Trung Quốc đã vạch ra một loạt kế hoạch đầy tham vọng mới về thám hiểm vũ trụ, trong đó có mục tiêu đến năm 2030 khám phá các hành tinh có thể sinh sống được ngoài hệ Mặt Trời.
Các phi hành gia Trung Quốc trên trạm Thiên Cung ngày 30-11. Ảnh: Báo Tin tức |
Chủ tịch Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) - ông Wu Yansheng tiết lộ rằng đến năm 2025, nước này lên kế hoạch phóng tàu thăm dò khám phá các tiểu hành tinh gần Trái Đất và vành đai chính của Sao Chổi. Bên cạnh đó, trong 10 - 15 năm tới, Trung Quốc sẽ thực hiện sứ mệnh lấy mẫu vật trên Sao Hỏa.
Cũng theo ông Wu Yansheng, Trung Quốc có kế hoạch tiến hành các cuộc khảo sát Sao Mộc và Sao Thiên Vương, cũng như hệ Mặt Trời và biên giới của nó. Đến năm 2030, nước này dự kiến triển khai sứ mệnh mang tên "Tìm kiếm Tiếng nói" để khám phá xem có hành tinh nào bên ngoài hệ Mặt Trời thích hợp cho con người sinh sống hay không.
Theo CASC, Trung Quốc cũng đang phát triển một phương tiện phóng có người lái thế hệ tiếp theo để đáp ứng nhu cầu chiến lược dài hạn về thăm dò Mặt Trăng. Đây là bệ phóng ba tầng rưỡi cao 90 mét, đường kính 5 mét và nặng khoảng 2.187 tấn khi phóng. Thiết bị này dự kiến có chuyến bay đầu tiên vào năm 2027.
Một mẫu tên lửa đẩy hạng nặng mới là Trường Chinh-9 cũng đang được phát triển. Đây là một siêu tên lửa ba tầng, có đường kính 10 mét với chiều cao 110 mét, có khả năng đưa vật có tải trọng 150 tấn vào quỹ đạo gần Trái Đất, 50 tấn vào quỹ đạo chuyển giao Mặt Trăng (LTO). Chuyến bay đầu tiên của Trường Chinh-9 được dự kiến vào khoảng năm 2030.
Hình ảnh chụp tại trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc sáng 30-11 cho thấy tàu Thần Châu-15 đã kết nối thành công với trạm Thiên Cung. Ảnh: Báo Tin tức |
Ông Wu cũng chia sẻ những tiến bộ mới nhất trong sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng giai đoạn 4 của Trung Quốc. Tàu thăm dò Thường Nga-6 (Chang'e-6) sẽ di chuyển đến nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng vào khoảng năm 2025. Nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng là phần bán cầu luôn “quay lưng” lại với Trái Đất.
Tàu Thường Nga-7 (Chang'e-7) dự kiến sẽ khảo sát môi trường và nghiên cứu tài nguyên của Cực Nam trên Mặt Trăng vào khoảng năm 2026. Cùng với tàu Thường Nga-7, Thường Nga-8 (Chang'e-8) sẽ được phóng vào khoảng năm 2028 để tạo thành cấu trúc cơ bản cho Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế.
Trung Quốc cũng đang xây dựng "internet Mặt Trăng" tích hợp các chức năng chuyển tiếp dữ liệu, điều hướng và viễn thám, với hy vọng rằng phi hành gia, kỹ sư vũ trụ và nhà khoa học trong tương lai được gửi đến trạm nghiên cứu Mặt Trăng có thể sử dụng internet để đăng lên mạng xã hội giống như trên Trái Đất.
Tờ Global Times đưa tin Trung Quốc cũng đang để mắt đến các tàu vũ trụ có thể tái sử dụng sẽ đưa đón giữa Trái Đất và không gian vũ trụ với chi phí thấp, độ tin cậy và tính linh hoạt cao.
Ông Wu nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là đưa Trung Quốc trở thành một trong những cường quốc vũ trụ hàng đầu thế giới vào năm 2030 và thúc đẩy Trung Quốc như một cường quốc vũ trụ mạnh mẽ trên thế giới vào năm 2045”.
Vào Ngày Vũ trụ Trung Quốc (24-4) năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã viết bức thư gửi đến các nhà khoa học vũ trụ cấp cao, khuyến khích họ “tăng cường và mở rộng khám phá vũ trụ đồng thời nhanh chóng biến Trung Quốc thành cường quốc vũ trụ”.
Trung Quốc đã dành vài thập niên gần đây để dần dần xây dựng trạm vũ trụ của riêng nước này có tên Thiên Cung, theo phong cách của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Thiên Cung nằm ở vị trí cao hơn 161 km so với ISS và có kích thước bằng 1/5 ISS.
Dự kiến trong tương lai trạm vũ trụ Thiên Cung sở hữu tới 6 module, vẫn được coi là khiêm tốn so với ISS vốn có 17 module trong đó có 8 module của Mỹ, 6 module của Nga, 2 module thuộc về Nhật Bản và một module của châu Âu.
Theo Báo Tin tức