Đà Nẵng xếp vị trí thứ Nhất về chuyển đổi số lần thứ 3 liên tiếp (2020-2022) theo Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ngày 12-7-2023. Đây là kết quả thể hiện sự quyết liệt trong thực thi chủ trương của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số của chính quyền Đà Nẵng, đặc biệt trên 3 trụ cột kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.
Tác động từ chuyển đổi số lan tỏa đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Nhóm lao động trẻ tham gia vào hoạt động kinh tế số diễn ra phổ biến. Ảnh: GIA PHÚC |
Giá trị DTI Đà Nẵng năm 2022 đạt 0,8002 điểm, tăng 0,1583 điểm so với năm 2021. Tại xếp hạng năm nay, Đà Nẵng dẫn đầu cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đồng thời cũng dẫn đầu các chỉ số thành phần: nhận thức số, thể chế số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng và đứng thứ 2 về hạ tầng số (sau Thành phố Hồ Chí Minh).
Nhiều kết quả ấn tượng
Theo báo cáo DTI 2022, giá trị trung bình DTI 2022 cấp tỉnh là 0,5786, tăng 44,1% so với năm 2021 (0,4014), trong đó 32/63 tỉnh, thành phố (chiếm 50,8%) có giá trị DTI 2022 trên mức trung bình. Năm 2022, 100% các bộ, tỉnh đều có chỉ số tăng so với năm 2021, phản ánh tương đối là cả hệ thống chính quyền các cấp đều nỗ lực trong chuyển đổi số.
Xét về Đà Nẵng, đây là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu bảng xếp hạng và các chỉ số thành phần cũng đều tăng vị trí: nhận thức số tăng 15 bậc (từ vị trí 16 lên 1); thể chế số tăng 5 bậc (từ 6 lên 1); hạ tầng số tăng 1 bậc (từ 3 lên 2); nhân lực số tăng 1 bậc (từ 2 lên 1); an toàn thông tin mạng tiếp tục giữ vững vị trí số 1; hoạt động chính quyền số tăng 1 bậc (từ 2 lên 1); hoạt động kinh tế số tăng 1 bậc (từ 2 lên 1) và hoạt động xã hội số giữ vững vị trí số 1.
Bên cạnh xếp hạng chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tổ chức đánh giá cổng dịch vụ công cho 20 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố với mốc thời gian 1-3 đến 31-3-2023 với thang điểm A - E. Để đạt mức độ A, cổng dịch vụ công cần có đầy đủ chức năng, giao diện thân thiện, thời gian tải trang dưới 2,5 giây và phản hồi dưới 0,2 giây. Đà Nẵng là 1/9 tỉnh, thành phố xếp hạng A. Có thể nói, Đà Nẵng ngày càng thể hiện vai trò tiên phong chuyển đổi số với việc hoàn thành nhiều chỉ tiêu chuyển đổi số; đồng thời đưa vào sử dụng nhiều ứng dụng số hóa, góp phần không nhỏ vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Theo Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 13-4-2022 của UBND thành phố về triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố năm 2022, thành phố đặt ra 20 chỉ tiêu về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số và thành phố hoàn thành 19/20 chỉ tiêu. Chỉ tiêu duy nhất chưa hoàn thành là tỷ lệ phủ sóng dịch vụ 5G đạt 20%, lý do là Việt Nam chưa triển khai đấu giá băng tần 5G nên chưa thể triển khai rộng rãi.
6 tháng đầu năm 2023, kết quả nhiều chỉ tiêu chuyển đổi số của Đà Nẵng đã vượt chỉ tiêu cả năm 2023 của toàn quốc: kinh tế số năm 2022 chiếm tỷ trọng 19,67% GRDP thành phố (chỉ tiêu cả nước 16%); 95% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh (chỉ tiêu cả nước 80%); 99% hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng trên (chỉ tiêu cả nước 85%); số tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác của người từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn thành phố hơn 3,55 triệu tài khoản, gấp 6 lần số người dân từ 15 tuổi trở lên (chi tiêu cả nước 75% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác)…
Đà Nẵng 3 năm liên tiếp (2020-2022) xếp hạng Nhất chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI. TRONG ẢNH: Người dân đăng ký làm thủ tục dịch vụ công tại UBND quận Cẩm Lệ. Ảnh: M.Q |
Phương châm hành động “3 cần”
Từ kết quả trên, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đánh giá Đà Nẵng đã tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức số với việc áp dụng phương châm hành động “3 cần”: Một là cần sự gương mẫu và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm cao nhất của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, vai trò tiên phong của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên, tổ công nghệ số cộng đồng. Hai là cần xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông tổng thể về chuyển đổi số để triển khai nhất quán, xuyên suốt toàn thành phố. Ba là cần nội dung truyền thông bảo đảm yếu tố đại chúng, ngắn gọn, gần gũi. Có thể nói, Đà Nẵng triển khai công tác tuyên tuyền chuyển đổi số theo hướng “dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”.
Đánh giá về kết quả DTI 2022 của Đà Nẵng, ông Vy Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng về cơ bản đã có nền tảng về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhiều năm nên thuận lợi trong thúc đẩy chuyển đổi số. Cùng với việc xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, từ đầu năm 2022, chính quyền thành phố tập trung quyết liệt cho chuyển đổi số, trong đó, thể hiện rõ quyết tâm đưa chuyển đổi số gắn liền với kinh tế, xã hội thông qua các chỉ tiêu kinh tế số và xã hội số chứ không đơn thuần là ứng dụng CNTT như trước đây.
Đà Nẵng cũng nỗ lực ứng dụng công nghệ mới để tạo đột phá như gần đây thành phố triển khai Da Nang Chain (xây dựng nền tảng về Blockchain cho Đà Nẵng) và đưa vào ứng dụng thử nghiệm. Tất cả những điều trên cho thấy Đà Nẵng nỗ lực rất lớn trong việc thúc đẩy ứng dụng CNTT, chuyển đổi số nên thành phố dẫn đầu xếp hạng chuyển đổi số là có cơ sở và là ghi nhận xứng đáng.
“Dẫn đầu đã khó, giữ được việc dẫn đầu đó bền vững càng khó hơn. Để tiếp tục có nhiều kết quả tốt hơn về chuyển đổi số, hiệp hội đề xuất thành phố cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp đang khó khăn ở thời điểm hiện tại, cần có nghiên cứu chuyên sâu về việc ứng dụng CNTT để tạo ra giá trị mới cho các ngành kinh tế trọng điểm của thành phố như du lịch và các lĩnh vực mới như tài chính số. Về công nghiệp CNTT, cần sớm đưa công viên phần mềm số 2 vào sử dụng và có chính sách ưu đãi về hạ tầng để thu hút doanh nghiệp mới cũng như đón đầu làn sóng mới khi kinh tế thế giới phục hồi”, ông Việt đề xuất.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cho hay, sở tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu theo Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 4-3-2023 về triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố năm 2023 như hoàn thiện nền tảng kho dữ liệu dùng chung, nền tảng phân tích dữ liệu nhằm lưu trữ tập trung, tiếp tục hoàn thiện nền tảng Cổng dịch vụ công… Bên cạnh đó, sở tiếp tục xây dựng các kế hoạch tuyên truyền chuyển đổi số có chủ đề, chủ điểm, hình thức đa đạng, đa kênh, chú trọng các kênh truyền thông số, các mô hình tuyên truyền trực quan sinh động.
MAI QUẾ