Chìa khóa tạo nên bước đột phá

.

Trong thời kỳ cách mạng 4.0, vai trò của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ngày càng được khẳng định, là chìa khóa tạo nên bước đột phá trong sản xuất và kinh doanh.

Các nghiên cứu KH&CN đang dần gắn liền với thực tế, giải quyết các bài toán kinh tế-xã hội. Trong ảnh: Mô hình bóng đèn điện thông minh của sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Các nghiên cứu KH&CN đang dần gắn liền với thực tế, giải quyết các bài toán kinh tế-xã hội. Trong ảnh: Mô hình bóng đèn điện thông minh của sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Ngành KH&CN đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH&CN phục vụ trực tiếp cho phát triển các ngành, lĩnh vực; hỗ trợ phát triển các sản phẩm, đặc biệt là lĩnh vực y tế, nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thời gian qua, các chương trình, nhiệm vụ KH&CN được tập trung triển khai mạnh mẽ, đưa nhiệm vụ nghiên cứu khoa học gắn kết với yêu cầu của thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Trong năm 2018, riêng Sở KH&CN tổ chức quản lý 81 nhiệm vụ KH&CN các cấp, trong đó có 5 đề tài cấp quốc gia, 3 dự án nông thôn miền núi, 35 đề tài cấp thành phố, 35 đề tài cấp cơ sở và 3 mô hình ứng dụng thuộc nhiều lĩnh vực… với tổng kinh phí gần 68,3 tỷ đồng.

Công tác nghiên cứu khoa học của các sở, ban, ngành, quận, huyện, viện, trường trên địa bàn thành phố được chú trọng hơn. Các đơn vị này đã triển khai thực hiện khoảng hơn 300 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với tổng kinh phí hơn 7,4 tỷ đồng. Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học-xã hội, nhân văn đã cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, giúp các cơ quan chức năng trong việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, như đề tài “Nghiên cứu tổng quát nghèo đa chiều ở thành phố Đà Nẵng và giải pháp giảm nghèo đa chiều” được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sử dụng đưa vào đề án giảm nghèo đa chiều bền vững của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2025.

Các kết quả nghiên cứu trong KH&CN và đổi mới sáng tạo đã có đóng góp thiết thực trong nhiều lĩnh vực như: y tế, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, môi trường, quản lý tài nguyên, dịch vụ. Hầu hết các bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố đều chủ trì những đề tài cấp thành phố với các hướng nghiên cứu rất đa dạng và phong phú, từ y học hiện đại đến y học cổ truyền, từ cơ bản đến ứng dụng và đã có nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý y tế. Các nghiên cứu này có tầm quan trọng trong quá trình trau dồi kiến thức nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nhiều quy trình kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực y tế được ứng dụng hiệu quả vào việc khám, chữa bệnh, góp phần dự phòng, đẩy lùi bệnh, điển hình như các đề tài: “Bào chế viên nang mềm chứa hệ tiểu phân nano nang hóa cao chiết kim tiền thảo giúp phòng và điều trị sỏi thận - sỏi mật”, “Nghiên cứu bào chế viên hoàn sâm nhung tán dục đơn và đánh giá hiệu quả điều trị trên bệnh nhân suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng tại Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng”, “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm trong điều trị vô sinh tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng”...

Hoạt động ứng dụng KH&CN tại các quận, huyện được triển khai hiệu quả. Trong đó, huyện Hòa Vang chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển huyện Hòa Vang.

Các quận, huyện đã tích cực phối hợp hướng dẫn các xã, phường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế như: mô hình hoa lan, hoa chậu, hoa thảm, mô hình chăn nuôi lợn, gà... và đặc biệt là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, điển hình là mô hình hoa lan Mokara (quận Cẩm Lệ); hoa chậu, hoa thảm (huyện Hòa Vang) và mô hình nuôi nấm (quận Ngũ Hành Sơn).

Trong các lĩnh vực dịch vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ chủ chốt của cách mạng 4.0 được đẩy mạnh, trong đó đáng chú ý là đề tài cấp thành phố “Nghiên cứu xây dựng hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động tại Bảo tàng Đà Nẵng” đã được áp dụng để hỗ trợ hoạt động thuyết minh các nội dung, tư liệu, hiện vật. Hệ thống này được du khách đánh giá cao, chỉ cần kết nối wifi miễn phí của thành phố, tải ứng dụng di động và quét mã QR Code thì du khách có thể nghe giới thiệu về nội dung của 600 tư liệu, hiện vật đang được trưng bày tại đây.

Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu khoa học được triển khai rất bài bản, nhiều ngành, đơn vị hình thành bộ phận quản lý và Hội đồng KH&CN để triển khai các nhiệm vụ KH&CN, có quy trình quản lý riêng và có sự đa dạng trong phân chia cấp các đề tài. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp thiết thực trong công tác tham mưu, quản lý của các ngành, trong công tác dạy và học của các trường, đóng góp vào sự phát triển của thành phố.

VŨ BÍCH HẬU
(Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ)

;
;
.
.
.
.
.