Triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023

.

Từ đầu tháng 3 đến nay, UBND thành phố và các quận, huyện ban hành các kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, qua đó cụ thể hóa các mục tiêu chuyển đổi số cần thực hiện trong năm cũng như những giải pháp cho mục tiêu chuyển đổi số.

Nhiều giải pháp đang được các đơn vị, địa phương triển khai để hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số. Trong ảnh: Công chức phường An Hải Đông (quận Sơn Trà) hướng dẫn người dân quét mã QR để thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: M.Q
Nhiều giải pháp đang được các đơn vị, địa phương triển khai để hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số. TRONG ẢNH: Công chức phường An Hải Đông (quận Sơn Trà) hướng dẫn người dân quét mã QR để thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: M.Q

39 chỉ tiêu chuyển đổi số

Theo Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 4-3-2023 của UBND thành phố về triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố năm 2023, thành phố đặt ra 39 chỉ tiêu về chuyển đổi số, trong đó 8 chỉ tiêu dữ liệu số, 13 chỉ tiêu chính quyền số, 6 chỉ tiêu kinh tế số và 12 chi tiêu xã hội số.

Trong 39 chỉ tiêu, Đà Nẵng đặt riêng 13 tiêu chí so với toàn quốc như: 100% cơ quan Nhà nước cung cấp dữ liệu mở; tỷ trọng công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) đạt 14% trong GRDP; 2,5 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân; đạt tỷ lệ 8,5% nhân lực công nghệ số trong lực lượng lao động...

Bên cạnh đó, thành phố phấn đấu 11 chỉ tiêu cao hơn so với mục tiêu toàn quốc như: 100% báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện trực tuyến (toàn quốc 50%); kinh tế số chiếm 20% tỷ trọng GRDP thành phố (toàn quốc 16%)...

So với năm 2022, thành phố có thêm 19 chỉ tiêu phấn đấu, tương đương tăng gấp đôi, cũng như thêm 1 hạng mục là dữ liệu số. Có thể thấy, nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023 của thành phố tăng thêm nhiều về số lượng cũng như yêu cầu cao về chất lượng.

Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Chánh văn phòng Chuyển đổi số thành phố, để hoàn thành kế hoạch đặt ra, UBND thành phố đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng sở, ban, ngành, địa phương, tạo sự thống nhất; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Cuối tháng 3, UBND thành phố tiếp tục ban hành các văn bản về triển khai giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến; ban hành văn bản về sử dụng kho kết quả thủ tục hành chính số để thay thế một số giấy tờ người dân, tổ chức phải nộp và cung cấp dịch vụ công “nâng cao”.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu số, hoàn thành trong tháng 6-2023.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương triển khai hoàn thiện, cập nhật thủ tục hành chính số vào kho kết quả thủ tục hành chính số, bảo đảm 100% kết quả thủ tục hành chính phát sinh mới được ký số trên hệ thống chính quyền điện tử eGov để được chuyển vào kho.

Các quận, huyện chủ động triển khai kế hoạch địa phương

Ngoài kế hoạch của thành phố, UBND các quận, huyện cũng triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số của địa phương. Theo đó, ngay từ cuối tháng 2, UBND quận Sơn Trà ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn quận năm 2023 với các mục tiêu theo 3 nền tảng: chính quyền số - kinh tế số - xã hội số với 11 nhiệm vụ cụ thể.

Một số mục tiêu như: phấn đấu 100% đơn vị cập nhật thường xuyên dữ liệu lên hệ thống cơ sở; đến cuối năm 2023 thí điểm triển khai cung cấp và dùng lại kết quả hồ sơ, thủ tục hành chính điện tử, sử dụng dữ liệu số để thay thế một số thành phần hồ sơ, thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính...

Ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho hay, để tăng tính hiệu quả, quận sẽ sớm tiếp nhận và triển khai có hiệu quả Trung tâm giám sát điều hành thông minh, khai thác hệ thống phân tích dữ liệu; phối hợp với Trung tâm phát triển hạ tầng Công nghệ thông tin thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông bảo đảm an toàn, an ninh mạng và bảo mật thông tin.

Trong khi đó, UBND quận Thanh Khê đặt ra 22 mục tiêu nền tảng chuyển đổi số, cụ thể: 11 mục tiêu chính quyền số, 5 mục tiêu kinh tế số và 6 mục tiêu xã hội số. Song song, quận cũng đặt danh mục 26 nội dung chuyển đổi số cần thực hiện.

Một số mục tiêu như: hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý các hộ tiểu thương tại 12 chợ và triển khai thực hiện dữ liệu các hộ kinh doanh tại các tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn quận; 85% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4 (trừ một số thủ tục hành chính có tính chất đặc thù, quy định riêng), 60% dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến mức độ 3, 4, được cung cấp trên nhiều nền tảng, hỗ trợ trên thiết bị di động...

Ông Hồ Thuyên, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, mỗi nội dung chuyển đổi số, quận đều giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi phòng, ban để thực hiện theo chức năng, cũng như dành kinh phí để đầu tư cho những nhiệm vụ quan trọng như tăng cường đưa các hoạt động giáo dục lên môi trường số (720 triệu đồng); mua sắm phần mềm ngân hàng đề thi (520 triệu đồng)... Quận xác định khai thác tối đa mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh toàn xã hội để hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số.

UBND quận Cẩm Lệ đặt ra 22 mục tiêu nền tảng chuyển đổi số, cụ thể: 14 mục tiêu chính quyền số, 4 mục tiêu kinh tế số và 4 mục tiêu xã hội số. Một số mục tiêu quận đặt ra như: 100% dịch vụ hành chính công đủ điều kiện triển khai ở mức độ 4; 100% các ngành có giải quyết thủ tục hành chính ở quận triển khai hình  thức thanh toán trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt…

Để hoàn thành 22 mục tiêu trên, quận đặt ra 8 nhiệm vụ cụ thể, trong đó nhiệm vụ chuyển đổi nhận thức được xem là quan trọng hàng đầu.

Được biết, các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố sẽ ban hành kế hoạch chuyển đổi số của địa phương trong tháng 4, qua đó xác định các mục tiêu rõ ràng, bám sát các mục tiêu trọng tâm chuyển đổi số năm 2023 theo kế hoạch của thành phố; tạo sự thống nhất, phát huy vai trò của người đứng đầu mỗi đơn vị.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.