Trong những năm qua, tại Đà Nẵng, việc xây dựng, hình thành chính quyền số đang thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, hỗ trợ truyền thông chính sách, kiểm soát xung đột lợi ích, ứng dụng công nghệ số trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, góp phần tích cực trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC).
Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng (Sở Thông tin và Truyền thông) cung cấp và giải đáp cho tổ chức, công dân các thông tin liên quan đến chính sách và dịch vụ hành chính công trực tuyến. Ảnh: PV |
Đà Nẵng xác định 3 yếu tố quan trọng tạo nền tảng cho chuyển đổi số là hạ tầng số, dữ liệu số và nền tảng số.
Một là, hạ tầng số được đầu tư đi trước một bước phát triển theo hướng mở, ảo hóa, tối ưu cho việc dùng chung và được cung cấp như dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây. Đến nay, mạng đô thị thành phố với hơn 400 km cáp quang ngầm kết nối 145 cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở, trung tâm dữ liệu thành phố được nâng cấp, mở rộng, dung lượng lưu trữ đến 170 TeraBytes, một số trạm truyền dẫn vô tuyến sử dụng công nghệ LoRa được sử dụng thí điểm… là điều kiện cần thiết để thành phố triển khai chính quyền số bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị.
Hạ tầng viễn thông, liên lạc được đầu tư, hoàn thiện, với cơ bản 100% hộ gia đình có kết nối cáp quang băng rộng, mạng 3G, 4G đã phủ sóng 100% khu vực dân cư, mạng 5G đang được triển khai, hệ thống wifi thành phố mở rộng kết nối đến các chợ, trung tâm y tế, khu vực tập trung đông công nhân, cùng với tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao (105 máy/100 dân)... giúp người dân thành phố có thể kết nối internet tốc độ cao gần như mọi lúc, mọi nơi. Đây là tiền đề để trang bị khả năng “truy cập số” cho người dân Đà Nẵng. Nói cách khác, người dân có điều kiện, cơ hội tiếp cận thông tin công khai, minh bạch, chính thống, được sử dụng các ứng dụng chính quyền số để theo dõi, góp ý hoạt động của chính quyền thành phố trên môi trường số. Người dân phát huy được vai trò làm chủ, thực hiện giám sát hoạt động các cơ quan chính quyền, nhất là các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, phiền hà cho người dân.
Hai là, về nền tảng số, thành phố triển khai nhiều ứng dụng chính quyền số theo hướng phục vụ cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch thông tin, tăng cường tương tác với người dân trên môi trường số. Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố hiện nay cung cấp gần 97% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, trong đó 100% dịch vụ đủ điều kiện lên mức 4, đặc biệt là việc triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu đã được xác định trong đề án và 29 dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg ngày 4-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh đạt 71%, vượt chỉ tiêu kế hoạch quốc gia 50%.
Từ nhiều năm trước, thành phố đã xây dựng ứng dụng Góp ý Đà Nẵng cho phép tổ chức, công dân gửi phản ánh, góp ý đến cơ quan chính quyền thành phố trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều trường hợp, qua tiếp nhận và xử lý phản ánh của công dân trên ứng dụng Góp ý, ý thức, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức tiếp dân đã được chấn chỉnh tích cực hơn rất nhiều. Hiện nay trung bình các cơ quan chức năng thành phố nhận và xử lý, phản hồi hơn 1.000 ý kiến/tháng.
Bên cạnh đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về PCTNTC cũng được triển khai với nhiều hình thức mới, hiệu quả trên các nền tảng và môi trường số. Với 1,3 triệu dân, nhưng người Đà Nẵng đang sở hữu 2,4 triệu tài khoản mạng xã hội, nên việc thành phố sử dụng các nền tảng giao tiếp trên mạng xã hội và các trang thông tin điện tử trong công tác tuyên truyền đã mang lại hiệu quả cao.
