Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 của Thành ủy về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn thành phố bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Đà Nẵng trở thành điểm sáng với 2 năm liền (2020, 2021) đứng vị trí thứ nhất về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh.
Người dân giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY |
Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố xác định, 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trần Ngọc Thạch, chuyển đổi số đã được lãnh đạo thành phố xác định là động lực mới và là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn, tạo đột phá mới trong phát triển thành phố. Sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, UBND thành phố đã ban hành Đề án chuyển đổi số và kế hoạch hành động hằng năm; mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đều ban hành kế hoạch chi tiết giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hằng năm, thành lập Ban chỉ đạo để triển khai công tác chuyển đổi số.
Ông Thạch cho biết, mục tiêu chung của đề án là thành phố thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử. Kết quả thực hiện cho thấy, tháng 8-2021, Bộ TT&TT công bố Đà Nẵng xếp hạng Nhất về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (0,6419 điểm) và dẫn đầu cả 3 trụ cột: Chính quyền số (0,6868 điểm), Kinh tế số (0,6312 điểm) và Xã hội số (0,6483 điểm). Đây là năm thứ hai liên tiếp Đà Nẵng xếp hạng Nhất. Đặc biệt, năm 2021, điểm số Đà Nẵng tăng 31,7% so với năm 2020 và sau 1 năm triển khai nghị quyết về chuyển đổi số, Đà Nẵng đạt điểm khá (gần 65%) so với Bộ chỉ số DTI (dùng cho nhiều năm sau). Ngoài ra, theo báo cáo của Cục An toàn thông tin, năm 2021, Đà Nẵng xếp hạng A (dẫn đầu) về an toàn thông tin. Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2021, Đà Nẵng thuộc top 3 địa phương dẫn đầu về thương mại điện tử, sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Minh họa hướng dẫn đăng ký Công dân số của Sở Thông tin và Truyền thông. (Ảnh chụp lại màn hình). Ảnh: TRỌNG HUY |
Theo ông Thạch, hiện nay 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4; gần 80% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) có phát sinh hồ sơ trực tuyến, gấp 1,7 lần so với trung bình toàn quốc (so với cách đây 1 năm là 75%); 60% hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); so với cách đây 1 năm là 57% (gấp 1,3 lần so với trung bình toàn quốc, vượt chỉ tiêu tại kế hoạch hành động năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số vào cuối năm 2022 là 50%).
Năm 2021, giá trị tăng thêm của kinh tế số đạt 13.200 tỷ đồng, kinh tế số chiếm gần 13% GRDP thành phố (theo đánh giá của Bộ TT&TT); so với cách đây 1 năm chỉ đạt 8,23% (chỉ tính kinh tế số thuần ICT) và kỳ vọng đến năm 2025, kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP thành phố. Cũng cuối năm 2021, có gần 85% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, 96% hộ gia đình có người có điện thoại thông minh, gần 100% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang; 46% hộ gia đình có địa chỉ số (trên tổng số hộ gia đình), gần 60% người dân biết kỹ năng về Công nghệ thông tin và truyền thông (theo đánh giá của Bộ TT&TT)…
Đến nay, hơn 240.000 người dân có tài khoản công dân số (cách đây 1 năm là 180.000), chiếm khoảng 40% dân số trưởng thành. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% dân số trưởng thành có tài khoản công dân số. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân là 2,27 (cách đây 1 năm là 2,0), trong khi tỷ lệ trung bình toàn quốc là 0,7. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ này là 3,0.
Nhiều ứng dụng đưa vào thực tiễn Hiện nay, ứng dụng đa dịch vụ, tiện ích Danang Smart City đã có 1,1 triệu lượt tải, cài đặt. Nhiều dịch vụ, tiện ích như đăng ký tài khoản công dân số và sử dụng các tiện ích công dân số, chính quyền số như: thanh toán hóa đơn, tra cứu sản lượng, lịch cúp điện, nước; tra cứu hồ sơ dịch vụ công, hẹn giờ giao dịch TTHC, hẹn giờ khám chữa bệnh, tiêm chủng; tra cứu các thông tin về xe buýt, xe vi phạm giao thông, phù hiệu xe du lịch, thông tin giá đất, cơ sở an toàn thực phẩm; tìm kiếm các trạm ATM, ngân hàng, bãi đỗ xe...; cập nhật kịp thời các thông tin, thông báo chính thống từ thành phố. Đặc biệt, việc triển khai chuyển đổi số đã góp phần triển khai áp dụng công nghệ số và dữ liệu số hiệu quả phục vụ phòng, chống Covid-19, trở thành một điểm sáng của thành phố. Điển hình là quản lý và kiểm soát khai báo y tế điện tử, khai báo và giám sát, hỗ trợ trực tuyến F1, F0 cách ly tại nhà...; đồng thời đã tạo được thói quen trong quần chúng nhân dân về sử dụng dịch vụ và giao dịch qua mạng. |
TRỌNG HUY