Tổ chức tòa soạn khi thực hiện chuyển đổi số

.

Các cơ quan báo chí đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ để phù hợp với xu thế thời đại. Song chuyển đổi số theo mô hình nào thì nhiều tòa soạn vẫn đang tìm kiếm khi chưa có những tổng kết mô hình một cách khoa học trên kinh nghiệm thực tiễn. Lựa chọn mô hình tòa soạn chuyển đổi số nào để đạt hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực đang là bài toán mà nhiều tòa soạn tìm lời giải hiện nay.

Xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ (newsroom convergence), đa phương tiện là xu hướng không thể cưỡng lại khi công nghệ phát triển vượt trội. Hiện không ít tòa soạn báo ở Việt Nam chuyển sang hoạt động với mô hình hội tụ và đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, trước khi quyết định có sự thay đổi trong mô hình vận hành, mỗi tòa soạn phải biết tính toán, cân đối các nguồn lực. Khi chưa đủ sức để xây dựng tòa soạn hội tụ mang tính hợp nhất thì cần hoạch định, lên kế hoạch hội tụ từng phần trong quy trình sản xuất tin bài, tăng cường sự liên kết, hợp tác nhóm giữa các ban chuyên môn, giữa bộ phận quản lý, lãnh đạo tòa soạn và đội ngũ nhân viên. 

Mô hình tòa soạn hội tụ

Ngày nay, kỷ nguyên công nghệ số của báo chí là sự hội tụ công nghệ và hội tụ nội dung, nhờ vào một nền tảng thống nhất giữa các dữ liệu được sử dụng. Khái niệm hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ được hiểu như là sự tích hợp của các thành phần khác nhau từ khâu lấy tin, phân tích nội dung, hệ thống xử lý tin bài thông minh và hệ thống quản trị nội dung. Ví dụ: một/nhóm phóng viên có thể thực hiện đưa tin tại hiện trường, đồng thời chuyển các dữ liệu (hình ảnh, âm thanh, video clip,…) thu nhận được về trung tâm tích hợp dữ liệu, ở đó dữ liệu sẽ được chia sẻ cho các phòng/ban hay phóng viên khác để thực hiện các bài viết sâu hơn, chi tiết hơn, cụ thể hơn. Các bài viết hoặc dữ liệu được tạo ra tiếp tục được lưu trữ tại trung tâm tích hợp dữ liệu để chia sẻ tới các phóng viên (hay phòng/ban) khác.

Từ năm 2011, mô hình vận hành tòa soạn của VnExpress đã thể hiện được sự hội tụ trong phương thức tác nghiệp của nhà báo. Với mô hình này, lực lượng phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tăng cường sự hợp tác với nhau thay vì tác nghiệp có phần riêng rẽ như trước. Khi xảy ra những sự kiện, một phóng viên hay một nhóm phóng viên sẽ thu thập tin tức, đồng thời chia sẻ những thông tin thu thập được với nhau qua một phòng chung newsroom (tương tự dạng chat nhóm nhưng có dung lượng lưu trữ lớn hơn). Ở đấy, các phóng viên (sử dụng tài khoản riêng để hoạt động) sẽ thiết lập các hệ thống dữ liệu để tiện trao đổi. Đặc biệt, thông tin thu được từ hiện trường sẽ được chuyển về một cách nhanh nhất đến bàn siêu biên tập ((super desk) nơi tập trung 9 thư ký tòa soạn - các biên tập viên cao cấp (mỗi người phụ trách 1-2 mảng thông tin), xung quanh sẽ là các ban chuyên môn được bố trí theo từng khối) để các thư ký tòa soạn quyết định lựa chọn phương thức nào để sản xuất thông tin.

Nguyên tắc hội tụ về mặt nội dung thể hiện rõ qua cách vận hành ở tòa soạn VnExpress. Với những sự kiện nóng, các tin, bài lớn, các tác phẩm báo chí của VnExpress luôn được trình bày dưới dạng đa phương tiện kết hợp cả chữ viết, hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa hay liên kết “nhúng”, liên kết bên ngoài đến các bài báo, trang video, audio trực tuyến… Qua đó, bổ trợ hiệu quả và thể hiện được chiều sâu nội dung thông tin.

Sau khi phóng viên viết bài hoàn chỉnh trên hệ thống phần mềm riêng của tòa soạn, bài được đẩy cho cấp cao hơn, cho đến khi lên mặt trang phải qua 3 cấp: biên tập viên (xác minh, biên tập thông tin) - trưởng ban chuyên môn (xác minh, biên tập lần hai) - thư ký tòa soạn chuyên trách (chịu trách nhiệm quản lý tin bài lên mặt trang). Với trường hợp những tin bài lớn, sự kiện nóng thì nhiều phóng viên sẽ cùng thu thập tin tức để đảm bảo tính đa chiều, sự chính xác, khách quan của thông tin.

Tòa soạn thường xuyên tổ chức nhiều khoa học ngắn hạn bồi dưỡng kỹ năng đa phương tiện cho phóng viên với người đứng lớp là tổng biên tập, thư ký tòa soạn hay các trưởng ban (mỗi khóa học sẽ có khoảng 30 - 40 người tham dự).