Thông qua Cổng Thông tin điện tử thành phố, các trang thông tin điện tử, fanpage, nhóm Zalo của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí thành phố và đặc biệt một số nền tảng truyền thông chủ động (chủ động gửi thông tin đến máy điện thoại người dùng) như Zalo Tổng đài 1022 Đà Nẵng, ứng dụng Danang Smart City, Tổng đài thoại tự động (AI Call Center), hệ thống truyền thanh thông minh tại cơ sở... đã tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTNTC đến với người dân.
Sắp đến, dịch vụ góp ý, phản ánh sẽ được tích hợp thành một trong các dịch vụ đô thị thông minh do Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) cung cấp, và được xem như là “bộ não số” của hoạt động đô thị, là nơi tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực. Với chức năng giám sát và công khai thông tin được hỗ trợ bởi công nghệ thông minh, Trung tâm IOC nhận diện, giám sát, cảnh báo các vấn đề cần quan tâm hoặc các vi phạm trong phạm vi đô thị, kết quả giám sát sẽ được chuyển đến cơ quan, địa phương có thẩm quyền xử lý kịp thời; các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có thể giám sát các nội dung này, đặc biệt là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Ba là, trên lĩnh vực phát triển dữ liệu số, các dữ liệu của các sở, ngành được xác lập bước đầu thông qua các ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu (CSDL) và quản lý Nhà nước chuyên ngành, các hệ thống khác phục vụ cho ngưới dân, doanh nghiệp,… đã hình thành nhiều CSDL nền như CSDL công dân, doanh nghiệp, nhân hộ khẩu, đất đai, cán bộ, công chức… là những dữ liệu quan trọng để sắp đến thành phố triển khai “Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” theo Quyết định 390/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án hướng đến xây dựng CSDL quốc gia duy nhất và được phân quyền kê khai, khai thác, sử dụng, kiểm soát tài sản, thu nhập cho tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật. Dữ liệu và công nghệ số sẽ được áp dụng vào việc kiểm soát tài sản, thu nhập, theo hướng chuyển đổi công tác kiểm soát tài sản, thu nhập từ việc “kê khai, xác minh” sang “chủ động kiểm soát, phòng ngừa”.
Thành phố đã triển khai đưa vào sử dụng “Hệ thống CSDL quản lý công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố”. Hệ thống giúp các cơ quan quản lý việc tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại cơ quan mình theo quy trình. Hiện đã có 250 cơ quan, đơn vị, địa phương (khối hành chính và khối Đảng) sử dụng, với dữ liệu liên thông từ các cấp phường/xã, quận/huyện, sở/ban/ngành và thành phố. Từ đó, góp phần thống nhất quy trình điều hành xử lý và công tác tổng hợp báo cáo, bảo đảm chính xác, kịp thời; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTNTC trên phạm vi toàn địa bàn thành phố.
Như vậy, việc hình thành và liên kết trực tuyến các dữ liệu số (như CSDL về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, CSDL về đăng ký ô-tô, xe máy, CSDL về tài sản gửi ngân hàng…) đã tạo điều kiện để các cơ quan nội chính, thanh tra thực hiện việc tham chiếu, kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập cũng như phục vụ giám sát từ phía người dân, Mặt trận, đoàn thể và các cơ quan, đại biểu dân cử.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả, vai trò của chuyển đổi số trong nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC, thành phố sẽ tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các ứng dụng đã triển khai, đồng thời liên tục cập nhật, làm giàu cho các cơ sở dữ liệu nền, dữ liệu thanh tra, kiểm tra, PCTNTC... Bên cạnh đó, sẽ tập trung triển khai hiệu quả Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất nghiên cứu xây dựng nền tảng phục vụ việc gửi, nhận ý kiến của cử tri đến cấp có thẩm quyền, theo dõi và giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri thành phố. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân thành phố trong việc tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, gây nhiều bức xúc cho nhân dân.
NGUYỄN QUANG THANH
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông