Nhiều tiềm lực phát triển thị trường khoa học và công nghệ

.

Thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như góp phần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng KH&CN và đổi mới sáng tạo... Thành phố có những tiềm lực nào để thúc đẩy phát triển thị trường “đặc thù” này?

Thị trường khoa học và công nghệ có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây lắp Bàn Sơn. Ảnh: T.T
Thị trường khoa học và công nghệ có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây lắp Bàn Sơn. Ảnh: T.T

Vấn đề quan trọng đầu tiên là giải pháp tổng thể và cơ chế quản lý, vận hành phát triển thị trường KH&CN một cách hiệu quả. Trên cơ sở Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030, Sở KH&CN đã chủ trì xây dựng và tham mưu UBND thành phố ban hành Chương trình phát triển thị trường KH&CN thành phố Đà Nẵng đến năm 2030. Sở đã cùng với các chuyên gia, nhà khoa học tiến hành phân tích thực trạng nguồn cung - cầu công nghệ, các tổ chức trung gian phát triển thị trường KH&CN; xác định các hạn chế, nguyên nhân và đề xuất biện pháp khắc phục, tăng lượng giao dịch chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ, hàng hóa KH&CN, thúc đẩy phát triển các tổ chức trung gian để tư vấn kết nối các bên cung, cầu công nghệ.

Những năm qua, thành phố Đà Nẵng có sự phát triển không ngừng về tổ chức cũng như nguồn nhân lực KH&CN - chủ thể chính tạo ra nguồn cung hàng hóa KH&CN. Cụ thể có 12 trường đại học, ngoài ra còn có các viện và các khoa đào tạo trực thuộc Đại học Đà Nẵng và các cơ sở đào tạo, liên kết đào tạo của các trường đại học ngoài thành phố; 69 tổ chức KH&CN của Trung ương và địa phương và đông đảo lực lượng nghiên cứu có trình độ cao đến từ các viện, trường trên địa bàn. Đây là ưu thế, tiềm năng lớn trong công tác nghiên cứu phát triển nguồn cung chính cho thị trường KH&CN thành phố.

Đến nay, đội ngũ trí thức tại thành phố có quy mô khá lớn, riêng Đại học Đà Nẵng có đội ngũ trí thức đông đảo nhất với 2.457 người có trình độ đại học trở lên, Trường Đại học Duy Tân với 1.286 người, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố có 32 hội thành viên với 159.753 hội viên tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội...

Một lực lượng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển thị trường KH&CN đó là các tổ chức và doanh nghiệp. Đến nay, 21 doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn thành phố đã có nhiều kết quả KH&CN được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đạt các giải thưởng lớn. Thành phố hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ươm tạo 147 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thành lập khoảng 57 doanh nghiệp, tạo thêm nguồn cung công nghệ cho địa phương. Các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực có những đóng góp nhất định trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng KH&CN và đưa kiến thức, kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào sản xuất và đời sống. Thành tố không thể thiếu để phát triển thị trường đặc thù này đó là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua hàng hóa KH&CN.

Tính đến cuối năm 2022, thành phố có 36.524 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 242.097 tỷ đồng. Trong đó có 9 doanh nghiệp do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu (4 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và 5 doanh nghiệp có vốn Nhà nước). Thực hiện đánh giá chỉ số trình độ công nghệ trên địa bàn, theo số liệu điều tra năm 2019, đối với ngành công nghệ thông tin, khoảng cách công nghệ của thành phố Đà Nẵng so với Việt Nam ở mức cao (80.4%) và mức trung bình (56.29%) so với thế giới; đối với ngành du lịch ẩm thực, khoảng cách công nghệ của thành phố Đà Nẵng so với Việt Nam ở mức trung bình khá (69.21%) và mức trung bình (56.57%) so với thế giới. Nhu cầu áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu suất sản xuất của doanh nghiệp là rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin.

Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp cần giải quyết bài toán về năng lực tài chính và khả năng “hấp thụ” công nghệ mới, nhất là thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay sau những hệ lụy do Covid-19 gây ra. Đồng thời xu thế và hướng đi mới cho các doanh nghiệp sản xuất các ngành hàng cốt lõi cần phải chú tâm đến vấn đề tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

THANH THẢO

;
;
.
.
.
.
.