Đến Cơ sở xã hội Bầu Bàng (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) những ngày này sẽ thấy những vườn rau xanh mướt do chính tay các cán bộ, học viên nơi đây chăm bón. Đây cũng là kết quả của dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ tại thành phố Đà Nẵng” do Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ) chủ trì.
Các học viên tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng lao động trên ruộng rau hữu cơ. Ảnh: PHONG LAN |
Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 11-2018 với tổng kinh phí khoảng 4,6 tỷ đồng bao gồm nhiều nội dung, trong đó chú trọng chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ trên tổng diện tích 3,5 ha tại huyện Hòa Vang. Trong đó, mô hình tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng (quy mô 1 ha) lại khá đặc biệt, bởi toàn bộ việc chăm bón, thu hoạch rau đều do chính các cán bộ và học viên cai nghiện ma túy tại đây thực hiện.
Đầu tháng 7, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Công (làm việc tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng) dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng rau hữu cơ tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng. Công là người theo sát dự án này từ những ngày đầu triển khai, đóng vai trò “cầu nối” giữa Trung tâm Công nghệ sinh học và những học viên của Cơ sở xã hội Bầu Bàng. Anh cho biết, cách đây hơn một năm, lúc bắt đầu nhận dự án, các cán bộ của Bầu Bàng vừa vui mà cũng vừa lo. Vui vì tiếp nhận được một dự án có ý nghĩa thiết thực, vừa tạo công việc cho học viên, vừa giúp cải thiện đời sống.
Lo bởi đất tại Bầu Bàng là loại đất pha cát với hàm lượng cát lớn. Trước đây, vùng này chỉ chuyên trồng cỏ voi lai phục vụ chăn nuôi, sau nhiều năm đất đã dần mất độ phì. Anh Công nói: “Có lẽ khó khăn nhất chính là khâu cải tạo đất. Mùa khô, nước tưới xuống đất một lúc đã bốc hơi hoàn toàn. Chúng tôi phải kết hợp tưới nước, phơi rơm (rơm mục ra sẽ thành mùn), bón phân hữu cơ và phân vi sinh để tăng độ phì cho đất. Cứ vậy, công tác cải tạo luôn song song với canh tác”.
Kỹ sư Nguyễn Thị Thanh Thủy (Trung tâm Công nghệ sinh học), Chủ nhiệm dự án cho biết, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khoa học và phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (Hiệp hội hữu cơ Việt Nam) để tiến hành chuyển giao các tài liệu kỹ thuật và quy trình công nghệ cho cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Công nghệ sinh học và các kỹ thuật viên tại Bầu Bàng, trong đó tập trung chủ yếu vào các quy trình kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ, dung dịch dinh dưỡng cung cấp cho rau; sản xuất chế phẩm hữu cơ phòng trừ sâu bệnh; sản xuất hữu cơ rau các loại; luân canh cây rau với cây họ đậu để bảo đảm duy trì và tăng độ phì của đất; thu hoạch, đóng gói và bảo quản sản phẩm.
Theo chị Thủy, các mô hình được lựa chọn để thực hiện dự án đều được kiểm tra, đánh giá chất lượng đất và nước theo quy chuẩn trước khi đi vào sản xuất. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, tất cả nguyên liệu từ hạt giống, phân bón, dung dịch dinh dưỡng, thuốc trừ sâu thảo mộc... đều được kiểm soát và ghi chép đầy đủ.
Giúp người nông dân trồng rau hữu cơ đã khó, giúp học viên cai nghiện còn khó gấp nhiều lần. Ông Nguyễn Tuấn Kiệt (Ban Quản giáo Cơ sở xã hội Bầu Bàng) cho hay, nhiều học viên từ trước đến nay không quen làm nông hay lao động chân tay. Để hướng dẫn họ cách chăm bón rau, cần có sự kiên nhẫn và cả phương pháp sư phạm.
Ông Kiệt chia sẻ: “Đối với ban quản giáo, có lẽ cái khó nhất chính là công tác đào tạo học viên. Đôi khi đã đào tạo xong một đợt học viên làm quen việc thì cũng là lúc họ hoàn thành chương trình cải tạo, được trở về cộng đồng. Lúc đó, chúng tôi lại tiếp tục đào tạo một đợt học viên mới”. Giữa những ruộng rau, các cán bộ, kỹ thuật viên của Bầu Bàng cũng cuốc đất, tưới cây, bón phân… “Chúng tôi phải làm thì mới biết cách làm như thế nào. Hơn nữa, cán bộ có làm thì mới thuyết phục được học viên cùng lao động”, ông Kiệt nói.
Theo anh Công, trung bình khoảng từ 2 – 2,5 tháng, ruộng rau tại Bầu Bàng cho ra hơn 2 tấn rau thành phẩm các loại, chủ yếu cung cấp cho các nhà bếp phục vụ cán bộ và học viên. Ông Lê Văn Hai, Phó Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng chia sẻ: “Dự án trồng rau hữu cơ tại Bầu Bàng nhằm 2 mục đích. Thứ nhất, việc lao động tại đây được xem như một phương pháp trị liệu. Các học viên được biết về trồng rau hữu cơ, hiểu về giá trị của lao động. Thứ hai, rau thành phẩm được dùng để cải thiện đời sống của chính các học viên”.
Hiện sản phẩm rau tại Bầu Bàng đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng TQC (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cấp chứng nhận hữu cơ với thời hạn 2 năm, giám sát định kỳ 12 tháng/lần. Ngoài Cơ sở xã hội Bầu Bàng, dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ tại thành phố Đà Nẵng” còn được triển khai tại Công ty TNHH Tâm An Farm (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) với quy mô 2 ha và thu được nhiều kết quả tích cực. Kỹ sư Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, trong thời gian tới, sẽ triển khai mô hình sản xuất rau hữu cơ trong điều kiện nhà lưới thông thường với quy mô 0,5 ha. Trung tâm Công nghệ sinh học cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ, hoàn thiện chương trình đào tạo cho người sản xuất của các đơn vị; tổ chức tập huấn cho các nông dân vùng dự án; tổ chức hội nghị đầu bờ cho người dân tham quan…
PHONG LAN