AI thay đổi các tòa soạn tương lai

Nhà báo + AI = 'Ai'?

.

Đã có một số lãnh đạo cơ quan báo chí quốc tế tin rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có tiềm năng tạo ra một cuộc cách mạng lớn nữa với nghề báo và các tòa soạn, giống như cách mà Internet, mạng xã hội và máy tính cá nhân đã từng tạo ra trong lĩnh vực này ở nhiều thập kỷ trước. Nhưng quan điểm hành xử với công nghệ mới này còn có những khác biệt.

Ông Geoffrey Hinton, nhà khoa học dữ liệu hàng đầu thế giới đã dành nửa thế kỷ trong sự nghiệp của mình để nghiên cứu, phát triển công nghệ lõi cho các chatbot kiểu như ChatGPT đã xin nghỉ việc tại Google vì lo ngại công nghệ AI tạo sinh sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: New York Times
Ông Geoffrey Hinton, nhà khoa học dữ liệu hàng đầu thế giới đã dành nửa thế kỷ trong sự nghiệp của mình để nghiên cứu, phát triển công nghệ lõi cho các chatbot kiểu như ChatGPT đã xin nghỉ việc tại Google vì lo ngại công nghệ AI tạo sinh sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: New York Times

AI tạo sinh, ai “sẽ chọn lối này”?

Khi các công cụ AI tạo sinh như DALL-E (phần mềm có thể biến văn bản thành hình ảnh) và ChatGPT của công ty OpenAI ngày càng phổ biến, những ứng dụng có khả năng tạo ra hình ảnh và văn bản giống con người ngày càng nở rộ, các tòa soạn và giới nhà báo buộc phải mau chóng thích ứng với thực tế mới. Điều đáng nói, ở vai trò nghề nghiệp của mình, giới báo chí sẽ cùng lúc gánh lên vai nhiều áp lực. Đó là phải tự giải quyết câu hỏi: việc sử dụng các sản phẩm AI mới nổi hiện nay có cần thiết không, nếu có thì nên thế nào và khi nào thì cần áp dụng. Trong khi, nhiều tòa báo vẫn còn loay hoay với việc có nên tiết lộ chuyện sử dụng AI trong tác nghiệp và sản xuất tin bài với độc giả không.

Đầu tháng 5 vừa qua, ông Michale Nunez, Tổng Biên tập chuyên trang công nghệ Venture Beat, gửi bức thư ngỏ tới toàn thể nhân viên để chia sẻ quan điểm và nhìn nhận của mình về tác động của AI tới báo chí, và việc công nghệ này sẽ thúc đẩy sự định hình lại nghề báo và các tòa soạn trong tương lai ra sao. Nhà báo này khẳng định ông không hề nghĩ AI là nguy cơ với báo chí: “Tôi tin là AI tạo sinh mang đến một cơ hội rất đáng kể để nâng cao và thúc đẩy kỹ năng nghề báo. Nếu được sử dụng có trách nhiệm, nó có thể giúp giải quyết một vài trong số những thách thức lớn nhất ngành này đang đối mặt, như áp lực không ngừng của việc phải nhanh chóng tạo ra ngày càng nhiều nội dung hơn cho báo chí trong khi thiếu sự đa dạng và bao trùm về nhân lực ở nhiều tòa soạn”.

Nói cách khác, khi lãnh đạo báo coi AI như một “thành viên của tòa soạn”, các phóng viên, biên tập viên được khuyến khích sử dụng các công cụ AI hiện có. Hiện có nhiều tờ báo chia sẻ quan điểm về AI tạo sinh với Venture Beat. Các hãng thông tấn, báo chí lớn như Reuters, New York Times, Washington Post, tạp chí The Atlantic, trang Business Insider đã thử nghiệm các công cụ AI nhiều năm qua. Riêng hãng tin AP tới nay đã dùng AI để sản xuất tin tức được gần một thập kỷ. Những đơn vị này cho rằng “cuộc chơi đã thay đổi”, giờ không còn là việc lựa chọn có dùng AI trong tòa soạn nữa không, mà đó là sự cần thiết để phục vụ độc giả tốt hơn. Dù vậy, mỗi nhà báo vẫn cần hiểu rõ các nguy cơ đi kèm để luôn duy trì việc tuân thủ những đặc trưng cơ bản của báo chí đó là: sự thật, chính xác và trách nhiệm.

