Tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục

.

Sử dụng giáo án, sổ liên lạc, sổ điểm điện tử hay học trực tuyến... là những giải pháp được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố triển khai trong thời gian qua nhằm đẩy mạnh số hóa trong giáo dục. Điều này giúp nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, tạo diện mạo mới trong ngành giáo dục.

Ngành giáo dục thành phố đã và đang đổi mới trong phương thức dạy học và quản lý bằng nền tảng số. TRONG ẢNH: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu tổ chức tập huấn trực tuyến cho giáo viên. (Ảnh chụp tháng 6-2021)							           Ảnh: P.V
Ngành giáo dục thành phố đã và đang đổi mới trong phương thức dạy học và quản lý bằng nền tảng số. TRONG ẢNH: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu tổ chức tập huấn trực tuyến cho giáo viên. (Ảnh chụp tháng 6-2021). Ảnh: P.V

Trước ảnh hưởng của Covid-19, ngành giáo dục thành phố đã linh hoạt đổi mới phương thức dạy học, thi học kỳ, thậm chí bế giảng trực tuyến nhằm bảo đảm phòng, chống dịch. Đối với việc dạy trực tuyến, để nội dung bài học được sinh động, dễ hiểu, thay vì dạy theo kiểu truyền thống “thầy đọc, trò chép”, nhiều giáo viên đã thay đổi cách dạy, chú trọng đến sự tương tác trong bài giảng powerpont.

Cô giáo Nguyễn Thị Thành, giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà) chia sẻ, thời gian đầu dạy trực tuyến, cô gặp một số khó khăn do nhiều em học sinh không tập trung, thường làm việc riêng khiến tiết học không hiệu quả. Sau đó, cô Thành cùng nhiều giáo viên trong tổ xây dựng những bài giảng điện tử tích hợp nhiều hình ảnh, video, âm thanh sống động cùng các trò chơi trắc nghiệm, hỏi đáp đan xen trong giờ học để tạo hứng thú cho học sinh. Nhờ vậy, bài giảng trở nên sinh động, dễ dàng truyền tải kiến thức đến học sinh hơn.

Không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy và học, các trường còn thực hiện việc lưu trữ, cập nhật mọi thông tin về học sinh, điểm số của từng học kỳ, năm học, nhận xét của giáo viên... qua hệ thống hồ sơ điện tử. Được biết, hồ sơ điện tử được Sở GD&ĐT triển khai từ năm 2018, gồm: sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử. Theo đó, chỉ với các thiết bị điện tử có kết nối internet (điện thoại thông minh, máy tính bảng...) cùng một vài thao tác đơn giản, phụ huynh có thể dễ dàng biết được kết quả thi cũng như tình hình học tập của con.

Có con học lớp 8, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, chị Nguyễn Thị Chung, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà chia sẻ: “Tôi thấy rất tiện vì mọi thông tin cần thiết về con đều được thể hiện trong phần mềm. Đặc biệt hơn, trong sổ liên lạc điện tử có biểu đồ phân tích về tình hình học tập tổng quan của con qua từng học kỳ, từng năm học. Nhờ vậy mà tôi biết con mình có thế mạnh ở môn học nào để phát triển”.
Còn tại quận Hải Châu, dự kiến trong năm học 2021-2022, Phòng GD&ĐT quận sẽ triển khai phần mềm “Cổng thanh toán phí, học phí trực tuyến tập trung”. Đây là giải pháp thanh toán trực tuyến học phí và các khoản thu khác của học sinh trên địa bàn quận. Phần mềm này được xem là một trong những công cụ để số hóa công tác quản lý tại Phòng GD&ĐT quận, từng bước đưa công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục tại quận lên môi trường số; tăng cường giao tiếp số giữa nhà trường và phụ huynh. Phụ huynh học sinh luôn chủ động việc thanh toán mà không cần đến nộp học phí tại trường. Đặc biệt, các khoản thu luôn được công khai, minh bạch giúp cho phụ huynh theo dõi, tra cứu thông tin biên lai, hóa đơn điện tử dễ dàng.

Ông Đỗ Bá Hy, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu đánh giá: “Đặc tính nổi bật của giải pháp này là quản lý thanh toán trực tuyến học phí và các khoản thu khác, đáp ứng mục tiêu số hóa toàn diện trong công tác quản lý, giảng dạy, đào tạo và thực hiện chuyển đổi số ngành giáo dục. Để thuận tiện cho phụ huynh, các trường sẽ thực hiện thu phí bằng cả hai hình thức thanh toán trực tuyến và trực tiếp”,
Theo Sở GD&ĐT, để thực hiện chuyển đổi số, chính quyền thành phố đã chủ động mời các đối tác để tư vấn cho các đơn vị, sở, ban, ngành.

Bộ GD&ĐT cũng đã có những hành động cụ thể để tạo điều kiện cho sở như thống nhất cơ sở dữ liệu ngành, cấp các tài khoản học sinh và giáo viên được Bộ GD&ĐT triển khai từ trước; phối hợp với đơn vị cùng Microsoft Việt Nam ký kết các văn bản về hỗ trợ kho học liệu mở itrithuc.vn, igiaoduc.vn; cung cấp vĩnh viễn tối thiểu cho mỗi giáo viên và học sinh một tài khoản Office 365 có dung lượng lưu trữ 1TB, đây được xem là nền tảng quan trọng và giải quyết được vấn đề về lưu trữ cũng như có những bước khởi đầu cho việc chuẩn hóa kho học liệu cho các Sở GD&ĐT.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Nguyễn Minh Thành nhìn nhận, chuyển đổi số không chỉ là số hóa bài giảng, ứng dụng các phần mềm vào soạn bài dạy mà còn là sự chuyển đổi cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học. Để thực hiện việc chuyển đổi số đòi hỏi hạ tầng công nghệ, trang thiết bị mới cho cả người học, người trực tiếp giảng dạy, cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý.

Mặt khác, tư duy và năng lực quản lý của lãnh đạo ngành giáo dục cũng như lãnh đạo nhà trường phải thay đổi, cần trang bị kiến thức và tư duy số để có thể làm chủ công nghệ và hiểu rõ giới hạn của công nghệ. Đối với giáo viên, cần có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ để bảo đảm việc giảng dạy diễn ra suôn sẻ, trôi chảy. Học sinh cũng cần được chuẩn bị về tâm thế, tinh thần và kỹ năng và được hỗ trợ bảo đảm điều kiện hạ tầng thiết bị đủ để học tập trực tuyến.

“Trong thời gian đến, sở sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo, tập huấn cho lãnh đạo, giáo viên, nhân viên công nghệ thông tin của các trường về việc triển khai dạy học cũng như các lĩnh lực quản lý trong nhà trường. Đồng thời, hoàn thiện các đề án chuyển đổi số đang vướng mắc để nhanh chóng đưa vào sử dụng, tiến hành đầu tư hạ tầng cho các trường theo kế hoạch từng giai đoạn; nghiên cứu phát động giáo viên toàn ngành đóng góp bài giảng, đề kiểm tra chất lượng... được trường và các phòng chức năng kiểm duyệt để đưa vào kho tư liệu, bổ sung cho trung tâm học liệu ngành”, ông Trần Nguyễn Minh Thành cho hay.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.