Chuyển đổi số từ cơ sở

.

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn quận Thanh Khê đến năm 2025, các phường triển khai đẩy mạnh đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân tại các khu dân cư (KDC).

Người dân khu vực Thanh Phong 2, phường Thanh Khê Đông tìm hiểu về thực hiện đề án “Chuyển đổi số và văn hóa số” trên địa bàn. Ảnh: NGỌC HÀ
Người dân khu vực Thanh Phong 2, phường Thanh Khê Đông tìm hiểu về thực hiện đề án “Chuyển đổi số và văn hóa số” trên địa bàn. Ảnh: NGỌC HÀ

Thời gian qua, các phường trên địa bàn quận Thanh Khê đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tại KDC do bí thư chi bộ hoặc tổ trưởng dân phố làm tổ trưởng; các thành viên gồm đoàn viên, phụ nữ, cảnh sát khu vực…

Tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến các hộ gia đình, người dân. Đồng thời, trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân tại địa chỉ số/điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số như: ứng dụng Da Nang Smart City, dichvucong.danang.gov.vn…

Chủ tịch UBND phường Tân Chính Lê Hồng Nam cho biết, đến nay, toàn phường đã thành lập 36 tổ công nghệ số cộng đồng. Mỗi tổ đều tạo nhóm zalo trao đổi các hoạt động; các thành viên của tổ cũng được tập huấn về chuyển đổi số, trong đó lấy đoàn viên thanh niên là nòng cốt để hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản công dân điện tử và nộp hồ sơ trực tuyến cũng như một số dịch vụ điện tử khác. Đồng thời, UBND phường triển khai đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tương tự, tại phường Tam Thuận, người lao động trên địa bàn phường chủ yếu là lao động tự do, các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, nên việc tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế. Tuy nhiên, nhằm triển khai kịp thời, thống nhất, có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia, UBND phường ban hành kế hoạch Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh thực hiện chuyển đổi số ở KDC. Ông Lại Tiến Hương, Bí thư Đảng ủy phường Tam Thuận cho biết, trong kế hoạch chuyển đổi số, địa phương xác định mỗi đoàn viên thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức là một công dân số xung kích, gương mẫu trong thực hiện chuyển đổi số để hướng dẫn và lan tỏa; mỗi tổ dân phố là hạt nhân trong triển khai truyền thông, hướng dẫn chuyển đổi số.

“Đến năm 2025, phường Tam Thuận phấn đấu 90% người dân, doanh nghiệp được trang bị kỹ năng số và các quy tắc ứng xử trên môi trường số; tham gia hoạt động học tập, lao động, sản xuất, đời sống và sinh hoạt trên môi trường số; được tiếp cận sử dụng các dịch vụ số, thông tin số của Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; 50% hộ gia đình, 90% doanh nghiệp trên địa bàn phường có tài khoản thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; 50% dân số mua sắm trực tuyến”, ông Hương nói.

Bên cạnh tổ công nghệ số cộng đồng, các phường trên địa bàn quận cũng bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “KDC công nghệ số”. Là một trong 7 phường/xã được chọn thí điểm triển khai chuyển đổi số tại phường/xã trên toàn địa bàn thành phố trong năm 2021, phường Thạc Gián đã đạt được một số kết quả nhất định. Đối với chuyển đổi số tại cơ sở, đến nay đã tạo lập 5.151 tài khoản điện tử/11.597 dân và đang tập trung hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản hiệu quả. Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường vận động hội viên đi chợ không sử dụng tiền mặt; các cửa hàng đẩy mạnh thanh toán điện tử; đoàn thanh niên vận động người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến…

Bà Nguyễn Thị Mỹ Cảnh, Bí thư Đảng ủy phường Thạc Gián cho hay, mô hình “Khu dân cư công nghệ số” ra đời nhằm đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả chuyển đổi số trong KDC. “KDC công nghệ số” phải đạt 10 tiêu chí đề ra, trong đó mỗi hộ dân đều sử dụng internet, mỗi người dân đều có 1 điện thoại thông minh; bảo đảm trên 90% người dân có tài khoản công dân điện tử; trên 90% người dân tạo lập tài khoản thanh toán ngân hàng, ví điện tử (Viettel Pay, VNPT Pay, MoMo, VNPay,...); trên 50% hộ kinh doanh có tài khoản trên sàn thương mại; khuyến khích các khu dân cư, xây dựng bản đồ các tổ dân phố gắn với địa chỉ nhà thông qua các phần mềm như acad, photoshop….

“Trước tiên, KDC Tam Giác 3 thực hiện thí điểm vào tháng 6 và tháng 7; các khu dân cư triển khai thực hiện mô hình bắt đầu từ tháng 8. Tôi cho rằng, chuyển đổi số nếu tạo giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng, sử dụng thì chuyển đổi số sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Do đó, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua các “KDC công nghệ số” kỳ vọng là mô hình thiết thực và lan tỏa trong thời gian đến”, bà Cảnh chia sẻ.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.