Nhấn mạnh tới những tiêu chuẩn giá trị cao nhất của báo chí mà tờ Financial Times đã thượng tôn trong suốt lịch sử hơn 130 năm qua, trong bức thư ngỏ gửi tới toàn thể đội ngũ cuối tháng 5 vừa rồi, bà Roula Khalaf, Tổng biên tập tờ báo này, khẳng định niềm tin của độc giả với chất lượng tờ báo là điều quan trọng hơn hết thảy cho dù AI có phát triển tới đâu đi nữa. “Chất lượng” này còn có nội hàm rộng lớn hơn cả sự chính xác, “nó còn có nghĩa là công bằng và minh bạch”. “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng sứ mệnh của chúng ta là tạo ra báo chí với những tiêu chuẩn cao nhất là điều quan trọng hơn hết thảy trong một kỷ nguyên của những đổi mới công nghệ rất nhanh”, bà Roula Khalaf nói. Từ đó bà khẳng định, bất kể công nghệ có phát triển tới mức nào, tờ báo này vẫn sẽ tiếp tục làm công việc báo chí của mình với những nhân sự giỏi nhất, những người tận tụy với việc đưa tin và phân tích thế giới như nó đang diễn ra một cách chính xác và công bằng.

Những hình ảnh do AI tạo sinh tự tạo ra từ văn bản mô tả. Ảnh: Website của OpenAI
Những hình ảnh do AI tạo sinh tự tạo ra từ văn bản mô tả. Ảnh: Website của OpenAI

Hơn cả sự chính xác thông tin

Thực tế, cuộc tranh luận xung quanh vấn đề đạo đức trong sử dụng AI tạo sinh đã được bàn rất nhiều thời gian qua, nhưng đặc biệt nóng hơn khi một trong các nhà khoa học dữ liệu AI hàng đầu của thế giới, người được mệnh danh là “Bố già AI”, ông Geoffrey Hinton, đã quyết định nộp đơn xin nghỉ việc tại Google vì lo ngại các công ty sẽ không đảm bảo việc sử dụng công nghệ AI một cách có đạo đức. Câu hỏi tương tự về đạo đức cũng đang được thảo luận nhiều trong giới báo chí quốc tế với vấn đề trung tâm là: Liệu các nhà báo có thể sử dụng AI tạo sinh một cách có đạo đức không? Nói cách khác, các tòa soạn đã chuẩn bị cho mình những kế hoạch và tham vọng nào để có thể tích hợp công nghệ này một cách có trách nhiệm vào chuyên môn của mình?

Từ góc độ của một tổng biên tập tờ báo chuyên về công nghệ, ông Michale Nunez của trang Venture Beat tuyên bố sẽ tạo điều kiện để các phóng viên, biên tập viên của mình sử dụng AI tạo sinh như một bạn đồng hành sáng tạo chứ không phải là sự thay thế cho năng lực đánh giá vấn đề của con người. “Chúng ta sẽ không mù quáng cắt dán những nội dung mà các công cụ như ChatGPT tạo ra, chúng ta cũng sẽ không để cho AI viết toàn bộ các câu chuyện”, ông Michale Nunez nhấn mạnh, đồng thời cho biết ông và đội ngũ của mình sẽ đi theo hướng dùng AI như một công cụ để khơi thêm cảm hứng cũng như củng cố chất lượng bài vở. Tuy nhiên, trong thực tế đã có những chuyện không “màu hồng” như cách nói của ông Nunez. Vài tháng trước, theo hãng tin Bloomberg, các trang web CNET và Men’s Journal đã phải đính chính lại một loạt những lỗi trong các bài báo do AI viết.

