đường ven biển “khoác áo mới” nhờ các khu nghỉ dưỡng, khách sạn lớn được đầu tư và đưa vào hoạt động. Hệ thống cơ sở lưu trú phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, từ 58 khách sạn vào năm 1997 với 1.948 phòng, đến nay Đà Nẵng có khoảng 1.287 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 46.767 phòng.
Sau thời gian nỗ lực phục hồi du lịch, thu hút khách, hiện thành phố có khoảng 1.190/1.287 cơ sở lưu trú du lịch hoạt động trở lại sau kiểm soát Covid-19 (chiếm 92,4% cơ sở lưu trú du lịch) với 42.200/46.767 phòng (chiếm hơn 90%); trong đó khối cơ sở lưu trú 4-5 sao và tương đương có 101/105 cơ sở với 19.107/20.415 phòng đã hoạt động trở lại; khối cơ sở lưu trú 3 sao và tương đương trở xuống có 1.089/1.182 cơ sở với 23.093/26.352 phòng.
Từ chỗ chỉ có một vài khách sạn mang thương hiệu quốc tế, đến nay nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố được điều hành, quản lý bởi các tập đoàn quốc tế có tên tuổi như Novotel, Grand Mercure, Pullman (Tập đoàn Accor quản lý); InterContinental, Crowne Plaza (Tập đoàn IHG quản lý); Fusion Maia, Fusion Suites (Serenity Holdings quản lý); Grandvrio Danang (Tập đoàn Route Inn Nhật Bản); Risemount (Tập đoàn SBH - Tây Ban Nha); Sheraton, Four Points by Sheraton (Marriott), Hilton; Wink Hotels (liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima, Nhật Bản); Tập đoàn Mikazuki. Nhiều thương hiệu đạt được các giải thưởng danh giá và ấn tượng như Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula 4 năm liền (2014-2017) được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) vinh danh là “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất châu Á”; năm 2021 được Tạp chí Condé Nast Traveler (Mỹ) bình chọn là khu nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á. Khu nghỉ dưỡng Naman Retreat 2 năm liền (2016-2017) được WTA vinh danh là “Khu nghỉ dưỡng retreat hàng đầu châu Á”. Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng được vinh danh là “Khu nghỉ mát ven biển sang trọng” và “Địa điểm tổ chức lễ cưới sang trọng” do độc giả trang World Luxury Hotel Awards bình chọn. Khu nghỉ dưỡng Sheraton Grand Đà Nẵng của Tập đoàn BRG được giải thưởng World Luxury Awards 2022 vinh danh là “Khu nghỉ dưỡng sang trọng ven biển tốt nhất thế giới” và “Nhà hàng thuộc khu nghỉ dưỡng sang trọng tốt nhất Việt Nam”... Theo đánh giá của những người làm du lịch, sự xuất hiện của các thương hiệu mang tầm cỡ quốc tế trên địa bàn thành phố đề cập ở trên chứng tỏ sức hút của điểm đến Đà Nẵng cũng như tiềm năng của ngành du lịch, dịch vụ rất lớn. Những thương hiệu này đã và đang góp phần tạo nên tên tuổi cho du lịch Đà Nẵng.
Nhiều thương hiệu quốc tế lớn đã có mặt ở Đà Nẵng cho thấy sức hút của điểm đến du lịch thành phố. Ảnh: THU HÀ |
Tái cấu trúc nguồn khách bền vững
Là một trong những thương hiệu mới có mặt tại Đà Nẵng với 2 khách sạn tại đường Trần Phú và đường Trần Hưng Đạo, đại diện Wink Holtels chia sẻ rằng nhà đầu tư có niềm tin vào tiềm năng của thị trường Đà Nẵng. Đây là nơi lý tưởng dành cho khách công tác và khách du lịch nhờ nằm ở các vị trí thuận lợi gồm cả trung tâm thành phố và gần các bãi biển hay các điểm tham quan.
Ông Nguyễn Như Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Vietnam Travelmart nhìn nhận, các thương hiệu khách sạn quốc tế lớn có mặt tại Đà Nẵng cho thấy sức hấp dẫn của điểm đến nhiều tiềm năng và đáng đầu tư. Các tập đoàn quốc tế thường quản lý các khách sạn thương hiệu cao cấp, dòng sản phẩm của thị trường khách này cũng rất cao, dành cho các khách có mức chi tiêu cao, chất lượng tốt giống như định hướng của thành phố.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, sự có mặt của các thương hiệu lớn mang tầm quốc tế đã góp phần mang đến diện mạo mới cho du lịch thành phố cũng như làm đa dạng thêm các dịch vụ du lịch, trong đó có du lịch chất lượng cao. Đà Nẵng luôn là một trong những địa phương đi đầu về tạo sự khác biệt trong hệ thống sản phẩm du lịch. Hiện nay, hệ thống sản phẩm du lịch của Đà Nẵng nổi bật cả về nghỉ dưỡng biển cao cấp, sinh thái biển đảo, du lịch M.I.C.E (hội thảo, hội nghị, khen thưởng), du lịch đô thị...
Để thu hút khách, thành phố đang tập trung tái cấu trúc nguồn khách theo hướng bền vững hơn, trong đó tăng chi tiêu của du khách là một trong những mục tiêu cơ bản. Bên cạnh việc ưu tiên xúc tiến các thị trường có khả năng chi tiêu cao thì cần nâng chất lượng dịch vụ điểm đến, tập trung đầu tư khai thác các nhóm dịch vụ có giá trị gia tăng cao để kéo dài thời gian lưu trú của khách. Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch cho rằng, Đà Nẵng có sự thay đổi diện mạo như hôm nay là nhờ thành phố ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hệ thống giao thông, cầu, sân bay quốc tế, đường thủy nội địa, có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, kêu gọi thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư chiến lược về du lịch cả trong nước và quốc tế...
Bên cạnh đó, thành phố cũng nâng cấp, đầu tư mới các sản phẩm du lịch, tổ chức nhiều hoạt động sự kiện đặc sắc, quy mô lớn để thu hút khách đến Đà Nẵng. Tới đây ngành du lịch thành phố sẽ tập trung thu hút các sự kiện văn hóa, giải trí, thể thao, du lịch có quy mô lớn; đồng thời hoàn thiện các chính sách, hạ tầng đồng bộ nhằm thu hút các thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế đến đây để đầu tư nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn cho Đà Nẵng.
Theo số liệu của Cục thống kê thành phố, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ trong 8 tháng năm 2023 ước đạt gần 5,15 triệu lượt, tăng 108,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế 1,38 triệu lượt, cao gấp 6,3 lần so với cùng kỳ; khách trong nước đạt hơn 3,77 triệu lượt, tăng 67,1% so với cùng kỳ. Số ngày lưu trú bình quân của khách ngủ qua đêm tính chung 8 tháng là 1,75 ngày/lượt, trong đó khách quốc tế là 2,31 ngày/lượt; khách trong nước là 1,41 ngày/lượt (cùng kỳ năm 2022: 2,44 ngày/lượt đối với khách chung; 2,16 ngày/lượt đối với quốc tế và 2,47 ngày/lượt đối với khách trong nước). |
THU HÀ