Xây dựng tòa soạn phù hợp các nguồn lực

Các chuyên gia truyền thông cho rằng, dựa vào sự tính toán, cân đối hợp lý các nguồn lực (đặc biệt là nhân sự và nền tảng tài chính), nếu cảm thấy đủ khả năng, thời cơ thì các tòa soạn cần dũng cảm thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy của mình. Đấy là một trong những điều kiện tiên quyết để chuyển dịch sang hoạt động mô hình hội tụ. Bên cạnh đó, phải ý thức rõ về tầm quan trọng của việc xây dựng tòa soạn hội tụ và có quyết tâm, chiến lược phát triển rõ ràng, có sự hoạch định lâu dài chứ không phải coi nó là giải pháp tạm thời.

Tuy nhiên, ngoài một số hội thảo, hội nghị của Hội Nhà báo Việt Nam và các trường đại học đào tạo chuyên ngành báo chí đề cập đến vấn đề xây dựng và vận hành tòa soạn hội tụ, tòa soạn đa phương tiện, các tòa soạn đã áp dụng mô hình này vẫn chưa có một hội thảo nào khẳng định tính hiệu quả trong đầu tư, sử dụng các nguồn lực, lợi nhuận mang lại, ngoài những trao đổi có tính chất nội bộ. Điều này khiến các cơ quan báo chí đi sau có những hạn chế trong áp dụng mô hình tòa soạn.

Hiện nay nhiều tòa soạn báo in số hóa báo chí bằng cách tổ chức hai tòa soạn song song là báo in và báo điện tử, với nguồn tài nguyên là phóng viên dùng chung. Các tòa soạn báo in hướng đến mô hình với quy trình sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp, tổ chức nội dung thống nhất nhưng cách thức thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng. Nếu bộ máy điều hành của các báo vẫn chủ yếu nhắm vào sản phẩm báo in ngày, cần chỉ đạo hợp tác giữa các bộ phận để tạo ra những sản phẩm thông tin không trùng lắp, phù hợp với từng nền tảng và có sự hỗ trợ lẫn nhau (độc giả đọc tin trên báo điện tử và sẽ tìm kiếm bài chuyên sâu trên báo in sáng hôm sau, hoặc đang đọc dở trên máy tính thì có thể đọc tiếp trên điện thoại…)

Trong tòa soạn hội tụ, phóng viên, biên tập viên, phóng viên ảnh cùng hợp tác làm tin, bài và thống nhất chọn cách tốt nhất để đưa tin. Với cách sắp xếp đó, phóng viên viết cho báo in và báo mạng điện tử cùng làm việc trong một môi trường, có thể hỗ trợ nhau trong công việc, thay vì mỗi bên chỉ quan tâm sản xuất nội dung cho kênh của mình như trước kia. Khi phòng ban báo in họp bàn về nội dung, những phóng viên của báo mạng điện tử cũng biết chính xác vấn đề gì đang được thảo luận để chủ động tổ chức tin bài, mặc dù hai ban này được tổ chức riêng rẽ. Ngoài ra, phóng viên báo in hoàn toàn có thể sử dụng tư liệu, ảnh trong bài viết, phóng viên truyền hình có thể sử dụng phần text của báo in để viết lời bình cho video clip của mình… Các bản tin trên truyền hình cũng có thể sử dụng đồ họa hay các số liệu của báo in và báo mạng đã đăng tải. Đối với báo mạng điện tử có thể sử dụng những sản phẩm của truyền hình và file audio của phát thanh.

Về lâu dài, nếu muốn làm việc trong tòa soạn đa phương tiện, các nhà báo sẽ phải chuẩn bị những bản tin một cách đa dạng, tức là vừa viết bài, vừa biết sử dụng các thiết bị kỹ thuật để thực hiện nhiều tác phẩm dưới dạng đa phương tiện. Muốn thế họ cần được đào tạo, tập huấn liên tục, bài bản để có thể làm thuần thục và làm việc nhóm với nhau hiệu quả. Muốn xây dựng được tòa soạn hội tụ thành công, trước hết cần phải có đội ngũ phóng viên, biên tập viên có kỹ năng nghề nghiệp tốt, được đào tạo bài bản, có khả năng sử dụng nhiều thiết bị hiện đại đồng thời am hiểu nhiều loại hình báo chí… Song, các tòa soạn báo, đặc biệt ở báo địa phương vừa có phóng viên mạnh về mảng này và yếu về mảng kia, nếu thế thì chỉ có thể tổ chức làm việc nhóm thì mới mang lại hiệu quả công việc. 

Hiện nay việc hội tụ nội dung vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Nhưng trong một tương lai không xa, các tác phẩm báo chí hội tụ sẽ xuất hiện nhiều hơn trên các tờ báo mạng điện tử. Nếu tổ chức tòa soạn đa phương tiện thành công, có thể sử dụng thế mạnh của các kênh khác nhau, tiếp cận công chúng ở bất cứ đâu và lúc nào thông qua các phương tiện truyền thông thích hợp nhất..

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.