Về vấn đề này, bà Tổng Biên tập Financial Times lưu ý: “Các mô hình AI trên thị trường hiện nay rốt cuộc là một cỗ máy dự đoán, và chúng đang học hỏi từ quá khứ. Chúng có thể thêu dệt các thông tin - một điều được nhắc tới giống như chứng “ảo giác” - và bịa ra các thông tin tham khảo và các liên kết. Nếu bị thao túng đủ, các mô hình AI có thể tạo ra những hình ảnh và bài báo hoàn toàn sai. Chúng cũng có thể sao chép các quan điểm xã hội đã có, gồm cả những thiên lệch thuộc về lịch sử”, bà Roula Khalaf chỉ ra. Dĩ nhiên, nói như thế không có nghĩa Báo Financial Time từ chối AI, trái lại tờ báo này đã trở thành một trung tâm cho những đổi mới sáng tạo, đi tiên phong trong việc dùng AI để cung cấp tốt nhất các dịch vụ cho độc giả và khách hàng của họ. Chẳng hạn họ không xuất bản những hình ảnh như thật do AI tạo ra, nhưng dùng các sản phẩm thị giác như đồ họa, sơ đồ, hình ảnh được AI hỗ trợ làm đẹp hơn, sinh động hơn, cũng vì thế mà không ảnh hưởng tới sinh kế của các họa sĩ trình bày.

Các nhà báo hẳn nhiên đã bắt đầu thử nghiệm những công cụ AI có khả năng sản xuất tự động hình ảnh và văn bản. Liên quan tới việc này, một số tờ báo, hãng tin đã đặt ra những quy định cụ thể về việc lúc nào thì nhà báo nên và không nên dùng các công cụ AI.

Chuyên trang công nghệ Wired trong bản tin ngày 22-5 công bố chính sách có tiêu đề “Wired sẽ sử dụng các công cụ AI tạo sinh như thế nào”, nêu rõ họ sẽ không đăng những bài báo có văn bản được viết hay sửa bằng AI, mặc dù có thể sử dụng AI để tìm ý tưởng và thử nghiệm AI làm công cụ nghiên cứu hay phân tích dữ liệu. Wired cũng có thể đăng các hình ảnh và video do AI tạo ra, nhưng chỉ với những điều kiện cụ thể, và dứt khoát không sử dụng hình ảnh do AI tạo ra thay cho các hình ảnh người chụp, ít nhất cho tới khi các công ty AI có giải pháp để bù đắp chi phí cho những người cung cấp nguồn ảnh, đảm bảo việc làm cho phóng viên ảnh. Dù vậy vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa thể trả lời. Chẳng hạn, khi nào thì một tờ báo được phép xuất bản hình ảnh do AI tạo ra? Một chatbot có thể giúp nhà báo viết bài không? Một tòa soạn báo nên minh bạch thế nào với các độc giả về việc sử dụng AI trong tác nghiệp?

Chắc chắn sẽ không dễ có sớm các câu trả lời cho những điều này, nhưng rõ ràng với mọi độc giả, những thông tin như tên tác giả, nguồn tin và những thông tin công khai của tòa soạn về việc có hay không ứng dụng AI trong bài báo sẽ giúp họ quyết định mức độ tin tưởng vào thông tin trong bài báo ấy. Điều này càng trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết khi tình trạng tin giả, tin sai lệch ngày càng nhiều. Và chúng ta cũng đừng quên rằng các chatbot và những công cụ tự tạo hình ảnh mới nhất đang khiến cho việc tạo ra những nội dung giả mạo như thật (thậm chí lắm lúc giống hơn cả thật) đang dễ dàng hơn bao giờ hết!

Financial Times chọn minh bạch về AI
Trong bức thư ngỏ gửi tới các nhân viên hôm 26-5 nói về AI và xu thế lựa chọn của tờ báo trước sự trỗi dậy của công nghệ này, Tổng biên tập Financial Times Roula Khalaf khẳng định ban lãnh đạo tờ báo sẽ minh bạch về việc sử dụng công nghệ AI trong nội bộ báo cũng như với độc giả. Mọi thử nghiệm của tòa soạn sẽ được ghi lại trong thông tin nội bộ, bao gồm quy mô thử nghiệm cũng như các nhà cung cấp bên thứ ba có thể sử dụng công cụ. Việc đào tạo cho đội ngũ trong báo sử dụng AI tạo sinh để tìm kiếm ý tưởng, đề tài cũng sẽ được tổ chức thông qua các lớp học với chuyên gia. “Mọi công nghệ đều mở ra những mặt trận mới đòi hỏi sự khám phá một cách có trách nhiệm. Nhưng như lịch sử gần đây đã chỉ ra, sự hào hứng luôn phải đi đôi với sự thận trọng trước nguy cơ tin giả và nạn thao túng sự thật”, bà Roula Khalaf nhấn mạnh.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.