Phát triển ngành cơ khí theo chiều sâu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại

.

Sáng 26-4, Hội Cơ khí (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật thành phố Đà Nẵng) tổ chức hội thảo “Ngành cơ khí trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Báo cáo tham luận tại hội thảo đánh giá năng lực, trình độ kỹ thuật và công nghệ của ngành cơ khí trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế so với các trung tâm công nghiệp khác. Ngành cơ khí thành phố cũng đối diện với nhiều thách thức của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0.

Về định hướng đến năm 2030, ngành cơ khí thành phố tập trung phát triển, đầu tư theo chiều sâu như ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại; nâng cao năng lực sản xuất cũng như sức cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm cơ khí truyền thống; thúc đẩy phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô-tô, phương tiện vận tải với các sản phẩm chủ lực (ô-tô du lịch, du thuyền, tàu thuyền công suất lớn phục vụ khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá…); thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, trong đó ưu tiên: sản xuất - lắp ráp linh kiện, phụ tùng, chi tiết…

Đồng thời hạn chế thu hút đầu tư các dự án mới về sản xuất thép xây dựng trên địa bàn; chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết triệt để các vấn đề về ô nhiễm môi trường; tiên phong trong chế tạo các thiết bị trong ngành năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí cũng đề cập và trao đổi một số vấn đề như: chiến lược phát triển ngành cơ khí trọng điểm quốc gia và khả năng tham gia của cơ khí thành phố; vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thuận lợi và khó khăn của các doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn thành phố…

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.